Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - Vai trò của phát thanh, truyền hình
VOV.VN - Bài tham luận của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ sứ mệnh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam của VOV trong thời đại bùng nổ thông tin.
Ngày 7/6, Đoàn đại biểu Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) do Ủy viên Trung ương Đảng Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ dẫn đầu, dự lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh và Truyền hình Cuba 2018, diễn ra tại Varadero (Cuba).
Liên hoan có sự tham gia của nhiều hãng truyền thông quốc tế và các đài PT-TH của Cuba.
Tại phiên họp toàn thể, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ đã phát biểu tham luận nhan đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - vai trò của phát thanh, truyền hình”, trong đó nêu rõ bản sắc văn hóa Việt Nam, sứ mệnh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam của VOV trong thời đại bùng nổ thông tin. Sau đây là nội dung bài tham luận:
Nhận thức về văn hóa
Định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) năm 1982 về văn hóa: “Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội.
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ |
Nhận thức của Việt Nam: 75 năm trước, trong khi đất nước chúng tôi đang phải tiến hành cuộc chiến đấu gian khổ, gan góc với kẻ thù xâm lược, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943.Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa đã làm cho con người trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách có đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt mỏi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình mới mẻ, những công trình vượt trội bản thân…”.
Đề cương Văn hóa đã xác định vǎn hoá là một trong ba lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, vǎn hoá); có lãnh đạo được vǎn hoá, mới tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; ba nguyên tắc vận động của văn hóa nước Việt Nam mới (cách đây 75 năm) là:
(1) Dân tộc hoá: Chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hoá Việt Nam phát triển độc lập).
(2) Đại chúng hoá: Chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời đông đảo quần chúng.
(3) Khoa học hoá: Chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hoá trái khoa học, phản tiến bộ.
Hiện tại, đất nước chúng tôi đang tập trung cho Chiến lược văn hóa thời kỳ mới, “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.
Chiến lược này xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”.
“Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”... “Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội…”
Bản sắc văn hóa Việt Nam
Bản sắc văn hóa hay bản thể văn hóa (tiếng Anh: cultural identity) là bản thể hay cảm giác thuộc về một nhóm nào đó. Nó là một phần của khái niệm về bản thân và nhận thức về bản thân của một người, và có liên quan đến quốc tịch, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp xã hội, thế hệ, địa phương hay bất cứ loại nhóm xã hội nào có văn hóa riêng biệt.
Bản sắc văn hóa đặc trưng cho cả cá nhân và nhóm đồng nhất về văn hóa với các thành viên có chung bản sắc văn hóa. Bản sắc văn hóa là những nét căn cốt nhất, đặc sắc và độc đáo nhất của văn hóa một nhóm người, tộc người.
Bản sắc văn hóa Việt Nam là nhờ tổ tiên, các thế hệ đi trước của người Việt biết xây dựng, vun đắp, lưu giữ những gì thuộc về tinh hoa, tinh túy của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại.
Chịu ảnh hưởng tư tưởng thần bí của văn hoá Trung Hoa và tư tưởng siêu hình của văn hoá Ấn Độ nhưng do môi trường sống, điều kiện sống và vị trí địa lí đã đặt người Việt trong thế phải đối mặt với những thử thách gay go, ác liệt, do đó, mọi suy nghĩ, hành động đều phải nhằm vào giải quyết những vấn đề cấp bách của cả dân tộc. Nhờ đó, người Việt ít thần bí, không siêu hình, mà luôn xuất phát từ đời sống thực tế và hướng đến cuộc sống hiện hữu.
Trong mối quan hệ giữa chủ thể văn hoá với môi trường xã hội, chủ yếu là quan hệ với văn hoá từ bên ngoài, người Việt luôn thể hiện thái độ dung hợp một cách có chọn lọc, không từ chối việc “nhập khẩu” văn hoá, mà lựa chọn, dung nạp những yếu tố tích cực, tiến bộ từ bên ngoài, biến cái tốt của người thành cái tốt của mình, làm cho chúng phù hợp với cuộc sống của người Việt.
Có thể khẳng định tinh thần độc lập tự chủ, hòa hiếu, khoan dung, cởi mở, mềm dẻo, biết gạn đục khơi trong, biết từ bỏ những cái đã cũ kỹ, lạc hậu, biết “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” để xây dựng đất nước mới mẻ, giàu mạnh, tốt đẹp là nét nổi trội, xuyên suốt của văn hóa Việt.
Với người Việt Nam, duy chỉ có một điều bất biến, không nhượng bộ, không gì có thể đánh đổi, đó là độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Hàng ngàn năm trước, ông cha chúng tôi đã khẳng định “Một xin rửa sạch quốc thù, hai xin đem lại nghiệp xưa Vua Hùng”, “sông núi nước Nam người Nam ở”. Ở thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết ý chí đó thành chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Những phẩm chất cao đẹp đó đã giúp người Việt trụ vững và phát triển mạnh mẽ, trường tồn trước sự khắc nghiệt của tự nhiên và muôn vàn bão táp của lịch sử, đã giúp người Việt xây dựng một nền văn hoá giàu bản sắc, không ngừng phát triển.
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về văn hóa, thông tin
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là quy luật khách quan nhưng lợi thế thường nghiêng về các nước phát triển, các nước lớn. Các nước đang phát triển, thậm chí chậm phát triển, cần tỉnh táo, thận trọng trong quá trình này để không bị hòa tan, bị xâm lăng. Hội nhập văn hóa là quá trình giao lưu, hợp tác và đối thoại. Đối thoại là bình đẳng, không có cao thấp, to nhỏ, nhưng muốn đối thoại được phải có bản sắc riêng. Hội nhập văn hóa có những đặc thù riêng, không giống hội nhập trong các lĩnh vực khác. Hội nhập văn hóa là sự thống nhất giữa “nhận” và “cho”.
Đêm chung kết cuộc thi tiếng hát ASEAN+3 năm 2017 do VOV tổ chức |
“Nhận” cái mới của nước ngoài nhưng cũng phải “cho” thế giới, nói đúng hơn là đóng góp cho thế giới những điều đặc sắc trong văn hóa của nước mình. Chúng ta phải giữ cho được bản sắc truyền thống, căn cước văn hóa của nước mình để tự tin giao lưu và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ. Tất nhiên, “bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc” không có nghĩa là “giữ bằng được”, giữ một cách máy móc những cái đã có, mà phải biến những giá trị quý giá đó thành tài nguyên, thành lợi thế cạnh tranh của mình, dân tộc mình trong hội nhập và giao lưu quốc tế. Muốn vậy, phải có tri thức và bản lĩnh, phải có sự linh hoạt và sáng tạo, biến di sản văn hóa thành tài nguyên, thành sức mạnh nội sinh và động lực phát triển của đất nước.
Hội nhập mang tính tự nguyện, thể hiện tư thế chủ động, tinh thần tự chủ, tự lựa chọn sân chơi trong cuộc chơi lớn mang tầm cỡ quốc tế. Muốn hội nhập quốc tế tốt, chúng ta cần chuẩn bị kĩ lưỡng, đầy đủ về nội lực, biết người biết ta, biết “luật chơi” để trụ vững... Nếu không có sự chuẩn bị tốt, với tâm thế chủ động, tích cực, rất có thể chúng ta sẽ bị làn sóng “toàn cầu hoá”, “hội nhập quốc tế” cuốn đi, sẽ bị hoà tan, thậm chí bị nhấn chìm.
Tận dụng tối đa những ưu thế của công nghệ thông tin để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của cha ông cho mọi người, nhất là giới trẻ. Thông qua những hình thức sinh động, phong phú, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý, thị hiếu của giới trẻ. Cùng với đó là mở rộng giao lưu văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử, tăng cường tính tương tác, trực quan sinh động khi tiếp xúc với thanh, thiếu niên, nhi đồng.
Thực tế cho thấy, việc chú trọng xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa không những góp phần làm gia tăng giá trị cho nền kinh tế quốc dân, mà còn là giải pháp hữu hiệu để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Chỉ khi nào đa số người dân trong nước yêu thích âm nhạc, phim ảnh, sân khấu đất nước mình; ưa thích và tin tưởng tiêu dùng sản phẩm văn hóa nước mình thì lúc đó chúng ta mới có “sức đề kháng” đủ mạnh để phòng ngừa nguy cơ “đồng hóa văn hóa”, “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài.
VOV với sứ mệnh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam
VOV được thành lập ngày 7/9/1945, tức là chỉ sau 5 ngày so với thời điểm lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới Tổ quốc, VOV là cơ quan báo chí quan trọng và đắc lực hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Hiện nay, Đài là cơ quan truyền thông hàng đầu trực thuộc Chính phủ, có đủ 4 loại hình báo chí: có 8 kênh phát thanh, 17 kênh truyền hình, 2 báo điện tử và 1 tờ báo in, 1 nhà hát, 2 trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình, 6 cơ quan thường trú ở 6 khu vực trong nước và 11 cơ quan thường trú ở 11 khu vực trên thế giới.
Về mảng phát thanh, mỗi ngày ngoài tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, VOV còn phát 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số trong nước và 12 thứ tiếng nước ngoài (các thứ tiếng nước ngoài có đông người nghe, xem như Anh, Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha…).
Nhiều kênh, nhiều chương trình được thực hiện theo phong cách hiện đại, đa loại hình, đa phương tiện; tăng cường tương tác với người nghe, người xem.
Nội dung về văn hóa có mặt ở tất cả các kênh phát thanh, truyền hình, nhất là các kênh chuyên biệt: VOV2 - kênh phát thanh Văn hóa - Xã hội; VOV3 - kênh Âm nhạc và Giải trí; VOV4 - kênh dành cho các dân tộc thiểu số; VOV5 - kênh phát thanh đối ngoại bằng 12 thứ tiếng nước ngoài và tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài; VOV6 - kênh phát thanh Văn học- Nghệ thuật. Ở mảng truyền hình là kênh VTC2 - Giáo dục, Khoa học, Công nghệ; VTC 3 - Văn hóa, Thể thao, Giải trí; VTC9 - kênh Gia đình; VTC10 - kênh truyền hình đối ngoại “mang giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới”…; các báo điện tử VOV.VN (bằng tiếng Việt và tiếng Anh), VTCNews… đều có các chuyên trang, chuyên mục về văn hoá - xã hội, văn học - nghệ thuật.
Tuyên truyền sâu rộng về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là việc giữ gìn, phát triển ngôn ngữ và chữ viết tiếng Việt, tiếng và chữ viết các dân tộc thiểu số; phong tục, tập quán tốt đẹp của các tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; các lễ hội, lễ nghi văn hóa; các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuyên truyền đường lối, quan điểm, các nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam; chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam và giao lưu, tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại. Quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với những thông điệp về một dân tộc có nền văn hóa đặc sắc, lịch sử hào hùng; một đất nước có sức sống mãnh liệt, giàu tiềm năng, đạt nhiều thành tựu trong đổi mới; người dân cần cù, sáng tạo, thân thiện, khoan dung, yêu chuộng hòa bình.
Nhiều chương trình, chuyên mục đặc sắc của Đài như: Tiếng thơ, Ca nhạc, Dân ca và nhạc cổ truyền, Sân khấu truyền thanh, Sân khấu truyền hình, Chuyến đi kỳ thú, Đất nước ngàn năm, Gia đình Việt, Văn hóa Việt Nam, Sắc màu 54 dân tộc Việt Nam, Chuyện của làng, Đời sống xã hội, Phóng sự thứ bảy, Di sản, Du lịch, Tìm trong kho báu...
Phóng viên Ban Dân tộc (VOV4) trong một chuyến công tác vùng cao. (Ảnh: PV) |
Xây dựng, phản ảnh bức tranh toàn cảnh về một Việt Nam đang trong tiến trình phát triển hợp tác giao lưu kinh tế - văn hóa toàn cầu. Mang đến cho bạn bè nước ngoài cái nhìn toàn diện, sinh động, khách quan về một nước Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ. Có thể kể tên một số chương trình: Bạn bè với Việt Nam, Tiềm năng Việt Nam, Khám phá Việt Nam, Chào Việt Nam…
VOV cũng triển khai các hoạt động giao lưu văn hóa, đối ngoại nhân dân với các nước trong khu vực và thế giới như tổ chức các cuộc thi Tiếng hát ASEAN +3 (năm 2017 và sẽ tổ chức đều đặn 2 năm/lần); Bạn biết gì về Việt Nam (năm 2015); cuộc thi Hát tiếng Pháp lần thứ 2 (năm 2012); Liên hoan Tiếng hát Việt Nam - Trung Quốc (1 - 2 năm/lần). Các hoạt động này góp phần tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác với nhân dân các nước.
Coi trọng sử dụng phương tiện và công nghệ thông tin hiện đại để tuyên truyền. Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, thế giới chứng kiến sự phát triển vũ bão của công nghệ số. Từ sự ra đời của internet, đến cuộc cách mạng web 2.0, sự xuất hiện của các thuật ngữ “blog, vlogs, post, forum” (diễn đàn)…; những năm gần đây là các mạng xã hội, các ứng dụng mobile, máy tính bảng, các công cụ nghe nhìn mới... đã đưa loài người đã bước vào một kỷ nguyên số hoá cao độ, làm thay đổi căn bản tính chất tương tác giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với xã hội.
“Cơn sóng thần” số hoá ập vào mọi ngõ ngách của đời sống, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi quan hệ của mọi giới, mọi ngành nghề, mọi người, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại; từ sản xuất đến dịch vụ tại hầu hết mọi quốc gia trên toàn thế giới.
Sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã làm thay đổi sâu sắc cả về nội dung và hình thức của các loại hình báo chí truyền thống, trong đó có phát thanh, truyền hình. Internet với đặc trưng tương tác của nó, đã phá vỡ mọi giới hạn về không gian, thời gian trong việc tiếp cận thông tin trên quy mô quốc gia và thế giới.
Giờ đây, công chúng ngày càng nghe phát thanh, xem truyền hình nhiều hơn trên các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng…).
Theo đó, giao lưu, giao thoa văn hóa cũng trở nên mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc mở cửa hội nhập với bên ngoài, sức ép từ mặt trái của toàn cầu hóa đối với văn hóa truyền thống cũng ngày càng lớn hơn.
VOV liên tục lên tiếng cảnh báo về sự tiếp thu thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa ngoại lai sẽ ảnh hưởng lớn đến bản sắc văn hóa dân tộc. Báo động về những tác động tiêu cực từ mặt trái của của kinh tế thị trường kéo theo sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và văn hóa. Những nhu cầu giải trí dễ dãi, xu hướng kiếm lợi nhuận qua các hoạt động văn hóa ngày càng tăng khiến cho một số cơ quan và cá nhân buông lơi vai trò giáo dục, xem nhẹ định hướng thẩm mỹ và nhân cách, lối sống.
Kết luận
Bản sắc văn hóa Việt Nam là sản phẩm của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm, là kết tinh những giá trị tốt đẹp và lâu bền của dân tộc. Theo đuổi nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, Việt Nam xác định rõ cần phải giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức và bản sắc văn hóa dân tộc, “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Do vậy, trước những biến động phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, hơn lúc nào hết, báo chí truyền thông nói chung và phát thanh, truyền hình nói riêng cần phát huy hết vị trí, vai trò của mình. Để làm được điều này, một mặt VOV đang xây dựng một chiến lược lâu dài trong công tác thông tin tuyên truyền; mặt khác đang nỗ lực nắm bắt các xu hướng vận động của truyền thông thế giới, thực hiện đa loại hình, đa phương tiện; đổi mới cả về mặt nội dung lẫn hình thức thể hiện; đổi mới công nghệ, thiết bị phát thanh, truyền hình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng; hướng đến tiêu chí “lấy thính giả, khán giả, độc giả” làm trung tâm.
Bên cạnh đó, VOV cũng đang tận dụng những lợi thế của công nghệ hiện đại, sử dụng các trang mạng xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả. Có như vậy mới có thể quảng bá, làm tăng giá trị và sức lan tỏa của các sản phẩm phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử.
Để làm được điều này, chúng tôi quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, xây dựng đội ngũ có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh văn hóa, có chuyên môn giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, biết làm việc tốt ở trong nước cũng như môi trường quốc tế./.
Phát thanh trong kỷ nguyên số - Cơ hội và thách thức