Bệnh viện cũng… mất vệ sinh

Hầu hết các bệnh viện được xây dựng từ hàng chục năm trước, cơ sở vật chất đã xuống cấp. Điều đáng lo ngại là công tác vệ sinh bệnh viện hiện vẫn còn rất thô sơ, dẫn đến môi trường bệnh viện bị mất vệ sinh nghiêm trọng.

Đó là những kết luận được rút ra khi tổng kết Dự án tăng cường vệ sinh bệnh viện năm 2008 do Bộ Y tế thực hiện.

Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, qua khảo sát tại 9 bệnh viện (BV) trên cả nước, cơ sở hạ tầng phục vụ vệ sinh bệnh viện (VSBV) đa phần đã xuống cấp, thiếu điểm rửa tay cho nhân viên y tế và người bệnh. Đặc biệt, nhân lực làm VSBV thiếu rất nhiều, phần lớn không được đào tạo theo quy chuẩn, 44% bệnh viện có hộ lý hoặc nhân viên vệ sinh, kỹ thuật và phương tiện làm VSBV chưa đạt chuẩn. Đáng lưu ý, đa số hộ lý được BV tuyển thẳng vào làm vệ sinh chưa được đào tạo về VSBV, một số BV phải thuê công ty vệ sinh công nghiệp, chủ yếu làm việc trong giờ hành chính, không có người làm vệ sinh vào ban đêm, dẫn đến môi trường bệnh viện cũng mất vệ sinh nghiêm trọng. Hậu quả là có khoảng 5 - 10% số lượng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn từ BV.

Ở nhiều bệnh viện, công tác vệ sinh bệnh viện còn rất thô sơ
Do vậy, năm 2008 dự án tăng cường VSBV đã được triển khai tại 9 BV trên cả nước, với mục tiêu vì môi trường BV sạch đẹp, đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Thạc sĩ Đinh Ngọc Đệ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ điều dưỡng hỗ trợ cộng đồng nhận định: Sau một năm triển khai tại 9 BV, với kinh phí là 3 tỷ đồng, Dự án đã mang lại những chuyển biến tích cực các hành vi vệ sinh ảnh hưởng tới sức khoẻ người bệnh và cộng đồng. Đến nay, nguy cơ nhiễm khuẩn BV đối với người bệnh khi nằm tại BV đã giảm. Dự án đã đào tạo, tập huấn cho gần 500 giảng viên giám sát và hộ lý, công nhân vệ sinh tại các BV về kiến thức, kỹ năng thực hành VSBV; Lắp đặt hàng trăm bồn rửa, thùng rác tiêu chuẩn cùng các xe chuyên dụng chở dụng vụ, thiết bị y tế. Bên cạnh đó, còn mở các cuộc thi tìm hiểu VSBV, phát động tuần lễ rửa tay với hơn 13.000 người tham gia. Sau một năm, tỷ lệ hộ lý được đào tạo từ 64% trước dự án lên 90%. Tại các BV, cơ sở vật chất phục vụ VSBV được tăng cường, tuy nhiên vẫn có 2 tiêu chí VS vẫn chỉ đạt điểm rất thấp đó là: xà phòng, dung dịch rửa tay tại các BV vẫn chỉ đạt 65% và khăn lau tay cũng chỉ đạt được 34%. 

Để làm tốt công tác VSBV, bác sĩ La Văn Thủy, Phó Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ đề xuất: “Trong thời gian tới, dự án cần hỗ trợ thêm một số trang bị phương tiện cho BV để thực hiện đạt tiêu chuẩn VSBV như xe thu gom đồ vệ sinh; thùng đựng vật rác nhọn theo chuẩn, hóa chất. Đồng thời, các BV cần có sự phân công trách nhiệm cụ thể của khoa, phòng trong giám sát việc tuân thủ rửa tay trong BV; cần phải có mạng lưới giám sát viên tại các khoa để thực hiện việc giám sát, kiểm tra thực hiện quy trình vệ sinh của các công ty vệ sinh”. Ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch Quỹ Unilever Việt Nam, đơn vị tài trợ cho Dự án nhấn mạnh: “Thông qua dự án, chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng được mô hình quản lý và thực hành VSBV, ngăn ngừa lây bệnh trong các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên