Bệnh nhân 65 tuổi vỡ òa hạnh phúc khi lại được nhìn thấy ánh sáng sau 10 năm mù lòa
VOV.VN - Sau ca phẫu thuật ghép giác mạc, nữ bệnh nhân 65 tuổi (Văn Chấn, Yên Bái) đã có thể nhìn thấy được sau 10 năm mù lòa. Hôm nay (30/9), bệnh nhân được xuất viện. Niềm vui càng nhân thêm gấp bội, bởi đây cũng là ngày sinh nhật của bà.
Trước đó, ngày 25/9, Ngân hàng mô Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã thu nhận ca hiến giác mạc của cụ bà sinh năm 1950 và điều phối một giác mạc cho Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, một giác mạc còn lại được đưa đến Bệnh viện Quân y 103. Được biết người hiến giác mạc từng là nhân viên Khoa Dược (Bệnh viện Quân y 103).
Ngày 27/9 vừa qua Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép giác mạc cho bệnh nhân nữ 65 tuổi (Văn Chấn, Yên Bái) từ cụ bà sinh năm 1950.
Nữ bệnh nhân 65 tuổi mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc lưới. Đây là một căn bệnh có tính chất di truyền cao. Hơn 10 năm nay, bệnh nhân không thể nhìn thấy người và vật xung quanh mình. Ao ước đôi mắt có thể nhìn được là ước mơ tưởng chừng như không bao giờ xảy ra. Thế nhưng phép màu đã đến.
Ngay sau khi ca phẫu thuật thành công, khi được bác sĩ gỡ băng gạc ở mắt, bệnh nhân vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Bởi hơn 10 năm nay, bao phủ trước mắt bà là một vệt sáng chói lóa.
“Tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Bởi hơn 10 năm nay tôi chỉ nhìn thấy ánh sáng, giờ đây tôi đã có thể nhìn thấy mọi người và vật xung quanh mình. Tôi không còn sợ ánh sáng nữa. Tôi chỉ mong được về quê để gặp và nhìn lại từng khuôn mặt của người thân mình. Tôi xin chân thành cảm ơn và biết ơn người đã hiến tặng giác mạc để tôi có thêm một lần nữa được nhìn thấy trở lại", bệnh nhân xúc động nói.
Hôm nay (30/9), bệnh nhân được xuất viện. Niềm vui càng nhân thêm gấp bội, bởi đây cũng là ngày sinh nhật của bà.
Kỹ thuật viên Lê Đức Anh, đang công tác tại Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, người trực tiếp lấy giác mạc của người hiến cho biết, đây là lần đầu tiên ngân hàng tiếp nhận giác mạc từ nguồn hiến trong nước, sau đó giác mạc được bảo quản và ghép cho người bị bệnh lý về mắt.
Anh Đức Anh chia sẻ, khi đến nhà đại thể để lấy giác mạc, anh vô cùng xúc động khi biết người hiến cũng từng làm trong ngành y, hơn thế nữa là tất cả người thân trong gia đình đều ủng hộ việc hiến giác mạc này.
“Trong suốt quá trình thu nhận, người con trai của cụ chỉ đứng lặng lẽ quan sát từ một góc phòng. Khi các kỹ thuật viên đã lấy giác mạc xong, người con trai ấy mới lại gần, xoa xoa mái đầu của mẹ, rồi ôm lấy mẹ mà bật khóc.
Dù đã nhiều lần đi lấy giác mạc, chứng kiến nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi lặng người trước cảnh tượng trên. Những lần như vậy, thứ được trao đi chưa bao giờ chỉ là một đôi giác mạc, mà còn là bao yêu thương vô hạn đã được gửi gắm trước khi cho đi”, kỹ thuật viên Đức Anh chia sẻ.
Theo kỹ thuật viên này, khi trực tiếp chứng kiến những giây phút cảm động “sinh ly, tử biệt”, anh cố gắng thu nhận giác mạc làm sao cho nhanh và chính xác nhất, đồng thời cũng phải đảm bảo tính thẩm mỹ cho người hiến.
“Sau khi thu nhận giác mạc xong, chúng tôi phải đặt vật thể vào để người hiến nhắm mắt kín và tự nhiên nhất, vệ sinh mắt sạch sẽ không bị chảy máu để cả người hiến và người thân của họ an lòng”, kỹ thuật viên Đức Anh chia sẻ.
Theo PGS.TS.BS Hoàng Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, giác mạc của người hiến sau khi tiếp nhận sẽ được bảo quản trong một dung dịch chuyên dụng, nhằm đảm bảo tính sát khuẩn và giúp nuôi dưỡng giác mạc. Sau khi rà soát danh sách chờ ghép, một người phụ nữ hơn 60 tuổi có các chỉ số phù hợp và được ghép giác mạc ngay sau đó.
Theo bác sĩ Châu, người nhận mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc có tính chất di truyền, đã phải sống trong cảnh mù lòa cả chục năm nay. Do nguồn giác mạc khan hiếm nên họ vẫn phải chờ đợi, việc sinh hoạt vô cùng khó khăn khi phải phụ thuộc vào người khác.
“Ca ghép giác mạc diễn ra trong khoảng 45 phút, hiện tại tình trạng người nhận ổn, kết quả khá khả quan khi có thể nhìn được 1/10, có thể tự đi lại được. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, cần phải theo dõi thường xuyên trong một thời gian dài tới đây”, bác sĩ Châu chia sẻ.
Trong thời gian theo dõi, người được ghép giác mạc phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định tái khám của bác sĩ, cũng như tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt như không vận động nặng, tránh tác động từ môi trường khói bụi, va đập vào mắt….
Bác sĩ Châu cho biết thêm, Ngân hàng mô (BV Mắt Hà Nội 2) được thành lập từ tháng 2/2024, hiện đã ghép giác mạc cho 42 trường hợp, nhưng đây là ca đầu tiên nhận giác mạc từ trong nước. Nguồn giác mạc còn lại được lấy (nhập khẩu) từ các ngân hàng mô (giác mạc) quốc tế.
Vị chuyên gia này mong muốn, qua trường hợp này sẽ nâng cao được nhận thức cho người dân về việc hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người. Đặc biệt là giác mạc hoàn toàn có thể hiến sau khi đã chết, chứ không chỉ lấy với trường hợp chết não. Từ đó, giúp mang lại ánh sáng cho 2 trường hợp bị mù lòa khác, giúp họ thay đổi số phận và cuộc đời.
Người hiến giác mạc là cụ bà L.T.H.M. (75 tuổi, ở Hà Nội), qua đời lúc hơn 5 giờ sáng 25/9. Người gọi điện đến Ngân hàng mô bày tỏ muốn hiến giác mạc của mẹ là con trai - bác sĩ Nguyễn Lê Trung, Phó Chủ nhiệm Khoa mắt, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội).
Ngay sau khi nhận được điện thoại từ bác sĩ Trung, lập tức các ê-kíp của Ngân hàng mô khởi động, nhanh chóng di chuyển đến nơi để lấy, tiếp nhận nguồn giác mạc hiến.
Mẹ của bác sĩ Nguyễn Lê Trung là đại úy L.T.H.M., bà từng là nhân viên Khoa Dược (Bệnh viện Quân y 103)
Trước khi mất, bà bày tỏ di nguyện muốn hiến tặng giác mạc của mình để ghép cho những bệnh nhân mù lòa. Gia đình bác sĩ Trung đã kìm nén nỗi đau mất đi người thân để thực hiện di nguyện của bà.