Bất nhất việc chi trả tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng

VOV.VN - Hải Phòng đang khẩn trương triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ dân. Tuy nhiên, phương thức nhận tiền hỗ trợ không thống nhất.

UBND thành phố Hải Phòng đã quyết định cấp gần 339 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi khôi phục sản xuất. Các ban ngành và quận, huyện của Hải Phòng đang khẩn trương triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ dân. Tuy nhiên, phương thức nhận tiền hỗ trợ tại các địa phương không thống nhất; có địa phương lại yêu cầu bà con phải đóng phí, làm thẻ ngân hàng để nhận tiền, khiến người dân bức xúc.

Gia đình anh Hoàng Hữu Tám (thôn 4, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) sẽ sử dụng số tiền hỗ trợ để sửa sang lại chuồng trại, chuẩn bị tái đàn khi có sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Là huyện đầu tiên của thành phố Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, đến thời điểm này, huyện Thủy Nguyên đã hoàn thành việc chi trả kinh phí hỗ trợ đợt 1 cho các hộ có lợn phải tiêu hủy trước ngày 18/3/2019. Số tiền hơn 15,3 tỷ đồng đã được chuyển đến tận tay gần 570 hộ trong toàn huyện, với mức hỗ trợ đối với lợn thịt bằng 80% giá thị trường tại thời điểm phải tiêu hủy, mức hỗ trợ đối với lợn giống bằng 1,5 lần so với lợn thịt.

Sự hỗ trợ của Nhà nước đã giúp các hộ chăn nuôi phần nào khắc phục khó khăn sau dịch bệnh và phát triển sản xuất. Anh Hoàng Hữu Tám ở thôn 4 Cầu Vàng, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên vừa nhận hơn 64 triệu đồng tiền hỗ trợ cho hơn 20 lợn bị dịch bệnh và đang lên kế hoạch để sử dụng tiền hỗ trợ một cách hiệu quả.

“Số tiền này đối với nhà tôi cũng lớn, sẽ làm được nhiều việc. Tôi dự kiến, với số tiền hơn 60 triệu đồng này, tôi sẽ xây dựng trang trại sạch sẽ. Kiến nghị, nếu các cấp chính quyền hỗ trợ chúng tôi được con giống thì tốt, vì giờ con giống rất hiếm, rất khó khăn; các cơ quan chuyên môn hướng dẫn trong công tác phòng chống dịch bệnh để sau này không xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vậy”- anh Tám nói.

Hiện, huyện Thủy Nguyên tiếp tục tiến hành các thủ tục chi trả hỗ trợ đợt 2 cho các hộ có lợn bị dịch tả châu Phi từ ngày 19/3 đến hết ngày 26/6, với số tiền trên 42 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Hậu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thủy Nguyên cho biết, số tiền hỗ trợ đợt 2 sẽ được chuyển đến các hộ dân trước ngày 10/10 đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

“Huyện ra quyết định cấp dự toán ngân sách về UBND các xã. Ở dưới địa phương, sau khi huyện ra thông báo, yêu cầu niêm yết công khai, photo danh sách dán ở nhà văn hóa thôn và giao cho trưởng thôn chuyển từng phương án đến từng hộ dân. Trong thời gian 10 ngày tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các hộ dân, nếu các hộ không có ý kiến, UBND các xã làm tờ trình, trình UBND huyện phê duyệt phương án. Sau khi các xã được cấp dự toán, sẽ thông báo lịch chi trả đến từng hộ dân”- ông Phạm Văn Hậu cho biết.

Cùng với huyện Thủy Nguyên, các quận, huyện khác của thành phố Hải Phòng cũng đang tích cực triển khai các thủ tục để hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ cho hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Theo phản ánh của người dân tại huyện Tiên Lãng, danh sách các hộ và số tiền được niêm yết công khai, đảm chính xác và minh bạch; tuy nhiên, để nhận được tiền hỗ trợ, bà con phải làm thẻ rút tiền của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Số tiền phải nộp ban đầu gồm phí làm thẻ và tiền để duy trì giao dịch là 155.000 đồng.

Danh sách các hộ nhận tiền hỗ trợ được niêm yết công khai tại UBND các xã, đảm bảo việc chi trả hỗ trợ được chính xác, minh bạch, đúng đối tượng.

Nhiều người nông dân chưa từng biết đến cây ATM, nhiều gia đình đã có thẻ ngân hàng khác, có hộ chỉ được hỗ trợ mấy trăm nghìn đồng… đều phải đóng 155.000 đồng làm thẻ để nhận tiền hỗ trợ. Trong khi đó, cả huyện Tiên Lãng hiện chỉ có 2 cây ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bà con ở nhiều xã phải đi mấy chục cây số mới rút được tiền hỗ trợ.

“Nhà tôi có con lợn 20kg, được hơn 700.000 đồng, bây giờ yêu cầu chúng tôi làm tài khoản mất 155.000 đồng. Sau này, thẻ này tôi cũng chả dùng bao giờ, vì chúng tôi là nông dân, không có tiền gửi ngân hàng hay có việc gì giao dịch qua thẻ; lại còn phí phát sinh nuôi thẻ. Đi họp, chủ tịch UBND xã và nhân viên ngân hàng về, bảo làm thẻ, cũng không xin ý kiến bà con. Tôi không bao giờ dùng thẻ, cũng không biết rút tiền kiểu gì”- ông Nguyễn Văn Q. - một người chăn nuôi ở huyện Tiên Lãng bức xúc nói.

Số tiền 155.000 đồng làm thẻ tuy không quá lớn nhưng liệu bà con có cần thiết phải chi trả số tiền này để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là trong điều kiện nhiều hộ đã thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, nhiều hộ nhận số tiền hỗ trợ chỉ hơn số tiền làm thẻ chỉ vài trăm nghìn đồng?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dịch tả lợn châu Phi ở Cần Thơ diễn biến phức tạp
Dịch tả lợn châu Phi ở Cần Thơ diễn biến phức tạp

VOV.VN -Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Bộ NN & PTNN khuyến cáo người dân không nên tái đàn.

Dịch tả lợn châu Phi ở Cần Thơ diễn biến phức tạp

Dịch tả lợn châu Phi ở Cần Thơ diễn biến phức tạp

VOV.VN -Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Bộ NN & PTNN khuyến cáo người dân không nên tái đàn.

Dịch tả lợn châu Phi ở Lâm Đồng diễn biến phức tạp
Dịch tả lợn châu Phi ở Lâm Đồng diễn biến phức tạp

VOV.VN - Dịch tả lợn châu Phi đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại tỉnh Lâm Đồng, với gần 50.000 con lợn bị tiêu hủy. 

Dịch tả lợn châu Phi ở Lâm Đồng diễn biến phức tạp

Dịch tả lợn châu Phi ở Lâm Đồng diễn biến phức tạp

VOV.VN - Dịch tả lợn châu Phi đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại tỉnh Lâm Đồng, với gần 50.000 con lợn bị tiêu hủy. 

Thanh Hóa “lo” tiền hỗ trợ, phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Thanh Hóa “lo” tiền hỗ trợ, phòng chống dịch tả lợn châu Phi

VOV.VN - Đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa, số lợn phải tiêu hủy lên đến gần 9.000 tấn.

Thanh Hóa “lo” tiền hỗ trợ, phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Thanh Hóa “lo” tiền hỗ trợ, phòng chống dịch tả lợn châu Phi

VOV.VN - Đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa, số lợn phải tiêu hủy lên đến gần 9.000 tấn.