Bất cập từ các trạm BOT: Dân “cuống cuồng” né đường BOT
VOV.VN -Những bất cập đã và đang diễn ra từ Trạm thu phí Cai Lậy hay các trạm thu phí BOT khác ở ĐBSCL đang gây bức xúc cho người dân...
Vài năm gần đây, trên một số tuyến quốc lộ ở các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL xuất hiện càng nhiều trạm thu phí giao thông theo hình thức đầu tư BOT.
Người dân miền Tây đều nhận thức được trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia các loại hình hợp tác công – tư (PPP) để cung cấp dịch vụ công là hết sức cần thiết. Trong đó, nếu thực hiện nghiêm túc, phí BOT là nguồn vốn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên, khi các trạm thu phí BOT dày đặc như hiện nay tại ĐBSCL thì hệ thống cầu, đường thực hiện từ nguồn vốn này vô tình trở thành gánh nặng cho người dân. Cùng với đó, còn không ít những bất cập, hạn chế trong việc đầu tư và vận hành khai thác như: Chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí...
Lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của người dân trong khu vực dự án chưa được hài hòa, đã dẫn đến xung đột mà trạm thu phí BOT Cai Lậy là đỉnh điểm. Vấn đề hiện nay là khai thác BOT trong giao thông ở ĐBSCL như thế nào cho công khai, minh bạch, hiệu quả; thực sự là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế- văn hóa xã hội vùng phát triển.
Xung quanh nội dung này, nhóm phóng viên VOV khu vực ĐBSCL có loạt bài "Từ trạm thu phí Cai Lậy, cần xem xét lại loại hình đầu tư các dự án BOT".
Trạm thu phí T2, tuyến quốc lộ 91 tiếp tục được người dân cho là có cách thu phí bất hợp lý |
Bài 1: Dân “cuống cuồng” né đường BOT
Trạm thu phí trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (trạm thu phí Cai Lậy) chính thức thu phí từ ngày 1/8. Sau 15 ngày đi vào hoạt động, trạm đã phải 5 lần xả cửa do cảnh ùn tắc kéo dài hàng km vì tài xế dùng tiền lẻ trả phí; đồng thời có những phản ứng tranh luận tại trạm.
Không những thế, nhiều tài xế còn cho xe chạy nối đuôi trong các đường nông thôn để “né” trạm, gây hư hỏng mặt đường, làm đảo lộn đời sống dân cư. Sau nhiều lần xả trạm rồi tạm ngưng hoạt động, hiện vẫn chưa biết lúc nào trạm mới hoạt động trở lại.
Ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải ô tô Tiền Giang cho biết, sở dĩ trạm thu phí Cai Lậy bị ''thất thủ" là do giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp và chính quyền địa phương chưa công khai minh bạch, chưa được sự ủng hộ của nhân dân.
“Dự án này đặt không đúng chỗ, không được sự đồng tình của nhiều người dân. Người dân bị đóng phí chồng phí. Dự án này đúng ra phải lấy ý kiến người dân địa phương, Hiệp hội vận tải các tỉnh ĐBSCL. Nhiều người dân không biết dự án đó, chỉ biết làm tuyến tránh thôi chứ đâu biết tuyến tránh thu phí, chặn ngoài Quốc lộ thu. Làm tuyến tránh chỗ nào thì thu chỗ đó, người dân hiểu vậy thôi. Dự án đó không rõ ràng, minh bạch nên người dân bức xúc” - ông Đỗ Văn Chung nói.
Không chỉ ở Trạm thu phí Cai Lậy, trước đó, bất cập nổi lên rõ nhất là trong quá trình vận hành khai thác tại một số trạm thu phí trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 91. Trong đó, tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau chỉ có chiều dài 180 km nhưng có đến 3 trạm thu phí. Trên Quốc lộ 91 đoạn từ TP Cần Thơ đến cầu Cái Sắn giáp ranh với tỉnh An Giang có chiều dài khoảng hơn 40 km cũng đã có đến 2 trạm thu phí. Điều này đã gây bức xúc cho chủ phương tiện khi có phương tiện chỉ sử dụng hơn 100 m đường mà phải chịu phí cho toàn tuyến.
Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ phân tích: “Vận hành khai thác có bất cập liên quan đến thu phí, gây bức xúc trong người dân; vì mục đích tránh trốn trạm thu phí quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ- Phụng Hiệp, nhiều xe tải đã lưu thông vào tuyến đường liên khu khu vực phường Thường Thạnh, quận Cái Răng khiến cho chính quyền và người dân bức xúc vì mặt đường xuống cấp rất nhanh và mất an toàn giao thông. Người dân so sánh, đoạn đường này là nâng cấp thôi chứ kông phải làm mới mà mức thu nó rất cao. Hầu hết các dự án BOT hiện nay không phải là xây dựng mới, chỉ là nâng cấp cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu. Một số tuyến BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo khiến người dân không có sự lự chọn nào khác”.
Còn anh Thái Hy Minh, một người dân ở Cần Thơ cho rằng: “Không thể chấp nhận được. Phí đường bộ phải đóng. Thu thuế qua xăng dầu cũng phải đóng. Quỹ bảo trì đường bộ đâu mà không sử dụng. Trong khi đó, đầu tư với hình thức BOT lại có những biến tướng, mập mờ và không minh bạch. Vì vậy, bắt người dân, tài xế lái xe, chủ phương tiện phải chịu thì không công bằng”.
Cách mà người dân thể hiện khi Trạm thu phí Cai Lậy gây nhiều bức xúc cho người tham gia giao thông |
Điểm lại các dự án đầu tư theo hình thức BOT cho thấy, từ TP HCM đến vùng đất Cà Mau cuối trời tổ quốc đã hình thành một “mạng nhện” trạm thu phí. Trạm BOT Trung Lương - Mỹ Thuận được đặt ở Chợ Đệm với mức giá thấp nhất là 40.000 đồng đối với xe ô tô 4 chỗ. Theo Quốc lộ 1A qua tỉnh Tiền Giang, mới hơn 30 km, tài xế phải đóng tiếp 35.000 đồng tại trạm Cai Lậy. Sau đó, khi đến thành phố Cần Thơ đi qua tỉnh Bạc Liêu có thêm 3 trạm thu phí. Còn từ phía Cần Thơ đi trên tuyến Quốc lộ 91 sang An Giang có thêm 2 trạm thu phí đặt ở Quốc lộ 91.
Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ nêu rõ sự bất cập: “Từ Cần Thơ lên Long Xuyên, tới lộ tẻ người ta lại đi hướng khác nhưng phải trả phí cho cả con đường hơn 30 ngàn đồng. Họ đâu có đi đường này nhiều. Bức xúc này là đúng. Đặt trạm thu phí không hợp lý. Cuối cùng là đường cũ mà trải nhựa lấy tiền là không đúng”.
Nếu tính cả hai trạm ở tuyến quốc lộ 91, từ TP HCM về miền Tây có tổng cộng 7 trạm thu phí. Các tài xế phải trả ít nhất 245.000 đồng để qua lại các trạm này. Do khoảng cách giữa các trạm quá gần nhau, vị trí đặt trạm không hợp lý và phí cao ngất ngưởng đã khiến tài xế, chủ xe và người dân bất bình.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ cho rằng: “Bộ Tài chính quy định là trạm 2 trạm cách nhau phải là 70 km, khoảng cách 70km, quy định khoảng cách giữa 2 trạm là 70km thì tại sao cái khoảng cách giữa 2 trạm lại có thêm trạm nữa vậy ai là người quyết định chuyện này, ai thu… đặt thêm trạm là có rất nhiều hệ luỵ như trốn trạm, trốn thu phí… địa phương phải lo nó xuống cấp đường ở xung quanh đó. Bộ Tài chính quyết định thêm trạm thì ai là người quyết định. Nếu Bộ Tài chính quyết định thì chuyện này là thế nào? Chúng tôi rất khó giải trình với cử tri”.
Những bất cập đã và đang diễn ra từ Trạm thu phí Cai Lậy hay các trạm thu phí BOT khác ở ĐBSCL đang gây bức xúc; đi ngược với mô hình hợp tác công – tư (PPP) mà nhiều địa phương đang cố gắng thúc đẩy.
Từ đó, đã dẫn đến sự bất bình, đối phó và né tránh đường BOT của người dân trong và ngoài khu vực. Qua đó, cho thấy, BOT trong giao thông nếu không công khai, minh bạch bằng một thể chế rõ ràng, có sự giám sát chặt chẽ thì việc lợi ích nhóm, bắt tay, móc ngoặc nhau để thao túng là có thật./.
Trạm BOT Cai Lậy: Lợi ích nhóm đang đặt trên lợi ích của dân?