Bảo vệ môi trường đang đứng trước áp lực ngày một lớn
VOV.VN - Theo Bộ TN-MT, bảo vệ môi trường đang chịu áp lực ngày một lớn, nguồn ô nhiễm tăng nhanh phát sinh nhiều loại hình chất thải, chất ô nhiễm.
Sáng 20/7, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành chủ trì họp báo thường kỳ Quý II năm 2020, thông tin về chương trình công tác của Bộ TN-MT 6 tháng đầu năm 2020.
Phát biểu tại cuộc họp báo Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân tăng hơn; thu tiền sử dụng đất đến ngày 15/6/2020 đạt 57,9 nghìn tỷ đồng bằng 60,4% kế hoạch năm; chỉ số tiếp cận đất đai tăng 0,27 điểm; chỉ số hài lòng cấp Giấy chứng nhận đất đai tăng 13% so với năm 2016; tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện cấp GCN giảm 34%; chỉ số hài lòng của người dân về tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực tài nguyên môi trường ở địa phương tăng từ 80 đến 85,62%; chỉ số hài lòng về công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính đạt 83,82%; công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh góp phần tiết kiệm chi phí tương đương 1.000 tỷ đồng; tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh. Bộ TN-MT đã thực hiện 33 dịch vụ công ở mức độ 4, đạt 30% số dịch vụ hoàn thành yêu cầu của Chính phủ.
Bộ cũng đã hoàn thành 100% đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ giao trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, Bộ TN-MT hoàn thiện thể chế thúc đẩy cải cách đổi mới, cải thiện đầu tư, đề xuất các chính sách về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường, chủ động trước tác động hạn hán, xâm nhập mặn...
Đặc biệt, Bộ đã trình Quốc hội dự án Luật bảo vệ môi trường, đặt môi trường vào vị trí trung tâm của phát triển bền vững; cắt giảm 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục từ 20-75 ngày, thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM)...
Theo Bộ TN-MT, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đang chịu áp lực ngày một lớn, nguồn ô nhiễm tăng nhanh phát sinh nhiều loại hình chất thải, chất ô nhiễm. Cả nước có 372 KCN (tăng 29 khu so với năm 2018), 698 CNN, hơn 4.500 làng nghề; 846 đô thị ước tính hàng ngày phát sinh 7 triệu mở nước sinh hoạt, hơn 35,5 nghìn tấn chất thải, hơn 120.000 cơ sở sản xuất, hơn 19.000 trang trại chăn nuôi, hơn 3,6 triệu ô tô, hàng chục triệu xe máy...
Tuy nhiên, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò hạt nhân của người dân, doanh nghiệp công tác BVMT có những chuyển biển tích cực. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%; nhiều địa phương đã có mô hình xử lý hiệu quả như Nghệ An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Cần Thơ, điển hình tại Đồng Nai tỷ lệ rác thải chôn lấp còn 43%; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp đạt 90%; tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt trên 50%. Số xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới về môi trường tăng 8,3%. Đã chủ động kiếm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường của các nguồn thải lớn, thiết lập hệ thống gần 900 trạm quan trắc kết nối trực tuyển với các Sở TN-MT, Bộ TN-MT; có thể theo dõi trên các thiết bị di động.
Đại diện Bộ TN-MT cũng thông tin về diễn biến khí tượng thủy văn 6 tháng đầu năm 2020 và nhận định xu thế tình hình khí tượng thủy văn thời gian tới; Công tác quản lý, đánh giá tác động môi trường tại các khu dự trữ sinh quyển hiện nay; Cảnh báo sớm và chủ động công tác điều tiết nguồn nước cấp cho hạ du dòng chính trên các lưu vực sông trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.
Đại diện các cơ quan Bộ TN-MT cũng giải đáp, cung cấp thông tin về các vấn đề báo chí quan tâm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TN-MT như: đánh tác tác động môi trường của Dự án lấn biển Cần Giờ, cát và hệ sinh thái Cần Giờ; hoạt động phát triển đất xung quanh dự án Cần Giờ…; hành lang pháp lý đối với quyền sở hữu đất đối với condotel; đánh giá tác động môi trường để đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; việc tiếp thu các vấn đề liên quan rác thải, khí thải… đại biểu Quốc hội góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường tại Kỳ họp thứ 9…
Báo cáo ĐTM của dự án lấn biển Cần Giờ được thực hiện cẩn trọng
Trả lời báo chí liên quan đến dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ khi phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động về môi trường (ĐTM), Bộ TN-MT có đánh giá xem xét cẩn trọng, lưu ý những đóng góp ý kiến của các nhà khoa học không?, ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết: Việc thực hiện dự án ngập mặn Cần Giờ phải có biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp nhằm hạn chế tối đa bất lợi đối với dòng chảy, xói lở, thoát lũ và ô nhiễm môi trường.
Việc thẩm định phê duyệt ĐTM của dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật bảo vệ môi trường làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư dự án. “Đây là dự án có quy mô lớn nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyền Cần Giờ nên chúng tôi hết sức cẩn trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo ĐTM. Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa Báo cáo ĐTM của dự án đã được thông qua Hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu, tiến hành cẩn trọng và tuyệt đối tuân thủ theo các quy định của pháp luật”, ông Hải khẳng định.
Theo ông Hải, trong quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ TN-MT nhận thấy Báo cáo ĐTM đã nhận diện đánh giá khá đầy đủ thận trọng các tác động có thể có và đưa ra các giải pháp khá tổng thể nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường. Công tác xây dựng chương trình quản lý giám sát môi trường, đối phó với sự cố môi trường. Ngoài ra, chủ đầu tư còn cung cấp các hồ sơ kỹ thuật chuyên đề nghiên cứu báo cáo độc lập được thực hiện bởi các đơn vị, tổ chức uy tín trong nước và quốc tế.
"Đây là các báo cáo chuyên đề liên quan đến các vấn đề lớn mà dự án có thể tác động như báo cáo về đa dạng sinh thái vùng ngập mặn, dòng chảy tự nhiên, nguy cơ bồi lắng, xói lở, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, các tác động về kinh tế xã hội... Các báo cáo này được các đơn vị tư vấn uy tín thực hiện. Cùng với đó là các báo cáo mô hình kịch bản khác nhau như lan truyền chất ô nhiễm, thay đổi độ mặn, xem xét nước biển dâng...”, ông Hải nói.
Đại diện Bộ TN-MT cũng cho biết, Quyết định phê duyệt số 220 của Bộ TN-MT ngày 28/1/2019 thực hiện theo đúng quy định về Luật bảo vệ môi trường và Nghị định số 18/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 27/2015 của Bộ TN-MT, theo đó Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm 3 nội dung chính: thứ nhất là xác định phạm vi quy mô của dự án; thứ 2 là yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án và các điều kiện kèm theo; Cấu trúc đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo đúng quy định thông tư 27 của Bộ TN-MT và được kế thừa từ các quy định phê duyệt báo cáo thực thi pháp luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành. "Vì vậy tất cả các quyết định phê duyệt Báo cáo tác động môi trường theo quy định đều có điều kiện kèm theo chứ không phải chỉ riêng dự án này”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, việc có các điều kiện kèm theo hoàn toàn hợp lý phù hợp với quy định việc phê duyệt Báo các tác động môi trường vì đánh giá tác động môi trường là việc phân tích dự báo tác động môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó. Do đó Báo cáo ĐTM có những vấn đề cần tiếp tục theo dõi đánh giá, điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo những yêu cầu về phát triển bền vững. “Việc có các điều kiện đi kèm với dự án có quy mô lớn triển khai trong thời gian hơn 11 năm thì việc đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi của dự án càng hợp lý và cẩn thận”, ông Hải nói.
Đối với Báo cáo tác động môi trường với rừng Cần Giờ, ông Hải cho biết, theo văn bản số 139/BTK ngày 23/12/2019 của UNESCO Việt Nam và văn bản của Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ xác định dự án nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Như vậy việc thực hiện dự án không thuộc ranh giới vùng rừng phòng hộ Cần Giờ tại khu vực kế cận với vùng chuyển tiếp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO. Với biện pháp thi công xây dựng tiên tiến, xử lý nước thải và tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất kết quả đánh giá tác động môi trường thông qua các mô hình toán cho thấy dự án tác động không đáng kể đến Khu dự trữ sinh quyền vùng ngập mặn Cần Giờ.
Báo cáo ĐTM đã phê duyệt chưa bao gồm khai thác vật liệu san lấp
Còn đối với việc khai thác cát san lấp của dự án, ông Hải cho biết, Báo cáo ĐTM đã phê duyệt chưa bao gồm khai thác vật liệu san lấp. Việc khai thác vật liệu san lấp sẽ tiếp tục phải thực hiện đánh giá tác động môi trường khi có thông tin dự án đầu tư cụ thể, chính xác hơn về nguồn, vị trí khai thai thác và vận chuyển.
"Bộ TN-MT cũng yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tại chỗ khi phải tận dụng tối đa tài nguyên nguồn vật liệu nạo vét... đáp ứng nhu cầu san lấp để hạn chế tối đa khai thác vật liệu từ bên ngoài và sẽ được xem xét quyết định theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hải nói./.
Ngày 12/6/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định số 826/QĐ-TTg với nội dung phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ, TP.HCM tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Quy mô dự án được điều chỉnh mở rộng từ 600 ha lên thành 2.870 ha.
Dự án có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư)
Thời gian thực hiện dự án là 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, phần diện tích biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư có thời hạn thực hiện 50 năm kể từ ngày 11/7/2007. Tiến độ thực hiện dự án là 11 năm kể từ ngày được quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.