Bảo hiểm thất nghiệp: “Điểm tựa” cho người lao động khi mất việc
VOV.VN - Sau hơn 11 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta đã thực hiện tốt vai trò là “điểm tựa” cho người lao động khi mất việc làm.
Sau hơn 11 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta đã thực hiện tốt vai trò là “điểm tựa” cho người lao động khi mất việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp đã chứng minh hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi thời gian qua, đã hỗ trợ nhiều lao động mất việc làm, giúp người lao động có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn nhờ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đào Duy Hiện, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) (BHXH Việt Nam).
PV: Ông có thể cho biết việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chính sách đã phát huy vai trò an sinh ra sao với người lao động?
Ông Đào Duy Hiện: Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến các lĩnh vực của đời sống, trong đó có BHXH đặc biệt khó khăn. Trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp vô cùng khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, lưu trú, dịch vụ và giáo dục. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết (NQ) 42 về các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 42 được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng. Kinh tế khó khăn cũng khiến ngành BHXH khó thu, đồng thời việc phát triển đối tượng tham gia BHXH thấp do đại dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê, tính hết 31/12, ước đạt số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,3 triệu người với số tiền thu được đạt hơn 18,56 nghìn tỷ đồng. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới việc làm của người lao động. NQ 42 đã tháo gỡ cho người lao động như giúp người khai báo thông tin nhận hỗ trợ dưới hình thức gián tiếp.
Đến 31/12, số người thất nghiệp được trợ cấp ước đạt khoảng 1,03 triệu người, so với cùng kỳ năm 2019 tăng khoảng 24%. Ước chi trả 16.000 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ khoảng 33%. Hỗ trợ học nghề giảm 50% so với cùng kỳ 2019.
Như vậy, với vai trò quan trọng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình của họ trong dịch bệnh, góp phần ổn định kinh tế của đất nước.
PV: Thưa ông, những năm qua, đặc biệt 10 tháng năm 2020, số tiền chi trả BHTN rất lớn. Nguồn quỹ này hiện được quản lý, vận hành như thế nào?
Ông Đào Duy Hiện: Về quản lý và sử dụng Quỹ BH thất nghiệp đã được quy định rõ trong Luật Việc làm. Trong đó, cụ thể được sử dụng chi trả các chế độ BH thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, đóng BHYT cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chi phí quản lý được thực hiện theo Luật BHXH, đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.
Hoạt động đầu tư quỹ BH thất nghiệp được thực hiện bảo đảm nguyên tắc an toàn, hiệu quả, thu hồi được khi cần thiết, thông qua các hình thức mua tín phiếu, trái phiếu, đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cho Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ vay. Số dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay lớn, lý do vì thời gian đầu chỉ có thu, chưa có chi trả. 5 năm đầu thực hiện chính sách, số người hưởng còn thấp, trong khi hỗ trợ hằng năm vào quỹ là 1% tiền lương người lao động. Trong khi đó, mới chỉ thực hiện chi trả chế độ trợ cấp và hỗ trợ học nghề, các chế độ còn lại phát sinh ít.
Với tốc độ tăng người hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tăng đều qua từng năm, hiện nay, số tiền chi trả ngày càng tăng lên. Năm 2020, ước số thu chỉ vừa đủ chi trả hai chế độ cho người lao động trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề. Luật Việc làm điều chỉnh quy định hưởng trợ cấp cho người thất nghiệp. Nghị quyết số 28 về định hướng sửa đổi Luật Việc làm theo hướng tăng cường hỗ trợ phòng ngừa thất nghiệp cho người lao động. Trong tương lai, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, không còn tình trạng kết dư lớn như hiện nay. BHXH Việt Nam thực hiện quản lý và sử dụng quỹ theo đúng quy định của pháp luật, Số dư được sử dụng đầu tư tăng trưởng, hằng năm có sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
PV: Với tình hình dịch Covid còn diễn biến phức tạp và số người bị thất nghiệp có thể tiếp tục gia tăng, vậy theo ông có nguy cơ về mất cân đối thu chi hay không?
Ông Đào Duy Hiện: Với số kết dư Quỹ BH thất nghiệp hiện nay, trong tình huống mà người hưởng BH thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 thì Quỹ vẫn đảm bảo cân đối được Quỹ trong ngắn hạn và trung hạn.
PV: Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên đề về BHTN như thế nào nhằm rà soát, phát hiện những vấn đề phát sinh từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách; đồng thời phát hiện các hành vi vi phạm để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời?
Ông Đào Duy Hiện: Năm 2020 chuẩn bị kết thúc, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là của các doanh nghiệp. Ngành BHXH đã thực hiện điều chỉnh một số cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch của năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian giãn cách xã hội. Và chúng tôi tập trung kiểm soát dữ liệu quản lý, trong đó có dữ liệu quản lý thu và dữ liệu giải quyết chế độ BHXH và BHTN.
Trong giai đoạn 2016-2019, toàn ngành BHXH đã thực hiện 23.500 cuộc thanh tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện hơn 172 nghìn người lao động thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền đề nghị truy đóng BHXH, BHTN hơn 497 triệu đồng, hơn 173.000 người lao động đóng không đúng mức quy định với số tiền truy đóng là hơn 239 triệu đồng. Thông qua kiểm tra việc hưởng chế độ BHTN, chúng tôi kịp thời phát hiện 3.500 đối tượng hưởng chế độ BHTN không đúng quy định với số tiền đề nghị thu hồi là hơn 17 tỷ đồng.
Từ kết quả này, BHXH Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tiếp tục có chỉ đạo đối với các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện tăng cường phối hợp BHXH tỉnh trong thực hiện chính sách BHTN và có biện pháp quản lý lao động tại doanh nghiệp. Từ đó, có cơ sở để xác minh thông tin, tình trạng việc làm của người lao động.
PV: Xin cảm ơn ông!./.