Bão số 7 làm 17 người chết và mất tích

Ban Chỉ đạo Phòng, chống Lụt bão Trung ương yêu cầu tiếp tục tìm kiếm người mất tích và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của bão 7 và  triển khai các biện pháp đối phó với bão Higos.

Cùng với thiệt hại về người, bão số 7 còn làm hơn 6.000 ngôi nhà bị sập và hư hỏng, đánh chìm 38 tàu, với tổng thiệt hại vật chất ước tính 108 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương cho biết theo thống kê sơ bộ tính đến 7 giờ sáng nay 1/10, cơn bão số 7 đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung bộ đã làm 3 người chết và 14 người mất tích.

Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nhiều nhất với 2 người chết và 6 người mất tích. Tỉnh Hà Tĩnh có 1 người chết, 2 người mất tích, Thanh Hóa có 4 người mất tích và Quảng Trị có 2 người mất tích. Đa số người bị chết và mất tích trong cơn bão đều do chủ quan, ở lại trên tàu, thuyền tại bến đậu khi bão đổ bộ.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết lực lượng cứu hộ của bộ đội biên phòng đã cứu được 24 người và 3 phương tiện gặp nạn trong cơn bão số 7.

Tin mới nhất về cơn bão Higos

Hồi 13 giờ ngày 1/10, vị trí tâm bão Higos ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão Higos di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và có khả năng mạnh thêm. Như vậy, đêm nay (1/10) bão Higos sẽ đi vào vùng biển phía Đông Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 2/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 8 km một giờ), giật cấp 11. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão Higos di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 20 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 3/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 13. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Trong 48 đến 72 giờ tới, bão Higos di chuyển theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 4/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 60 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 15. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảmg 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Đông Biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.

Tại cuộc họp ngày 1/10, Ban Chỉ đạo Phòng, chống Lụt bão Trung ương đã yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm người mất tích và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của bão.

9 giờ sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương-Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã gửi Công điện số 54/CĐ, yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà, các Bộ Quốc phòng, Giao thông Vận tải chủ động triển khai các biện pháp đối phó với bão Higos.

Theo đó, để chủ động các biện pháp đối phó với bão, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ:

1. Thông báo cho chủ các tàu, thuyền và chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các phương tiện hoạt động xa bờ biết vị trí, diễn biến, vùng ảnh hưởng của bão để chủ động di chuyển vào bờ và không đi vào vùng nguy hiểm (vùng nguy hiểm là khu vực Bắc vĩ tuyến 13 độ N và phía đông kinh tuyến 110 độ E bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, khu vực giữa và Bắc Biển Đông). Đối với các phương tiện khi về nơi neo đậu, kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền để đảm bảo an toàn. Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu để tránh bị thiệt hại.

2. Kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền và phương tiện, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các tàu, thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các sự cố.

3. Đề phòng bão diễn biến phức tạp, có thể thay đổi hướng, yêu cầu các tỉnh từ ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi cần chủ động các phương án đối phó với bão, mưa, lũ.

4. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

5. Bố trí trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động ứng phó và xử lý kịp thời và báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Đã xác định được danh tính 4 ngư dân Thanh Hóa bị mất tích

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến chiều 1/10 đã xác định được danh tính của 4 ngư dân bị mất tích do bão số 7 gồm: anh Nguyễn Văn Hải, ngư dân trên tàu TH - 6454, bị mất tích tại cửa biển Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia); các anh Nguyễn Văn Tiến, Trịnh Văn Long, Phạm Văn Mạnh, ngư dân trên tàu TH-1958 bị mất tích khi tàu đang trên đường vào tránh trú tại cảng Cửa Lò (Nghệ An). Do va vào đá ngầm, chiếc tàu này đã bị chìm, chỉ có 2 người được cứu thoát. Đặc biệt, 4 trường hợp bị mất tích đều ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia. Hiện nay, lực lượng quân đội, biên phòng của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đang tăng cường phối hợp tìm kiếm 4 nạn nhân này dọc bờ biển từ Cửa Lò, Quỳnh Lưu đến Tĩnh Gia.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, đêm 30/9 và sáng 1/10, nhiều nơi trên địa bàn Thanh Hóa có mưa to và rất to. Tính đến 14 giờ ngày 1/10, lượng mưa đo được ở huyện Tĩnh Gia là 284 mm, huyện Nông Cống 134 mm, thành phố Thanh Hóa là 185 mm... Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có khoảng 1.450 ha lúa bị ngập, bị rạp đổ, 66 ha lúa bị mất trắng, 2.145 ha lúa giảm năng suất, 1.611 ha hoa màu bị hư hỏng và ngập úng; trong đó, huyện Tĩnh Gia bị thiệt hại nặng nhất (1.035 ha lúa và 292 ha hoa màu). Huyện Cẩm Thủy có 18 nhà bị tốc mái. Tổng thiệt hại ban đầu do bão số 7 gây ra ở Thanh Hóa ước tính hơn 20 tỷ đồng.

Nghệ An: Chưa tìm thấy 3 ngư dân mất tích trên biển

Ngày 1/10, lực lượng cứu hộ cứu nạn của Bộ đội biên phòng Nghệ An đã đưa lên bờ an toàn 7 thuỷ thủ tàu HN 6701 GEMADEPJ 20 của Công ty Cổ phần thi công cơ giới và dịch vụ (Bộ Giao thông vận tải) mắc cạn trên vùng biển xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu. Chiếc tàu này trước đó được neo tại cảng Nghi Sơn, Thanh Hoá nhưng do đứt dây neo nên đã trôi tự do và có nguy cơ chìm ngoài biển. Hiện Bộ đội biên phòng Nghệ An đang phối hợp với các ngành chức năng tìm kiếm 3 người đi trên tàu TH 1958TS được coi là mất tích trên vùng biển Nghệ An.

Theo thông tin ban đầu, 3 người này có địa chỉ thường trú tại thôn Bắc Châu, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá bị nạn khi tàu đánh cá TH 1958TS bị chìm tại cột hải đăng Cồn Khơi nằm trên vùng biển Cửa Lò, Nghệ An.

Do ảnh hưởng của bão số 7, ngày 1/10, nhiều tuyến đường trên địa bàn Nghệ An vẫn bị tắc do sạt lở và nước ngập. Trong đó nghiêm trọng nhất là Quốc lộ 15A tại Km 222 + 600 nước ngập sâu 0,5m và tại Km 243 + 250 lở nền đường dài 4m, rộng 2,5m, sâu 1m; đường 598A đang có 4 vị trí nước ngập sâu 1,1m đến 1,3m.

Tại Nghệ An trời đang có mưa to, sóng lớn, nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá là rất cao. Tỉnh đang yêu cầu các địa phương và Bộ đội biên phòng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; trong đó có việc kiên quyết cấm 44 tàu ngoài tỉnh (với 192 ngư dân) đang tránh trú bão số 7 tại cảng Bến Thuỷ và cảng Cửa Lò không được ra khơi.

Sơn La ổn định cuộc sống cho người dân

Để giúp bà con vùng lũ Sơn La nhanh chóng ổn định cuộc sống, Hội chữ thập đỏ tỉnh Sơn La đang tăng cường nhiều đội công tác mang hàng hoá đến trực tiếp cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng. Đến hôm nay, Hội đã chuyển 600 thùng hàng do Trung ương Hội hỗ trợ, gồm: chăn màn, các đồ dùng sinh hoạt gia đình, gần 300 triệu đồng, 10 tấn gạo và 1 xe quần áo do Hội Chữ thập đỏ phường Phố Huế, thành phố Hà Nội ủng hộ đến nhân dân vùng lũ.

Quảng Trị: Cứu sống 7 ngư dân ngoài khơi biển Cửa Tùng

Sáng 1/10, lực lượng bộ đội biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Cửa Tùng và nhân dân xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cứu sống 7 ngư dân ở ngoài khơi biển Cửa Tùng.

Theo lời kể của các nạn nhân, 8 giờ sáng 30/9, tàu cá BĐ 5625 đang trên đường về nơi trú ẩn, khi đi vào cửa Sông Gianh, tỉnh Quảng Bình thì bị bão số 7 nhấn chìm. Trên tàu có chủ tàu Nguyễn Hữu Thủy và 6 ngư dân đều ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Do sóng to, gió lớn, không thể bơi vào bờ được, chủ tàu và các thành viên trên tàu đành phó mặc tính mạng, để tàu trôi dạt vào biển Cửa Tùng. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Cửa Tùng phối hợp với ngư dân xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh tìm mọi cách đưa các thuyền viên vào bờ. Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh tích cực chăm sóc sức khoẻ cho các thuyền viên.

Quảng Bình: 2 em nhỏ thiệt mạng do nước khe cuốn

Mặc dù tích cực triển khai phương án chủ động phòng chống bão số 7, nhưng tại huyện miền núi Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình vẫn xảy ra cái chết thương tâm của 2 em nhỏ ở xã Đồng Hoá. Đó là 2 chị em Trần Thị Lành, sinh năm 1999 và Trần Anh Tuấn, sinh năm 2004 bị cuốn trôi ở Khe Cầu Ông Hoá. Ngoài ra, trên địa bàn huyện 2 người bị thương nặng. 7 phòng học tốc mái, hơn 100 ha lúa hè thu ở vùng thấp bị ngập. Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện Tuyên Hoá đi thăm viếng gia đình có người bị nạn, hỗ trợ người bị thương đang nằm viện điều trị. Đối với gia đình có người chết, Huyện đã hỗ trợ 3 triệu đồng để mai táng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên