Bão số 12 gây hậu quả nặng nề do tâm lý chủ quan?
VOV.VN - Sau cơn bão số 12 thiệt hại về người và tài sản rất nặng nề có phần do người dân còn chủ quan trong phòng tránh bão.
Bão số 12 tại tỉnh Khánh Hòa đã làm 38 người chết. Con số này chưa dừng lại vì nhiều người còn mất tích. Bão số 12 là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ. Thiệt hại về người và tài sản rất nặng nề có phần do người dân còn chủ quan trong phòng tránh bão.
Tối 3/11, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bảo, ở thôn Tam Ích, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa rời khu đìa nuôi tôm về nhà trú ẩn. Sáng sớm, sau vài giờ bão càn quét, sức gió giảm xuống, hai vợ chồng cũng như nhiều người trong làng tranh thủ chèo ghe ra thăm đìa tôm.
Vừa ra đến nơi thì gió trở mạnh, mưa xối xả, nước chảy cuồn cuộn, chiếc ghe bị lật úp, nhấn chìm. Hàng xóm thấy hai vợ chồng lâm nạn nhưng không cách gì ứng cứu. Mãi đến cuối giờ chiều hôm đó, hàng xóm mới tìm thấy thi thể của hai vợ chồng.
Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. |
Bão số 12 tràn qua huyện Vạn Ninh làm 17 người chết, 60 người bị thương nặng. Trong số này có những người không chịu rời lồng bè trên vịnh, khi bão đến không kịp thoát thân.
Ông Trương Văn Thu, một người nuôi tôm tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thanh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết, một số người dân vì sợ mất của, sốt ruột cho nên mới gom rào chắn bờ ao nuôi cho chắc chắn.
“Người dân làm ngày không xong tối lại ở ngoài bè khi gặp bão lớn khiến nhiều người thiệt mạng vì nhà trại, xuồng bị lật”, ông Thu cho biết.
Ông Võ Hoàn Hải, Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh thừa nhận, nguyên nhân chủ quan đã gây ra nhiều thiệt hại đáng tiếc trong cơn bão số 12 vừa qua.
“Huyện Vạn Ninh lâu nay không có bão, nhưng khi bão vào chính quyền đã có sự chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên vẫn còn tâm lý chủ quan nên để xảy ra một số sự cố. Sau khi bão vào, chính quyền đã cử lực lượng cứu hộ, Hải đội 302 Cảnh sát biển, cộng đồng các doanh nghiệp tìm kiếm, cứu nạn các bà con đang mắc kẹt đã giúp giảm đáng kể số người chết”, ông Hải phân trần.
Khánh Hòa là địa phương ít chịu ảnh hưởng bão lũ, người dân không có nhiều kinh nghiệm đối phó với mưa bão. Trước khi bão số 12 đổ bộ vào bờ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã vào Khánh Hòa kiểm tra, nhắc nhở chính quyền và người dân địa phương chủ động phòng tránh bão.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghi bà con không được lơ là với bão lớn. Thế nhưng, một số nơi, chính quyền các địa phương có phần thiếu kiên quyết, người dân thì chủ quan và thiếu kỹ năng ứng phó với bão dẫn đến nhiều thiệt hại đáng tiếc.
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu, chính quyền các địa phương và người dân không được chủ quan vì vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn.
“Sau bão, việc khôi phục điện cũng có thể gây mất an toàn nên rất cần phải lưu ý. Khi đóng điện, các phụ tải tại các nhà dân dễ gây chập cháy vì chưa được hoàn thiện chắc chắn”, ông Hải nói.
Ứng phó với thiên tai, người dân các tỉnh Nam Trung Bộ vẫn còn tâm lý chủ quan. Trước bão, nhiều người ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, nguy hiểm tính mạng khi có gió to, bão lớn. Nhiều ngư dân không chằng néo kỹ phương tiện nên thiệt hại về tàu thuyền rất lớn.
Ông Võ Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân địa phương đều an toàn do tàu nhỏ, người dân đưa vào sâu trong các sông lạch, trú bão. Riêng tại cảng Vũng Rô có 200 tàu cá công suất lớn của ngư dân các tỉnh tránh bão bị đứt neo trôi dạt về phía địa phận Khánh Hòa, trong đó có một số tàu bị hư hại.
“Đáng lẽ phải neo đậu tàu thuyển ở bờ Bắc vì bão tác động từ hướng Nam. Sau bão bà con cần phải sắp xếp lại. Ở đây có sự chủ quan do dự báo hướng đi của bão là Tây - Tây Nam và tâm bão là ở Khánh Hòa - Ninh Thuận đã khiến bà con cũng chủ quan trong việc phòng chống bão”, ông Hòa chia sẻ./.
Bão số 12 làm 89 người chết