Báo động khai thác đá mất an toàn

Khai thác đá kiểu hàm ếch, không đúng quy trình kỹ thuật vẫn đang diễn ra hàng ngày tại nhất nhiều mỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Sơn La

Trên địa bàn Lào Cai, Sơn La hiện có hàng chục mỏ đá, quặng đang được các công ty tư nhân ngày đêm khai thác. Lợi nhuận chảy vào túi các chủ mỏ càng cao thì nguy cơ mất an toàn cho công nhân ngày một lớn.

Tại mỏ khai thác đá của công ty TNHH Lương Hà ở xã Bản Cầm huyện Bảo Thắng (Lào Cai), những người lao động phải làm việc cực nhọc, công nhân làm việc trên cao, trên sườn núi đá không sử dụng dây an toàn. Máy khoan đá kêu chói tai, các xe tải cỡ lớn chạy rầm rầm, nhưng không có biển báo an toàn hoặc cảnh báo nguy hiểm, không ai kiểm tra, kiểm soát.

Vụ sập mỏ Lèn Cờ tại Nghệ An vừa qua đã báo động tình trạng mất an toàn lao động trên các công
trường khai thác đá

Ngay cạnh đó, mỏ đá của doanh nghiệp Phú Hà cũng trong tình trạng tương tự. Theo quy định trong khai thác đá lộ thiên, chiều cao tầng đối với khai thác thủ công không quá 6m, bề rộng mặt tầng không được nhỏ hơn 1,5m. Nhưng ở đây, theo quan sát của phóng viên, chiều cao tầng khai thác lên đến hàng chục mét. Những công nhân làm việc ở đây khi được hỏi về kiến thức tập huấn về an toàn lao động, hầu hết đều không trả lời được.

Năm 2007, tại mỏ khai thác đá của Công ty TNHH Lương Hà đã xảy ra tai nạn lao động làm 2 người bị thiệt mạng. Như vậy, nguy cơ mất an toàn lao động tại mỏ khai thác đá này đã được báo trước.

Theo quy định của Luật Lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trang bị bảo hộ lao động, tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn lao động. Tuy nhiên, trong thực tế người sử dụng lao động đang khoán trắng cho người lao động. Biết là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì miếng cơm manh áo, những người lao động vẫn chấp nhận làm việc dưới điều kiện cực nhọc và nguy hiểm.

 “Tôi không cảm thấy an toàn” - Anh Nguyễn Văn Chín, một người đã 5 năm làm ở mỏ đá này cho biết.

Trong khi đó, chủ mỏ luôn khẳng định, quy trình khai thác đã được các cơ quan thanh tra liên ngành về an toàn lao động chấp thuận và những giải pháp trên là đảm bảo an toàn lao động.

Thực tế thì nhiều mỏ đá khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, nhiều tầng trượt nguy hiểm có thể đổ ập xuống, nhưng chủ mỏ không xử lý mà vẫn cho công nhân làm việc bình thường bên dưới.

Ông Nguyễn Xuân Khu, chủ mỏ đá Phú Hà cho rằng: Các công nhân đang khai thác đá theo đúng quy trình. Ông đã được học từ trường ra và giờ đang áp dụng. Công ty cũng đã triển khai để khai thác đến mức tuyệt đối an toàn.

Lời ông Nguyễn Xuân Khu đưa ra thực chẳng khác gì "vải thưa che mắt thánh". Công nhân trực tiếp làm việc trên khai trường ngày đêm vẫn canh cánh nỗi lo đến tính mạng.

Không chỉ những người công nhân trực tiếp lao động ở mỏ, hàng trăm hộ dân địa phương cũng bị ảnh hưởng vì sự ô nhiễm, tiếng ồn.

Vẫn theo cách làm ăn chụp giật,  tại Sơn La, ngoài các mỏ đá, việc mất an toàn lao động tại các khu vực khai thác khoáng sản cũng đáng báo động. Như tại mỏ khai thác khoáng sản ở xã Mường Trai, huyện Mường La do công ty TNHH Tuấn Đạt đứng ra khai thác. Con đường độc đạo duy nhất nối 5 bản tái định cư với trung tâm huyện Mường La hàng ngày phải oằn mình cõng hàng chục xe tải trọng lớn từ 30-35 tấn cày xới. Con đường đất dân sinh chỉ giới hạn cho xe 13 tấn đi qua, nay những xe chở khoáng sản gấp đôi trọng tải cứ ngang nhiên đi lại làm con đường ngày một dày thêm với những ổ voi, ổ gà, khiến nguy cơ tai nạn giao thông càng tăng cao.

Sau nguy cơ mất an toàn giao thông, vấn đề mất an toàn lao động tại các điểm khai thác khoáng sản tại xã Mường Trai cũng đang là vấn đề bức thiết. Khai trường không chỉ nằm sát con đường đi lại của nhân dân mà còn gần cạnh nhà dân. Những mỏ khai thác theo kiểu hàm ếch khoét sâu dưới chân với vỉa mỏ cao vài chục mét cũng rình rập vùi lấp hàng chục công nhân đang khai thác phía dưới cũng như người dân qua đường.

Điều đáng nói từ khi hoạt động khai thác mỏ diễn ra, cuộc sống của hàng trăm hộ dân của 5 bản là Khau Ban 1, Khau Ban 2, Hua Là, Phiêng Se và Huổi Luông bị xáo trộn.

Theo Trưởng bản Phiêng Se Quàng Văn Chiến, tiếng nổ mìn, khoan đá, máy móc và xe cộ đi lại ngày đêm làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân. Đã từng có những cuộc xô sát giữa người dân địa phương và công nhân khai thác mỏ mà nguyên nhân chỉ vì người dân lo lắng cho sự an toàn và sức khỏe của mình.

Rõ ràng nguy cơ mất an toàn lao động tại điểm khai thác mỏ tại Lào Cai; điểm khai thác khoáng sản tại xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang trong tình trạng đáng báo động. Nhất là trong thời điểm mùa mưa bão đang về, những khai trường của những ông chủ lao theo lợi nhuận, coi nhẹ đến sự an toàn thực sự lại trở thành những cái bẫy trên khai trường. Nếu tình trạng này không được chính quyền địa phương và các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra thì tính mạng lao động tại các mỏ khai thác khoáng sản tiếp tục bị đe doạ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên