Chọn điều khác biệt để khởi nghiệp ở miền núi Sơn La
VOV.VN - Tìm hướng đi mới, cách làm khác biệt để đánh thức những tiềm năng du lịch, văn hóa, thế mạnh nông, lâm nghiệp... Đó là lựa chọn của không ít thanh niên ở tỉnh miền núi Sơn La trong hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
“Miền quê cổ tích” của vùng Tây Bắc - xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) được biết đến với khí hậu trong lành, khung cảnh thơ mộng, dòng khoáng nóng tự nhiên, đa dạng các sản phẩm văn hóa và nông sản...
Tô điểm cho bức tranh sắc màu ấy, cách đây 3 năm, anh Lường Văn Xiên, khi đó là Phó Bí thư Đoàn xã Ngọc Chiến đã quyết định khởi nghiệp bằng dự án “Phát triển hệ sinh thái du lịch Ngọc Chiến gắn với nông nghiệp an toàn”. Anh Xiên cùng thanh niên địa phương đã liên kết thành lập HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến.
Nói về cái khó, cũng là điều tạo nên sự khác biệt, anh Lường Văn Xiên, Giám đốc HTX chia sẻ: “Quá trình triển khai, chúng tôi gặp khó khăn, như là việc thuyết phục thành viên lấy ngôi nhà sàn sinh sống bao đời nay để cải tạo thành nơi đón khách lưu trú, điều này liên quan đến phong tục tập quán, tâm linh... Hai là việc bà con chuyển từ nông nghiệp thuần túy sang làm dịch vụ, trình độ nhận thức, tư duy của bà con cũng khó khăn”.
Và sau 3 năm, những ý tưởng, cách làm sáng tạo ấy đã góp phần đưa hình ảnh về “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến đến gần hơn với du khách, khi bất cứ hộ gia đình nào cũng sẵn sàng đón khách, người dân nào cũng có thể làm hướng dẫn viên du lịch.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến đã đón trên 30.000 lượt khách, cho doanh thu gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Ông Lò Văn Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La cho biết: “Mô hình du lịch cộng đồng của HTX đã góp phần tạo sinh kế, công ăn việc làm cho bà con. Thời gian qua, HTX đã làm tốt việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng, đặc biệt là góp phần thay đổi tư duy của người dân Ngọc Chiến trong phát triển du lịch”.
Còn với anh Đặng Ngọc Trung ở huyện Phù Yên (Sơn La), niềm đam mê với đồ gỗ đã thôi thúc anh rời phố về địa phương thành lập cơ sở sản xuất đồ gỗ. Năm 2017, anh Trung bắt tay làm các sản phẩm đơn giản, như: bát, đũa, thìa, thớt từ gỗ nhãn, vải, me sẵn có trong vườn của gia đình.
Đến năm 2020, anh quyết định đầu tư 500 triệu đồng để mở rộng xưởng, mua thêm máy móc hiện đại và nguồn nguyên vật liệu phục vụ nhu cầu sản xuất. Đồng thời liên kết với 7 thành viên thành lập HTX đồ gỗ gia đình ON do anh làm Giám đốc. Hiện mỗi tháng, HTX làm ra hơn 5.000 sản phẩm đồ gỗ đựng thực phẩm, thức ăn, đồ nấu ăn, như đũa ăn, thớt, khay, muôi, cốc uống nước, bát, đĩa... từ gỗ.
“Ngành nghề này khá mới tại địa phương và lực lượng công nhân chưa thạo việc. Sau thời gian nỗ lực và nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, đơn vị đã có một quy trình chuẩn để tạo ra sản phẩm tốt, từ khâu ban đầu đến hình thành sản phẩm, đến ra thị trường. Nhiều điểm bán sản phẩm OCOP và chuỗi siêu thị đã liên hệ với đơn vị để tìm sản phẩm. Đó cũng là 1 tín hiệu vui của đơn vị khi tham gia OCOP, chất lượng sản phẩm nâng lên và đưa sản phẩm đi xa” - anh Trung chia sẻ.
Anh Trung cũng cho biết, các sản phẩm đồ gỗ của HTX có đặc tính không gây mùi và không ảnh hưởng đến hương vị thức ăn khi đun nấu, hoặc chứa đựng thức ăn, đồ uống... Nhờ đó mà được thị trường đón nhận.
Hiện nay, ngoài tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng ký kết tại các siêu thị lớn trong tỉnh, HTX đồ gỗ gia đình ON còn cung cấp sản phẩm về thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Nam. HTX cũng tạo việc làm thường xuyên cho 8 đến 15 lao động tại địa phương.
“Tôi và các chị em trong xưởng cùng một hoàn cảnh là có con nhỏ, phải đưa đón con đi học, về nhà còn cơm nước. Chúng tôi lựa chọn công việc ở đây vì nhẹ nhàng, không gò bó thời gian, làm chăm chỉ cũng được 3 - 4 triệu/ tháng, đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình” - chị Phùng Thị Chấn, người dân xã Huy Hạ, huyện Phù Yên nói.
Đồng hành với phong trào khởi nghiệp của thanh niên, cuối năm 2022, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó là nhiều hoạt động hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát huy hiệu quả Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La...
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La cho biết: “Để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ươm tạo ý tưởng và hỗ trợ cho các ý tưởng trở thành hiện thực, Sơn La đã và đang rất quan tâm trong việc hỗ trợ về nguồn vốn, bằng việc tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 143 của HĐND tỉnh quy định mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.
Sự sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự đồng hành của địa phương đã tạo nên nhiều mô hình khởi nghiệp ấn tượng, không chỉ tạo sinh kế, mà còn là động lực để bà con vùng dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, cùng dựng xây những miền quê đáng sống trên rẻo cao Sơn La - Tây Bắc.