Bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh là phần thưởng lớn cho người thầy thuốc
VOV.VN - Tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, các nhân viên y tế đang trải qua những ngày làm việc vất vả. Nhưng, bệnh nhân khỏi bệnh là phần thưởng lớn cho thầy thuốc.
Luôn căng thẳng, mệt mỏi
Đến thời điểm này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 còn điều trị 38 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Là một trong những cán bộ điều hành tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, Phó Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp cùng các đồng nghiệp luôn trong trạng thái căng thẳng, ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ kể từ khi dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn 2 khi xuất hiện bệnh nhân thứ 17- ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội.
BS Mai cho biết, mỗi ngày nhân viên y tế tại bệnh viện thường phải làm việc 12 tiếng. Tại một số khoa như Cấp cứu và Hồi sức tích cực, bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc cường độ cao hơn. Ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân, các nhân viên y tế, điều dưỡng còn phải thường xuyên chăm sóc cho các bệnh nhân nặng phải thở máy, như hút đờm, lau người cho bệnh nhân để chống lở loét, lấy dịch tị hầu để xét nghiệm. Chỉ cần bệnh nhân đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, hợp tác với y bác sĩ, những khó khăn này với họ đều có thể vượt qua.
Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, chia sẻ, điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 là công việc vô cùng vất vả. Bởi hiện nay virus corona là chủng mới, còn nhiều điều bí ẩn trong cơ chế bệnh sinh, cơ chế lây truyền, kể cả cấu trúc phân tử. Cũng theo BS Đỗ Thị Phương Mai, điều khó khăn nhất trong việc điều trị cho các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 là phải tuân thủ 1 cách nghiêm ngặt quy trình chống nhiễm khuẩn.
“Bệnh nhân phải nằm trong phòng cách ly, để tránh bị lây nhiễm, các bác sĩ vào thăm khám đều phải mặc bộ quần áo bảo hộ, rất kín, bí bách, đeo khẩu trang loại đặc biệt. Khi đó, việc đi lại rất khó khăn, gây cảm giác nóng bức, đổ mồ hôi. Bên cạnh đó, việc đeo kính bảo hộ thường xuyên cũng khiến cho các y bác sĩ dễ bị hoa mắt chóng mặt”- BS Mai chia sẻ.
BS Mai cũng cho biết, mỗi ngày, các bác sĩ trực tiếp điều trị và những nhân viên điều dưỡng thường phải thay khoảng 2-3 lần bộ quần áo bảo hộ, đó là chưa kể trong trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 có diễn biến bất thường. Việc mặc bộ quần áo bảo hộ đã vất vả, mệt mỏi, thời gian cởi bộ quần áo cũng rất nguy hiểm, yêu cầu cần phải thận trọng.
Đau đầu vì bệnh nhân không hợp tác
BS Đỗ Thị Phương Mai chia sẻ, đa số bệnh nhân nước ngoài điều trị tại bệnh viện đều hài lòng về phác đồ điều trị cũng như chế độ ăn uống. Tuy nhiên, cá biệt cũng có những trường hợp không chịu hợp tác, khiến các bác sĩ khá “đau đầu”, vất vả. Bác sĩ Mai chia sẻ về nữ bệnh nhân 20 tuổi, người Đan Mạch. Theo bác sĩ Mai, bệnh nhân này thường xuyên không tuân thủ các quy định cũng như thực hiện theo phác đồ điều trị của bệnh viện. Bệnh nhân luôn đóng kín cửa, đồng thời cũng không chịu dùng nước súc họng để diệt virus. Vì vậy, mặc dù đã điều trị gần 2 tháng nhưng kết quả 8 lần xét nghiệm của bệnh nhân này đều dương tính mặc dù bệnh nhân không bị tổn thương ở phổi.
“Bệnh nhân này nói tiếng Anh kém nên nhiều khi chúng tôi nói chuyện, giao tiếp, bệnh nhân không hiểu. Sau đó, bạn ấy liên tục gọi về Đại sứ quán thắc mắc không bị làm sao mà cứ phải ở lại bệnh viện. Cô ấy rất muốn ra viện nhưng chúng tôi không thể làm điều đó, vì trong người bệnh nhân vẫn còn virus, nếu ra ngoài nguy cơ có thể lây nhiễm cho người khác bất cứ lúc nào”- BS Mai cho biết.
Bệnh nhân khỏi bệnh là phần thưởng lớn cho người thầy thuốc
Với các nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, khi làm việc đã đầy căng thẳng, mệt mỏi nhưng những phút nghỉ ngơi, hay 1 bữa ăn thoải mái cũng không phải là chuyện dễ dàng.
BS Mai chia sẻ, đến bữa ăn, các bác sĩ cũng không được ngồi cùng nhau, họ thường phải chia theo nhóm để đảm bảo giữ khoảng cách ít nhất 2m. Hầu hết các nhân viên y tế tại bệnh viện luôn phải đeo khẩu trang 24/24h, kể cả những lúc ngủ nghỉ, họ cũng cố gắng đeo khẩu trang để đảm bảo giữa các nhân viên y tế cũng không bị lây nhiễm.
Trong giai đoạn này, mặc dù số ca mắc Covid-19 mới không có, nhiều bệnh nhân cũng đã được công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Mai và các đồng nghiệp vẫn luôn nỗ lực, ngày đêm nghiên cứu thêm tài liệu từ đồng nghiệp ở nước ngoài để có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả cho các bệnh nhân tại Việt Nam. Gần 2 tháng qua, đa số các bác sĩ, nhân viên y tế đã ở lại bệnh viện. Nhiều khi công việc vất vả, căng thẳng đã khiến họ vơi đi nỗi nhớ nhà.
“Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi, mình gặp và nói chuyện với các con qua điện thoại. Mặc dù bệnh viện cũng chăm lo cho nhân viên rất chu đáo, tuy nhiên, mọi thứ chắc chắn không thể tiện nghi, thoải mái như khi mình ở nhà. Thấy bệnh nhân từ dương tính chuyển sang âm tính chúng tôi rất vui, phấn khởi”- bác sĩ Mai nói.
Chia sẻ về cảm xúc của mình khi liên tiếp có những bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai bày tỏ rất vui mừng, và chia sẻ đó là phần thưởng lớn cho người thầy thuốc.
“Hiện virus SARS-CoV-2 vẫn còn nhiều bí ẩn, gây ra tỷ lệ tử vong không hề nhỏ tại nhiều nước thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đã điều trị được, nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh. Đó là niềm vui rất lớn đối với những người thầy thuốc như chúng tôi. Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng điều đó chính là động lực giúp các nhân viên y tế vượt qua để thực hiện công việc của mình”- BS Mai cho biết./.