Dấu ấn nhiệt huyết, bản lĩnh của Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt

VOV.VN - "Đó là người dám đương đầu với thử thách, rất sâu sát với cơ sở. Ông luôn động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, nhất là thanh niên luôn xung kích trong các phong trào hành động cách mạng".

Từ một thanh niên hăng hái, nhiệt tình trong phong trào Thanh niên phản đế, đến người cán bộ lãnh đạo dày dặn, giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn thể hiện là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta. Trong đó, Sài Gòn – TP.HCM là nơi ông có thời gian dài gắn bó, làm Bí thư Đảng bộ TP, dấu ấn đồng chí Võ Văn Kiệt để lại cho đời, cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức sâu sắc, sáng ngời.

Tin nhân dân và được nhân dân tin

Giai đoạn từ năm 1959 đến 1970, giữ vị trí đứng đầu Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định trong một thời kỳ vô cùng cam go khốc liệt nhưng đầy chiến công hào hùng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng của TP - chiến trường trọng điểm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi kết thúc nhiệm vụ ở Ủy ban quân quản, đầu năm 1976, đồng chí Võ Văn Kiệt là Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, rồi Bí thư Thành ủy TP.HCM. Trong ký ức của những người nguyên là cán bộ lãnh đạo TP qua các thời kỳ, cũng như các cán bộ từng được sát cánh bên đồng chí Võ Văn Kiệt trong cuộc hành trình cùng đất nước, ông luôn có mặt ở tuyến đầu, luôn có những đóng góp sắc sảo, tạo bước đột phá lớn.  

Tại TP.HCM sau hơn một năm giải phóng, tình hình kinh tế TP bước vào khủng hoảng. Ngành công nghiệp thiếu nguyên liệu và phụ tùng thay thế trầm trọng do không có nguồn nhập khẩu, do cơ chế quản lý phi thị trường cứng nhắc... Nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa, xí nghiệp không đủ nguyên liệu, công nhân phải nghỉ việc hàng loạt. Lần đầu tiên, nhân dân Sài Gòn phải ăn độn hạt bo bo, khoai, sắn. Không cam tâm để dân đói, cả Thành ủy, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt phải lo “chạy gạo”. Ông đã mời lãnh đạo Ngân hàng, Công ty lương thực, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải đến giao nhiệm vụ cụ thể, xuống các tỉnh ĐBSCL mua lúa theo giá sát thị trường, gấp 3 lần giá nhà nước, để cứu đói cho dân.

Nhớ lại thời điểm cam go ấy, trong bối cảnh khó khăn chồng chất của thời hậu chiến, bị bao vây cấm vận, chiến tranh ở hai đầu biên giới Tây Nam và phía Bắc, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM chia sẻ, điều làm bà ấn tượng nhất là vai trò của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt với những quyết sách đầy táo bạo và quyết đoán: "Đó là người dám đương đầu với thử thách, rất sâu sát với cơ sở. Ông luôn động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, nhất là thanh niên luôn xung kích trong các phong trào hành động cách mạng. Đồng chí Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo rất tin dân và được dân tin, trong khó khăn như vậy vẫn có phong trào, vẫn có khí thế, lấn át được khó khăn. Niềm tin của dân vào ông và ông cũng rất tin dân đã giúp vượt qua được những khó khăn".

Việc cứu đói chỉ là “chữa cháy”, về lâu dài phải phát triển công nghiệp, thương mại vốn là thế mạnh của TP.HCM. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã thành lập “Câu lạc bộ giám đốc”, quy tụ các giám đốc, Bí thư tổ chức Đảng, phụ trách công đoàn các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh, đề đạt những trăn trở, ý kiến với Nhà nước.

Theo ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên thành viên Tổ Tư vấn cải cách kinh tế và hành chính của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sự thật là lúc đó, kinh tế quốc doanh không thể nuôi nổi 3 – 4 triệu dân TP mà phải dựa vào tư thương. Ông Võ Văn Kiệt nhìn ra chỉ còn cách duy nhất là tập hợp một số nhà kinh doanh, làm mọi cách để đưa hàng hóa, nông sản từ các tỉnh phía Nam về TP.HCM. Chính nhờ vượt qua cơ chế quan liêu, bao cấp, cho phép thí điểm cách làm ăn mới trong sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối... đã tạo đà cho TP.HCM bước vào thời kỳ phát triển.

Ông Phan Chánh Dưỡng tâm đắc khi nói đến những việc làm của ông Sáu Dân lúc bấy giờ: "Đóng góp của ông Sáu hết sức lớn. Mình thoát được bao cấp nhờ ông Sáu đã xoá bỏ ngăn sông cấm chợ, cái này cũng từ việc “phá rào” mà ông rút kinh nghiệm ra. Những chuyện đó nếu ông không quyết đoán và không dám suy nghĩ, dám làm thì không biết lúc nào mới có đổi mới".

Sáng tạo, quyết đoán

Từ những chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn hết sức chủ động và rất sớm, bằng cung cách làm ăn mới, lấy hiệu quả kinh tế làm chủ đạo, tình hình sản xuất của TP.HCM chuyển biến rõ rệt từ cuối năm 1980; giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong các năm 1981-1982.

Để giải bài toán khôi phục sản xuất, ông Sáu Dân cùng với các sở, ngành đi khảo sát từng nhà máy, công xưởng, trò chuyện với lãnh đạo, công nhân. Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM nhớ lại, có lần tháp tùng ông Sáu Dân, nhìn thấy công nhân ăn cơm chỉ có rau luộc chan nước muối, ông Sáu Dân ân cần hỏi công nhân nếu có đủ tư liệu sản xuất, công nhân có sẵn sàng tăng ca không? Sau khi nghe câu trả lời "sẵn sàng", ông Sáu Dân đã bàn bạc, tìm mọi cách giải quyết đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

Theo ông Phạm Chánh Trực, ông Sáu Dân là một lãnh đạo có tầm nhìn rộng, nắm rõ quy luật từ thực tiễn cuộc sống, đặc biệt với thanh niên, ông là người truyền lửa, cảm hứng: "Đối với thanh niên, đó là một người truyền lửa, khơi dậy được nhiệt huyết của tuổi trẻ, có sức lôi cuốn thanh niên tiến về phía trước, đi đầu trong mọi lĩnh vực, mọi mặt trận. Chú luôn gợi mở, động viên cổ vũ thanh niên thực hiện những chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chú có một tấm lòng vì dân, một con người suốt đời vì dân".

Cứ như thế, trên cương vị của mình, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng đồng sự tìm tòi, đưa ra nhiều quyết sách năng động, có tính đột phá như: trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước..., chuyển dần nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường, đưa nền kinh tế của đất nước dần ổn định và phát triển.

Có dịp tiếp xúc với đồng chí Võ Văn Kiệt từ khi tham gia cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở tỉnh Đồng Nai, ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để tạo đà phát triển kinh tế- xã hội, việc tận dụng năng lực của Thành phố, kết hợp với tiềm năng của các tỉnh, thành trong khu vực miền Đông và Tây Nam bộ, biến tiềm năng thành sức mạnh hỗ trợ cho TP.HCM và toàn vùng luôn là trăn trở, suy nghĩ và hành động của chú Sáu Dân.

Trong đó, dự án thủy điện Trị An – một trong các công trình quan trọng huy động sức dân, từ sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Võ Văn Kiệt, đã cung cấp sản lượng điện rất lớn cho TP.HCM và nhiều khu vực ở miền Đông, Tây Nam Bộ, đặt nền móng cho sự phát triển ngành điện cả nước sau này. Kế tiếp là các dự án dầu khí ở thềm lục địa phía Nam (Bà Rịa-Vũng Tàu), mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM, công trình thủy lợi Dầu Tiếng dẫn nước Kênh Đông tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha đất ở Tây Ninh, Bắc Sài Gòn…, tạo điều kiện cho TP.HCM và các tỉnh miền Đông đi trước, vươn lên trong xây dựng và phát triển.

Ông Lê Hoàng Quân nói: "Tập trung tháo gỡ cơ chế quan liêu bao cấp, “cởi trói” cho sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho TP.HCM là bài học cần nhân rộng. Từ đó, Đại hội VI đã quyết định đường lối đổi mới của Đảng, tạo điều kiện cho đất nước bước vào thời kỳ hội nhập. Trong thành tựu quan trọng đặc biệt đó có sự đóng góp của toàn dân, toàn quân và vai trò lãnh đạo của các bậc tiền bối cách mạng, trong đó có đồng chí Võ Văn Kiệt, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt, mọi người lại nhớ về chú Sáu Dân, một con người đầy nhiệt huyết, đầy sự lo toan cho đất nước, cho nhân dân. Dũng khí và bản lĩnh, năng động và sáng tạo, cả trong cách nghĩ, cách làm, luôn vượt qua mọi thử thách, đồng chí Võ Văn Kiệt chính là một hiền tài của thời đại Hồ Chí Minh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tìm hiểu bí danh "Sáu Dân" của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Tìm hiểu bí danh "Sáu Dân" của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

VOV.VN - Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, ông Võ Văn Kiệt có nhiều bí danh. Với ông, mỗi bí danh đều mang một ý nghĩa và thông điệp riêng.

Tìm hiểu bí danh "Sáu Dân" của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Tìm hiểu bí danh "Sáu Dân" của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

VOV.VN - Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, ông Võ Văn Kiệt có nhiều bí danh. Với ông, mỗi bí danh đều mang một ý nghĩa và thông điệp riêng.

Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt với đất và người miền Tây
Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt với đất và người miền Tây

VOV.VN - Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ là người lãnh đạo tài ba, có tầm nhìn chiến lược mà còn là người cán bộ giản dị, gần gũi với người dân, sống có nghĩa, có tình, được mọi người kính trọng.

Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt với đất và người miền Tây

Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt với đất và người miền Tây

VOV.VN - Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ là người lãnh đạo tài ba, có tầm nhìn chiến lược mà còn là người cán bộ giản dị, gần gũi với người dân, sống có nghĩa, có tình, được mọi người kính trọng.

Những công trình trọng điểm vùng ĐBSCL lưu dấu Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Những công trình trọng điểm vùng ĐBSCL lưu dấu Thủ tướng Võ Văn Kiệt

VOV.VN - Những dấu ấn, kỷ niệm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên những công trình, dự án trọng điểm của vùng ĐBSCL không thể nào phai nhạt. Vùng đất chín rồng cất cánh, cuộc sống người dân được an cư lạc nghiệp như ngày hôm nay có công lao to lớn của ông.

Những công trình trọng điểm vùng ĐBSCL lưu dấu Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Những công trình trọng điểm vùng ĐBSCL lưu dấu Thủ tướng Võ Văn Kiệt

VOV.VN - Những dấu ấn, kỷ niệm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên những công trình, dự án trọng điểm của vùng ĐBSCL không thể nào phai nhạt. Vùng đất chín rồng cất cánh, cuộc sống người dân được an cư lạc nghiệp như ngày hôm nay có công lao to lớn của ông.