Bao giờ bay thẳng Việt - Mỹ?

VOV.VN - Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là mở đường bay thẳng đến Mỹ, hãng hàng không nào sẽ tiên phong cất cánh...

Sáng  nay (11/12), tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức cuộc tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Dự báo năm 2020, tổng thị trường đạt 86,8 triệu khách, tăng 10,8% so với năm 2019; đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 11% so với năm 2019. 

Hàng không Việt Nam tăng trưởng "nóng"

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trong hơn ba mươi năm đổi mới, ngành hàng không Việt Nam là một trong những lĩnh vực đi đầu, đại diện cho ngành GTVT và đất nước hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ và đã đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Sự phát triển của ngành hàng không đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, mở rộng giao thương quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong con mắt bạn bè quốc tế.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.

Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8 %/năm. Một điều đáng ghi nhận là mặc dù duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng hàng không Việt Nam không để xảy ra tai nạn gây tổn thất về người.

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, trong quá trình phát triển, mặc dù đã có những thành tựu nhất định nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, cả với cơ quan quản lý nhà nước, với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không.

Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là mở đường bay thẳng đến Mỹ, hãng hàng không nào sẽ tiên phong cất cánh.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam- ACV cho rằng, nhìn vào sự phát triển của hàng không Việt Nam, chúng ta không sợ từ "nóng", nếu nóng theo nghĩa tích cực. Càng nóng càng tốt, nếu chúng ta kiểm soát được an toàn, an ninh. Hàng không phát triển nóng tức là kinh tế phát triển, xã hội ổn định.

Để kiểm soát an ninh, an toàn, liên quan đến tất các khâu, từ quản lý nhà nước, phát triển hạ tầng, quản lý bay, tổ chức vùng trời, cho đến nhân lực . Phát triển nóng mà nhân lực yếu, đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến an toàn, sau đó mới ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ.

"ACV nhận thức rõ, không được phép để thị trường chạy theo năng lực, mà năng lực phải đi trước đáp ứng nhu cầu thị trường. Chúng tôi cũng nhận thức được vai trò chủ đạo của mình trong đầu tư khai thác mạng cảng hàng không sân bay theo Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ", ông Thanh nói.

Cùng quan điển, ông Dương Trí Thành, TGĐ Vietnam Airlines (VNA) cho rằng, về nhận định nóng hay không còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên, thực trạng tăng trưởng cao chắc chắn đã và đang tạo ra khó khăn, đặc biệt áp lực về hạ tầng. Tốc độ tăng trưởng cao khiến chuyến bay kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng và chi phí kinh tế.

Do đó, VNA mong muốn hạ tầng đáp ứng kịp tốc độ phát triển. Những năm đầu của thập kỷ 90, tốc độ phát triển hàng không có thể lên tới 30-40% nhưng trên nền tảng xuất phát thấp. Còn hiện nay, với mức phát triển khoảng 20%/năm thì các nguồn lực bổ sung để đáp ứng là không đơn giản. Cụ thể, để đào tạo người lái cũng phải mất 5-6 năm/người, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm. Các hãng hàng không sẽ phải thuê phi công ngoại, làm gia tăng chi phí.

Vì vậy, ngoài phát triển hãng hàng không trong nước với chính sách mở cửa, Việt Nam cũng chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ hàng không đi kèm để nâng cao chất lượng. Các hãng hàng không nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam khai thác cũng tạo sức cạnh tranh lớn.

"Chúng tôi coi tăng trưởng vận chuyển hành khách là cơ hội lớn để phát triển hàng không. Vấn đề chúng ta cần có môi trường quản lý để phát triển nhanh, đồng bộ nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả bền vững, chất lượng an toàn. Có như vậy cả hãng hàng không và khách hàng mới nhận được lợi ích dịch vụ ngày càng tốt và bền vững hơn", ông Thành cho biết.

Theo ông Đinh Việt Phương – Phó Tổng giám đốc Vietjet Air, Việt Nam có gần 100 triệu dân, tàu bay 200 chiếc, tức 1 triệu dân có 2 tàu bay, so sánh với Malaysia, Thái Lan, số này còn rất khiêm tốn, nghĩa là nhu cầu tăng trưởng còn rất nhiều.

"Vấn đề đặt ra chỉ là làm thế nào chúng ta duy trì được tăng trưởng được bền vững, an toàn, lành mạnh?VJA là hãng hàng không tư nhân tham gia thị trường 8 năm. Trong 8 năm qua hãng chuẩn bị chào đón hành khách thứ 100 triệu...", ông Phương nói.

Ông Phương nhớ lại lúc mới tham gia thị trường, khi đó người dân đi đường bộ từ Bắc vào Nam phải mất 40 - 42 tiếng, vận tải khách rất khó khăn. Sau 8 năm tham gia thị trường, VJA đã đưa đến xu hướng vận tải khách hàng không giá rẻ. VJA đã cung cấp dịch vụ vận tải khách hàng không với giá vé cạnh trạnh, người dân chỉ mất 2 tiếng đồng hồ bay từ TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội và ngược lại.

"Sau đó nhận thấy, nhu cầu tăng lên của tất cả các địa phương. Hiện chúng ta có 22 cảng hàng không, chúng tôi nhận thấy các cảng hàng không khi VJA bay đến đều có nhu cầu về hàng không giá rẻ. Chúng tôi nhớ khi cảng hàng không Thọ Xuân mở ra, mọi người rất băn khoăn vì chỉ cách Vinh hơn 100km, thì sự phát triển như thế nào, đường bay như thế nào. Nhưng hiện nay Thọ Xuân bay rất tốt, lượng khách cũng rất tốt.

Cái đấy nói lên, nhu cầu đi lại cho người dân là rất lớn, cực lớn. Những người đang làm hàng không hiện đang chuẩn bị cho vận tải khách dịp Tết, một dịp mà nhu cầu đi lại rất lớn, từ Bắc vào Nam, từ Nam vào Bắc, và hàng không có thể giải quyết bài toán nhanh nhất, vận tải được số lượng khách lớn nhất", ông Phương nói.

Đường bay thẳng Mỹ, đầy khó khăn

Theo ông Đinh Việt Thắng Cục trưởng Cục HKVN Việt Nam, muốn bay đến Mỹ phải được Cục hàng không liên bang Mỹ đánh giá, kiểm soát an toàn. Hiện chúng ta đã đạt tiêu chuẩn F1 và đủ điều kiện mở đường bay đến Mỹ.

Việc mở đường bay tới Mỹ sẽ có nhiều thách thức đối với các hãng bay của Việt Nam. Thứ nhất, việc đầu tư đội tàu bay tầm xa phù hợp bay tới Mỹ rất tốn kém.

Thứ hai, thị trường hàng không là thị trường khốc liệt khi rất nhiều Hãng hàng không của các nước đã thực hiện bay tới Mỹ và cũng có nhiều Hãng hàng không của Mỹ khai thác đường bay từ Mỹ đi các nước. Vì vậy, yếu tố thị trường các hãng hàng không cần phải hết sức quan tâm.

“Thời gian đầu nếu khai thác các đường bay thẳng tới Mỹ thì sẽ chịu lỗ nhưng dự đoán về lâu dài thì đường bay này sẽ hiệu quả”, ông Thắng nhìn nhận.

Thách thức lớn thứ ba mà các Hãng hàng không Việt Nam cần lưu ý đó là qua quá trình đánh giá, khảo sát và trao đổi với các hãng hàng không cũng như kinh nghiệm cho thấy hệ thống tư pháp của Mỹ hết sức phức tạp vì vậy mà các Hãng hàng không Việt Nam cần lưu ý khi mở đường bay tới Mỹ.

Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, VNA đã ấp ủ đường bay thẳng đến Mỹ cách đây 10 năm. Bài toán đau đầu nhất đối với Vietnam Airlines khi tính toán mở đường bay thẳng đến Mỹ là làm sao cạnh tranh được về giá. Thực ra bài toán này đã được đặt ra cách đây cả chục năm trước.

Theo ông Thành, việc đường bay có khả thi về mặt thương mại hay không phụ thuộc khá nhiều vào vấn đễ kỹ thuật, tàu bay. Hiện nay chưa có loại máy bay nào bay thẳng mà chở được đủ khách và hàng. Do đó, nếu có phương án bay dừng một điểm thì chi phí, thời gian bay tăng lên rất nhiều và tính cạnh tranh của sản phẩm chưa đủ cao.

“Hãng cũng đang nỗ lực để có lợi nhuận trên các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ, dặc biệt là đường bay tới Los Angeles”.

Hiện nay và trong thời gian tới, Vietnam Airlines luôn tích cực trao đổi với Boeing, Airbus và các hãng về động cơ tàu bay để xem khi nào có loại máy bay có sự thay đổi về mặt kỹ thuật thích hợp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sắp diễn ra Tọa đàm “Bay thẳng Việt – Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh”
Sắp diễn ra Tọa đàm “Bay thẳng Việt – Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh”

VOV.VN - Ngày 1/8, Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam phối hợp với Bamboo Airways tổ chức Tọa đàm “Bay thẳng Việt – Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh”.

Sắp diễn ra Tọa đàm “Bay thẳng Việt – Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh”

Sắp diễn ra Tọa đàm “Bay thẳng Việt – Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh”

VOV.VN - Ngày 1/8, Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam phối hợp với Bamboo Airways tổ chức Tọa đàm “Bay thẳng Việt – Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh”.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết: Mở đường bay thẳng Việt-Mỹ, đảm bảo có lãi
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết: Mở đường bay thẳng Việt-Mỹ, đảm bảo có lãi

VOV.VN - Đường bay Mỹ có thể lỗ 5-10 năm đầu, mức lỗ có thể lên tới hơn 30 triệu USD. Còn lợi nhuận phải nhìn vào thời gian lâu dài sau đó.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết: Mở đường bay thẳng Việt-Mỹ, đảm bảo có lãi

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết: Mở đường bay thẳng Việt-Mỹ, đảm bảo có lãi

VOV.VN - Đường bay Mỹ có thể lỗ 5-10 năm đầu, mức lỗ có thể lên tới hơn 30 triệu USD. Còn lợi nhuận phải nhìn vào thời gian lâu dài sau đó.

Đường bay thẳng Việt – Mỹ: Hãng nào sẽ cất cánh trong năm 2019?
Đường bay thẳng Việt – Mỹ: Hãng nào sẽ cất cánh trong năm 2019?

VOV.VN - Đường bay thẳng Việt-Mỹ đã thông. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn với các hãng hàng không Việt Nam, nhất là đội tàu bay, hiệu quả kinh tế...

Đường bay thẳng Việt – Mỹ: Hãng nào sẽ cất cánh trong năm 2019?

Đường bay thẳng Việt – Mỹ: Hãng nào sẽ cất cánh trong năm 2019?

VOV.VN - Đường bay thẳng Việt-Mỹ đã thông. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn với các hãng hàng không Việt Nam, nhất là đội tàu bay, hiệu quả kinh tế...