Gói hỗ trợ 30.000 tỷ từ nguồn kết dư quỹ BHTN đã giúp người lao động và doanh nghiệp vơi bớt khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Thông qua gói hỗ trợ này cũng cho thấy vai trò giá đỡ thị tường lao động của quỹ BHTN.

Triển khai Nghị quyết số 116 của Chính phủ, Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết ngày 29/11, cả nước đã có 12,321 triệu lao động được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó, lao động đang tham gia BHTN là hơn 11,425 triệu, người đã dừng tham gia BHTN là gần 896.000 người được nhận tiền hỗ trợ.

So với những gói hỗ trợ trước đây, gói hỗ trợ người lao động từ nguồn quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được đánh giá là nhanh chóng, kịp thời.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng trước đây làm việc tại Công ty An Hưng (Phú Yên) nhưng đã nghỉ việc từ tháng 11/2020 và có thời gian đóng BHTN còn bảo lưu là 11 tháng. Chị Hằng cho biết, ngay khi Nghị quyết 116 chính thức triển khai, chị đã làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp trực tuyến, chỉ sau 3 ngày chị Hằng đã nhận được 1,8 triệu đồng tiền hỗ trợ. Số tiền không quá nhiều, nhưng trong giai đoạn chưa tìm được việc làm cũng giúp chị Hằng trang trải, giảm bớt khó khăn trong thời gian dịch bệnh.

Chị Trần Thị Huệ (phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh, Nghệ An) trước đây làm công nhân cho một doanh nghiệp có trụ sở tại khu công nghiệp Bắc Ninh. Tháng 8/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Huệ xin nghỉ việc tại công ty. Sau khi nhận được thông tin về chính sách hỗ trợ này, từ ngày 4/10, chị Huệ đã nộp hồ sơ để hưởng chế độ, cũng chỉ trong 3 ngày, chị đã nhận được tiền hỗ trợ vào tài khoản cá nhân.

“Trong lúc dịch bệnh khó khăn, mất việc làm, nhưng mọi chi phí sinh hoạt thì lại tăng do ở nhà nhiều hơn, số tiền hỗ trợ này rất có ý nghĩa với tôi, mọi thủ tục cũng được nhanh chóng và kịp thời”, chị Huệ nói.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, các gói hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2021 đã nhanh hơn và thực tế hơn. “Trong năm 2020, với Nghị quyết 42 thì doanh nghiệp của Tập đoàn Dệt may Việt Nam hoàn toàn không nhận được gì, do Nghị quyết dựa vào năng lực sản suất, nhưng doanh nghiệp không ngừng sản xuất ngày nào, thậm chí còn tổ chức sản xuất khẩu trang để xuất khẩu với số lượng rất lớn. Việc dừng sản xuất gây thiệt hại rất nhiều so với việc tổ chức sản xuất những mặt hàng rẻ, tuy không có lợi nhuận nhưng có thể bù đắp được một phần tiền lương chi trả cho người lao động.

Nhưng sang đến năm 2021, với Nghị quyết 68, Tập đoàn Dệt may đã nhận được khoảng 140 tỷ đồng, chiếm 60% hồ sơ đề nghị. Riêng Nghị quyết 116 về hỗ trợ tiền cho những người có đóng BHTN, doanh nghiệp đã nhận được 340 tỷ đồng/345 tỷ đồng, tương đương giải quyết 95% hồ sơ đề xuất. Việc này được triển khai nhanh và rất dễ do chỉ cần căn cứ theo số tháng đóng BHTN, giảm chi phí và thời gian để xét duyệt. Việc xây dựng cơ chế dựa trên BHTN giúp giải ngân dễ dàng hơn, bảo đảm công bằng khi chỉ có người lao động của những doanh nghiệp có đóng đầy đủ BHTN được nhận hỗ trợ.

Việc này cũng tạo một môi trường mới giúp người lao động có thể hiểu hơn khi lựa chọn đơn vị sử dụng lao động có tham gia đầy đủ các chính sách của Nhà nước, để nếu gặp các rủi ro thì họ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ hơn. Các doanh nghiệp làm ăn minh bạch rất mong thị trường lao động diễn biến theo hướng này, tránh việc phải cạnh tranh với các doanh nghiệp không hoàn thành các trách nhiệm đầy đủ nhưng có lợi thế trong chi phí”.

Ông Trường cũng cho biết, việc miễn giảm mức đóng BHTN cho doanh nghiệp cũng hỗ trợ Tập đoàn dệt may Việt Nam tiết kiệm 17 tỷ đồng trong 2 tháng thực hiện, và sẽ lên đến 100 tỷ đồng trong 12 tháng. 

Đánh giá về gói hỗ trợ người lao động từ Quỹ BHTN, PGS.TS Giang Thanh Long (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, việc triển khai Nghị quyết 116 nhanh, đồng bộ và hiệu quả, đây là vấn đề rất tích cực trong việc hỗ trợ người lao động khi đang gặp khó khăn trong thời gian ngắn hạn.

“Nghị quyết 116 cho phép doanh nghiệp giảm đóng BHTN từ 1% xuống 0% tới hết tháng 9/2022 là rất hợp lý và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Nhìn dài hơi hơn, việc khuyến khích người lao động tham gia chính sách BHTN là một điều cực kỳ quan trọng. Càng nhiều người tham gia quỹ BHTN, chúng ta càng có nguồn lực để chia sẻ rủi ro với những người mất việc làm, làm tấm nệm để đỡ họ chống lại những cú sốc tương tự như cú sốc do Covid-19 gây ra vừa rồi.

Điều quan trọng hơn, từ việc những người được hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 116 đã có đầy đủ thông tin trong cơ sở dữ liệu và được hỗ trợ rất nhanh chóng, có thể thấy, khi ta số hóa công tác quản lý lao động thì chúng ta xử lý giải quyết chính sách rất nhanh, giảm chi phí rà soát. Đây cũng là yếu tố giúp chúng ta sử dụng hiệu quả các quỹ hỗ trợ cho người lao động”, PGS.TS Giang Thanh Long nhận định.

Ở một tầm nhìn xa hơn, theo PGS.TS Giang Thanh Long cần cân nhắc đến việc đào tạo nghề, thay đổi kỹ năng cho người lao động để có thể tìm kiếm việc làm mới trong thời gian thất nghiệp. Đặc biệt, trong quá trình đào tạo cũng cần tự đặt ra câu hỏi chúng ta đang đào tạo gì và cần đào tạo những gì?

“Thực tế, chúng ta đang đào tạo những gì mình có, mà chưa đào tạo những gì thị trường cần. Vì lý do đó, người lao động vẫn được hỗ trợ đào tạo, nhưng lại khó tìm được việc vì chưa đáp ứng được những kỹ năng của nhà tuyển dụng. Đây là điều quan trọng cần lưu ý trong việc sử dụng hiệu quả quỹ BHTN để hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, tạo việc làm bền vững”, PGS.TS Giang Thanh Long nói.

Theo PGS.TS Giang Thanh Long, cú sốc Covid-19 cho thấy những người tham gia BHXH là những người được bù đắp một phần những đóng góp của mình trước đây thông qua BHTN hoặc các hỗ trợ khác. Để sử dụng minh bạch, an toàn, hiệu quả Quỹ BHTN, chuyên gia này cho rằng không có giải pháp nào hữu hiệu hơn việc phục hồi kinh tế. Chỉ khi nền kinh tế được phục hồi hiệu quả mới có thể giảm số người thất nghiệp, giảm chi tiêu quỹ BHTN và gia tăng số người đóng BHTN để bù đắp cho quỹ.

Có cùng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đánh giá, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng đã được thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực và đầy nhân văn. Chính sách này cũng chưa từng có trong tiền lệ. Chính sách đã nhận được sự quan tâm của đối tượng thụ hưởng và dư luận xã hội, được đánh giá cao. Việc dùng nguồn kết dư từ quỹ BHTN để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, chia sẻ rủi ro. Mức hưởng được chia thành nhiều bậc từ 1,8-3,3 triệu đồng tùy vào số năm đóng của đối tượng thụ hưởng, thể hiện tính công bằng, vai trò bà đỡ của BHTN, giúp người lao động và doanh nghiệp nhận được hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc dùng nguồn quỹ kết dư của BHTN để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp mới chỉ là giải pháp mang tính tình thế, đảm bảo đời sống trước mắt. Về lâu dài, rất cần những giải pháp để phát triển sản xuất, duy trì việc làm bền vững, tạo việc làm mới cho người lao động, đặc biệt là đào tạo, đào tạo lại lao động.

“Việc đào tạo lại lao động từ nguồn quỹ BHTN chúng ta chưa làm tốt, trong khi đây là giải pháp quan trọng, là chính sách phòng ngừa nguy cơ mất việc cho người lao động”, ông Bùi Sỹ Lợi nhận định./.


Thứ Sáu, 11:08, 10/12/2021