Bạo lực và vô cảm

Bạo lực học đường trong học sinh ngày càng gia tăng và trở nên phức tạp. Không thể chần chừ, phải sớm trang bị kỹ năng sống cần thiết để các em không thơ ơ với cái xấu, sống văn hóa hơn, biết ứng xử, giải quyết hợp lý các tình huống

Vụ nữ sinh bị đánh “hội đồng”: Công an đã xác định 2 học sinh ngồi xem /
Đề nghị công an xác minh vụ nữ học sinh đánh nhau

Những ngày gần đây, nhiều diễn đàn chia sẻ video trên mạng xôn xao với một clip quay cảnh một nữ sinh bị bạn học “hành hung” giữa ban ngày được tung lên mạng. Clip này dài khoảng 1 phút đã gây phẫn nộ dư luận vì đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cũng như nhiều phụ huynh sau khi xem clip trên đã phải thốt lên: “Tôi đã rất choáng váng khi xem tin clip nữ sinh bị bạn đánh đập và xé áo trên phố trên báo. Hành động hung hãn, vô đạo đức như thế là không thể chấp nhận được”.

Việc nữ sinh dùng bạo lực để “xử lý” bạn đang ngày càng phổ biến và không còn là chuyện của một trường nào. Gõ từ khoá “video nu sinh danh nhau” có thể tìm thấy hàng chục clip khác nhau liên quan đến việc nữ sinh hành hung nhau khiến nhiều người đã sốc và hãi hùng.

Không chỉ là sự tàn nhẫn của những nữ quái đã hành hung bạn và của những học sinh tham gia đánh hội đồng, điều khiến dư luận lo ngại và bất bình hơn cả chính là thái độ vô cảm của những học sinh có mặt tại hiện trường vụ đánh nhau. Một số em thờ ơ ngồi nhìn, không can ngăn và giúp đỡ người bị nạn. Một số khác thì đã dùng máy điện thoại quay lại cảnh đánh nhau rồi tung lên mạng.

Một phụ huynh đã nói: “Tôi không thể xem hết clip. Có một cái gì đó nghẹn ngào, tức giận, khó chịu và thất vọng và lo lắng vô cùng cho thế hệ trẻ, cho nền giáo dục của ta”.

Trước những bức xúc và phẫn nộ trong dư luận, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) đã có văn bản gửi các Sở GD- ĐT về việc ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh.

Lý do dẫn đến những vụ ẩu đả của học sinh thật khó có thể hiểu nổi: thấy ghét nên đánh, vì nhìn đểu, ghen tuông, và không phải chỉ đơn giản là để giải quyết mâu thuẫn mà đánh nhau còn để "ra oai" với bạn bè nữa. Nhưng cho dù lý do nào thì cũng khó có thể biện minh cho kiểu hành xử hết sức côn đồ của lứa tuổi những nữ học sinh như thế.

Rõ ràng tình trạng đạo đức, lối sống của một số bộ phận học sinh phổ thông đang xuống cấp, nạn bạo lực học đường xảy ra ngày càng một nhiều đang trở thành một vấn nạn cần phải được ngăn chặn kịp thời. Đã đến lúc phải gióng hồi chuông báo động về sự bất ổn trong mối quan hệ: gia đình-nhà trường-xã hội trong trách nhiệm giáo dục con em.

Một nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực học đường đó là nhiều năm qua, nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức học sinh còn chưa đầy đủ, tình trạng nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người vẫn đang ngự trị trong nhà trường. Việc bồi dưỡng lòng nhân ái, sự chia sẻ và dũng khí chưa được như mong muốn.

Tuy nhiên, cũng không nên chỉ đổ lỗi cho giáo dục đạo đức trong nhà trường. Gia đình và xã hội cũng là nhân tố ảnh hưởng rất quan trọng tới sự phát triển, hình thành nhân cách của các em. Đặc biệt, nhịp sống hiện đại đã ảnh hưởng tới mọi gia đình, nhiều giá trị chuẩn đã bị phá vỡ, sự gắn bó mật thiết giữa các thành viên trong gia đình cũng trở nên lỏng lẻo. Sự quan tâm, tình cảm của cha mẹ dành cho con cũng đã có phần khác trước đây. Bên cạnh đó, là những tác động xã hội với mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có nhiều ảnh hưởng đến việc giáo dục những truyền thống quý báu cho học sinh.

Để giảm những vụ việc đau lòng trên điều quan trọng là phải làm thay đổi tư duy, nhận thức của giới trẻ. Đã đến lúc cần tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong học sinh, trang bị kiến thức, kỹ năng sống cần thiết từ khi các em còn nhỏ để chúng không thơ ơ với cái xấu, sống văn hóa hơn, lành mạnh hơn, biết ứng xử, giải quyết hợp lý sự xung đột. Điều này rất cần sự chăm lo và chung sức của cả cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội./.

Ngày 12/3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã có công văn gửi giám đốc các sở GD-ĐT về việc ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học sinh. Để đảm bảo an ninh, trật tự trong trường học, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật và bạo lực trong học sinh, Bộ GDĐT đề nghị lãnh đạo các sở tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh. Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và gia đình trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học và quản lý giáo dục học sinh.

Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các sở định kỳ tổ chức giao ban với công an địa phương để nắm tình hình, kịp thời xử lý các mâu thuẫn, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh. Đồng thời kiểm tra thường xuyên, ngăn chặn học sinh mang hung khí, chất nổ, chất cháy vào trường học.

Cũng theo yêu cầu của bộ, các địa phương phải chủ động phối hợp xử lý theo thẩm quyền khi có vụ việc xảy ra và báo cáo kịp thời về bộ và cơ quan quản lý theo quy định. Kết quả báo cáo phải gửi về bộ trước ngày 30/3.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên