Bão số 9 vừa tan, các tỉnh miền Trung ứng phó với ngập lụt

VOV.VN - Chiều nay (28/10), bão số 9 tiếp tục càn quét các tỉnh miền Trung, vùng gần tâm bão gió giật cấp 13, 14, có nơi giật cấp 15, 16.

Sau bão, các địa phương tập trung hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với mưa lũ. Tại thành phố Đà Nẵng, sau cơn bão số 9, nhiều cây xanh ngã đổ, nước biển tràn lên sát bờ. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái. 11 xã, phường bị mất điện. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, đến trưa 28/10, các quận, huyện đã di dời hơn 95.200 người dân đi tránh bão. Chiều nay, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng có văn bản tiếp tục cho học sinh nghỉ học để tập trung khắc phục hậu quả bão số 9.

Ông Lê Văn Tuyến, Chánh Văn Phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng đã cấm đường từ 20h đêm qua và chiều nay tiếp tục cấm đường để đảm bảo an toàn cho người dân và chúng tôi thực hiện phương châm 4 tại chỗ, bố trí lực lượng thường xuyên ứng phó và sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi có sự cố”.

Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 vẫn ở lại làm việc tại thành phố Đà Nẵng hết đêm nay. Chiều tối nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác vào tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo khắc phục hậu quả thiệt hại sau bão. Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện vẫn còn rất nhiều việc phải làm sau bão, hoàn lưu gây gió rất lớn, vẫn phải đảm bảo an toàn cho người dân sơ tán, khu vực neo đậu tàu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Lũ của các sông, đặc biệt là sông Vệ đã trên báo động 3 và những giờ tới vẫn tiếp tục lên cao, thậm chí lên trên báo động 3 tới 1m. Vì vậy, công tác tập trung số 1 là ứng phó, di dời người dân tại các vùng hạ du, vùng trũng để đảm bảo an toàn, không rủi ro thương vong, thậm chí trong đêm. Khu vực Tây Nguyên cũng còn mưa lớn, gió lớn nên phải nêu cao cảnh giác để đối phó 4 tại chỗ, nhằm tránh thiệt hại”.

Đến 15h chiều nay, tại tỉnh Quảng Ngãi, trời đã ngớt gió, hửng sáng. Thống kê nhanh cho biết, bão số 9 quét qua Quảng Ngãi làm đổ sập 8 nhà dân, hơn 37.000 nhà bị tốc mái hư hỏng. Người dân địa phương cho biết, hàng chục năm qua, chưa từng thấy cơn bão nào lớn như thế này. Nhờ chủ động ứng phó nên tỉnh Quảng Ngãi đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão. Đến thời điểm này, 2 trường hợp bị thương do bất cẩn khi chằng chống nhà ngay lúc bão đổ bộ vào đất liền. Trong 12 giờ qua, khu vực Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to, lũ trên các sông tiếp tục lên. Nước lũ băng qua Quốc lộ 1A hơn nửa mét gây tắc đường tại thị xã Đức Phổ do các công trình hồ chứa xả điều tiết.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp sau bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Công điện gửi các ngành, địa phương yêu cầu khẩn trương rà soát phương án chi tiết ứng phó tình huống mưa, lũ lớn trên địa bàn để triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai việc thực hiện phương án ở cấp cơ sở; trực chiến chỉ huy; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất sau bão số 9 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi lưu ý: “Các huyện nằm ở vùng trũng di dời dân đến nơi an toàn nếu lũ về đột xuất, thứ 2 là di dời các hộ dân ở các chân triền núi, dự phòng trường hợp sạt lở núi; thứ 3 là bố trí lương thực, thực phẩm cho các hộ dân ở vùng sâu vùng xa, đảm bảo lương thực thực phẩm trong những ngày mưa lũ chia cắt”.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, 2 cán bộ huyện miền núi Phước Sơn bị thiệt mạng khi đi vận động dân sơ tán tránh bão, không may gặp sạt lở núi vùi lấp.

Đến hơn 15h chiều nay, bão số 9 sau khi càn quét qua địa bàn tỉnh Quảng Nam đã giảm cấp gió. Bão đi qua, nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối ngã đổ, bảng hiệu quảng cáo, dây điện nằm la liệt trên đường và khu dân cư, mất điện trên diện rộng. Tại thành phố Hội An, triều cường dâng cao, sóng biển làm xói lở bờ biển Cửa Đại ăn sâu vào đất liền. Hàng trăm nhà dân ở các địa phương ven biển như Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành, Hội An và Tam Kỳ bị tốc mái. Sau bão, ngôi nhà cấp 4 của ông Nguyễn Quang Phú ở xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ bị tốc mái, cây cối trong vườn bị gió bão quật ngã.

Suốt đêm qua và ngày hôm nay, gia đình ông phải sang hàng xóm tránh bão. Bão tan, ngôi nhà của ông cũng hư hỏng nhiều. Đêm nay, gia đình ông lại phải nương nhờ hàng xóm.

Ông Nguyễn Quang Phú cho biết, đây là cơn bão lớn và thời gian kéo dài nên gây thiệt hại lớn: “Từ xưa đến nay, tôi thấy cơn bão này mạnh nhất. Gió mạnh và thời gian kéo dài. Nhà tôn nhà ngói đều bị tốc mái hết”.

Hiện các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đang tập trung khắc phục hậu quả bão số 9, đồng thời triển khai phương án đối phó với lũ sau bão.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước mắt tập trung giúp dân sửa chữa nhà hư hỏng do bão.

"Cơn bão này rất mạnh cho nên một số lượng lớn nhà dân, một số công trình, nhà xưỡng bị hư hỏng, nhiều nhất vẫn là nhà dân, nhất là nhà cấp 5. Hiện nay chúng tôi đang khắc phục, những nhà nào hư hỏng một phần, hư hỏng toàn bộ thì sử dụng các nguồn từ Quỹ phòng chống thiên tai, vận động thêm nguồn khác thông qua kênh Mặt trận hỗ trợ cho dân sớm khôi phục lại nhà cửa và điều kiện sản xuất của mình”.- Ông Thanh chỉ đạo. 

Còn Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã di dời khoảng 15.000 người đến các nơi trú tránh để đảm bảo an toàn. Bão đi qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định khoảng 30 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 97 xã, phường,thị trấn bị mất điện, nhiều cây xanh bị ngã đổ.

Việc tìm kiếm 26 ngư dân đi trên 2 tàu cá bị chìm hiện vẫn nhiều khó khăn. Ngoài ra, 1 tàu cá với 14 ngư dân cũng đang ở vùng biển cách tỉnh Phú Yên khoảng 330 km để tìm kiếm các ngư dân mất tích đang cần sự hỗ trợ. Được biết, đã có 3 tàu kiểm ngư lên đường phối hợp tìm kiếm các ngư dân mất tích.

Chiều nay, sau khi bão tan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã đi thăm, hỗ trợ tiền những gia đình bị sập nhà, chỉ đạo các lực lượng tập trung cứu trợ người dân.

“Chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt là trong thời điểm này chỉ chủ yếu tập trung cứu người, những nơi nào mà tính mạng người dân bị ảnh hưởng là có lực lượng xung kích, quân đội, công an,biên phòng kịp thời ứng cứu”-Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Các tỉnh miền Trung mưa to, gió lớn trước thời điểm bão số 9 đổ bộ
Các tỉnh miền Trung mưa to, gió lớn trước thời điểm bão số 9 đổ bộ

VOV.VN - Trước thời điểm bão số 9 đổ bộ, các tỉnh miền Trung mưa to, nhiều khu vực bị ngập cục bộ. Có nơi gió lớn khiến hàng chục ngôi nhà bị tốc mái…

Các tỉnh miền Trung mưa to, gió lớn trước thời điểm bão số 9 đổ bộ

Các tỉnh miền Trung mưa to, gió lớn trước thời điểm bão số 9 đổ bộ

VOV.VN - Trước thời điểm bão số 9 đổ bộ, các tỉnh miền Trung mưa to, nhiều khu vực bị ngập cục bộ. Có nơi gió lớn khiến hàng chục ngôi nhà bị tốc mái…

EU hỗ trợ 35,6 tỉ đồng cho người dân vùng lũ miền Trung
EU hỗ trợ 35,6 tỉ đồng cho người dân vùng lũ miền Trung

VOV.VN - Khoản viện trợ này sẽ tập trung giải quyết những nhu cầu cấp bách của những người bị ảnh hưởng ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

EU hỗ trợ 35,6 tỉ đồng cho người dân vùng lũ miền Trung

EU hỗ trợ 35,6 tỉ đồng cho người dân vùng lũ miền Trung

VOV.VN - Khoản viện trợ này sẽ tập trung giải quyết những nhu cầu cấp bách của những người bị ảnh hưởng ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Miền Trung sẵn sàng ứng phó với bão số 9 đổ bộ vào đất liền
Miền Trung sẵn sàng ứng phó với bão số 9 đổ bộ vào đất liền

VOV.VN - Dự báo khoảng 10h sáng nay (28/10), bão sẽ đổ bộ vào đất liền, giật cấp 15. Chính quyền các địa phương đang tiếp tục triển khai mọi phương án ứng phó khi bão số 9.

Miền Trung sẵn sàng ứng phó với bão số 9 đổ bộ vào đất liền

Miền Trung sẵn sàng ứng phó với bão số 9 đổ bộ vào đất liền

VOV.VN - Dự báo khoảng 10h sáng nay (28/10), bão sẽ đổ bộ vào đất liền, giật cấp 15. Chính quyền các địa phương đang tiếp tục triển khai mọi phương án ứng phó khi bão số 9.