Bệnh viện Chợ Rẫy giúp bác sĩ Cà Mau can thiệp tim cứu hơn 1.200 bệnh nhân
VOV.VN - Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh rất nguy hiểm, nếu không được can thiệp kịp thời, tỷ lệ tử vong rất cao. Trước đây, những ca cấp cứu nhồi máu cơ tim tại Cà Mau đa số phải chuyển đi. Gần đây, nhờ sự giúp đỡ của BV Chợ Rẫy, BV Đa khoa tỉnh Cà Mau đã được chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân
Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh rất nguy hiểm, nếu không được can thiệp kịp thời tỷ lệ tử vong sẽ rất cao. Trước đây, những ca cấp cứu nhồi máu cơ tim tại Cà Mau đa số phải chuyển đi. Gần đây, nhờ sự giúp đỡ của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã được chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân.
Chị Trang Thị Út sau mấy ngày chăm sóc mẹ chồng bị nhồi máu cơ tim cấp lẽ ra phải thể hiện sự mệt mỏi nhưng không, chị nở nụ cười rất tươi khi tiếp chúng tôi. Nụ cười đó thể hiện niềm hạnh phúc không chỉ của chị Út mà còn của mấy mươi người con cháu khi bà Hồ Tố Anh (68 tuổi, ở xã Trần Thới, huyện Cái Nước) đã qua cơn thập tử nhất sinh.
Chị Út kể, trưa ngày 19/2, mẹ chồng tự nhiên buồn nôn, mệt mỏi, vã mồ hôi. Thấy dấu hiệu sức khỏe bất ổn nên người thân đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu và gọi chị từ huyện An Minh, Kiên Giang trở về. Khi đến TP Cà Mau thì mẹ chồng cũng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Nhìn mẹ chồng hôn mê, mấy người con đi cùng ai cũng từng nghĩ đến trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Nghe đến đây, bà Hồ Tố Anh tiếp lời: “mấy đứa con tôi nó thấy nguy kịch quá, nó hứa cạo đầu nếu tôi sống được”. Bà bảo, bác sĩ là những người tái sinh lại mình.
"Lên tới huyện Cái Nước thì người ta chuyển lên nữa, bắt đầu phải vào xe cấp cứu, là không biết gì nữa. Nhỏ con thứ Năm nó khóc điện mấy cậu nói, má chết rồi. Đi đường là không biết gì hết cái lên đây, cũng nhờ bác sĩ ở đây tận tình giúp đỡ, chứ không thôi tôi chết rồi"- bà Anh nói.
Bà Tố Anh đến cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau trong tình trạng hôn mê, suy tim. Ths.Bs Lê Quang Tuấn, Phó trưởng khoa Nội tim mạch cùng ekip thực hiện kỹ thuật “can thiệp mạch vành” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã chụp và xác định bệnh nhân bị tắc mạch vành. Mạch vành là hệ thống dẫn máu lưu thông đến các cơ quan nên ekip đã nhanh chóng can thiệp tái thông.
Trước đây, với những trường hợp bệnh nhân tắc mạch vành đưa đến bệnh viện sớm như bà Tố Anh thì bệnh viện sẽ cho dùng thuốc để tan máu đông sau đó chuyển lên tuyến trên ở Cần Thơ hay TP HCM. Do tuyến đường xa, mất nhiều thời gian nên tỷ lệ cứu chữa được là 50% mà bệnh nhân còn có nguy cơ chịu biến chứng xuất huyết não. Còn các trường hợp đưa đến trễ thì bệnh viện không có biện pháp điều trị hiệu quả, chuyển đi thì tỷ lệ tử vong rất cao. Từ khi làm chủ kỹ thuật can thiệp mạch vàng qua da, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã cứu chữa được rất nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.
Ths.Bs Lê Quang Tuấn, chia sẻ: "Nhồi máu cơ tim cấp thì nguy cơ tử vong rất là cao. Có kỹ thuật này thì kịp thời, cấp cứu rất tốt cho bệnh nhân. Tại vì trong nhồi máu cơ tim thì nó có một thuật ngữ gọi là “giờ vàng”, nếu bệnh nhân trong khoảng thời gian giờ vàng, từ 6 đến 12 tiếng đầu, rồi mình tiến hành thông mạch cơ tim sớm thì sẽ giữ được chức năng. Nếu tái thông không kịp là bệnh nhân sẽ tử vong, thứ hai nếu mình tái thông trễ thì bệnh nhân có thể còn giữ được sự sống nhưng cơ tim cũng bị hoại tử rất nhiều. Bệnh nhân sẽ bị suy tim, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này".
Để chuẩn bị cho việc có thể thực hiện can thiệt tim mạch nói chung mạch vàng nói riêng, từ năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch và cử 2 bác sĩ đi học tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng như chuẩn bị trang thiết bị phục vụ. Đến năm 2020, các bác sĩ và cả ekip đã đảm bảo tay nghề thực hiện can thiệp mạch vành qua da. Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã thực hiện điều trị cho hơn 1.200 ca, trong đó, 2/3 số ca là các bệnh nhân cấp cứu, đã được can thiệp tái thông mạch vành kịp thời. Ông Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết: "Từ khi triển khai đến nay chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất là tích cực từ phía Bệnh viện Chợ Rẫy, từ những ekip chuyển giao. Tới nay chúng tôi đã chuyển giao độc lập và những số ca chuyển giao này đã mang lại kết quả rất đáng khích lệ. Phải nói rằng cái ekip chúng tôi cũng đã được đào tạo rất là bài bản và đến nay thì cái công việc đó đã diễn biến một cách tương đối hoàn thiện. Số ca chúng tôi làm bình quân một ngày có thể 2, 3 và số cây làm nhiều nhất có thể lên tới 8 ca/ngày và cứu sống được rất nhiều bệnh nhân".
Bên cạnh kỹ thuật chuyên sâu về can thiệp mạch vành, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cũng thực hiện được các kỹ thuật cao khác như đặt máy tạo nhịp tim, hỗ trợ cho việc can thiệp tim mạch 24/7. Để đảm bảo nhu cầu của bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đang cử thêm 1 ekip tiếp tục đi học tại Bệnh viện Chợ Rẫy để hướng tới không chỉ có thể can thiệp mạch vành mà còn can thiệp được mạch máu não, hay mạch các chi khác./.