BHXH Việt Nam sẽ thanh tra chuyên ngành 7.000 đơn vị, doanh nghiệp
VOV.VN - Trong năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao Bảo hiểm xã hội các địa phương tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm tại 6.964 đơn vị. Một số địa phương có số đơn vị được thanh tra chuyên ngành đóng cao nhất là TP. HCM, Hà Nội, Phú Thọ, Đồng Nai....
Theo kế hoạch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Bình Dương (18 đơn vị), Hải Phòng (8 đơn vị), Bạc Liêu (6 đơn vị), Kon Tum (6 đơn vị), Hà Nam (8 đơn vị), Đắk Lắk (9 đơn vị), Đồng Tháp (6 đơn vị), Sóc Trăng (8 đơn vị), Quảng Bình (7 đơn vị), Tiền Giang (8 đơn vị). Cùng với đó, kiểm tra chuyên đề về thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại 8 tỉnh gồm: An Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Nghệ An, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa. Thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và một số Công ty thành viên.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng giao Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng gần 7.000 đơn vị, doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra liên ngành hơn 2.200 đơn vị. Đồng thời, kiểm tra hơn 5.000 đơn vị sử dụng lao động, 529 cơ sở khám chữa bệnh và 516 Tổ chức dịch vụ thu, dịch vụ chi trả. Trong đó, 5 địa phương có số đơn vị được thanh tra chuyên ngành đóng cao nhất là: TP.HCM (660 đơn vị); thành phố Hà Nội (650 đơn vị); Phú Thọ (200 đơn vị); Đồng Nai (195 đơn vị); Nghệ An (180 đơn vị); Bình Dương (180 đơn vị).
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, do cơ chế, chính sách chưa thống nhất, chế tài xử lý vi phạm hành chính có nhưng chưa đủ mạnh, không có tổ chức chuyên cưỡng chế thi hành các kết luận thanh tra, kiểm tra nên thời gian qua, dù thành phố đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng các đơn vị vẫn không thực hiện.
“Trong năm, 2023, các cấp ở TP.HCM đã ban hành 239 quyết định xử phạt hành chính với tổng số hơn 13 tỷ đồng nhưng chỉ có hơn 2,2 tỷ đồng đã được nộp. Khó khăn hơn nữa là khi thực hiện cưỡng chế, số tiền yêu cầu cưỡng chế là hơn 4,4 tỷ đồng nhưng chỉ nộp phạt có 50 triệu đồng, đạt khoảng 1%. Lý do là bởi vì theo quy định thì việc cung cấp thông tin về các tài khoản của các doanh nghiệp bị cưỡng chế đóng nợ BHXH rất khó khăn, bởi các số tài khoản mà doanh nghiệp cung cấp thường không có đồng nào. Bên cạnh đó, việc yêu cầu để thực hiện việc cưỡng chế gặp khó khăn do thành phố không nhận được sự phối hợp của các đơn vị. Mặc dù có nhiều đơn vị thực tế còn tiền trong tài khoản khác. Rất mong có chế tài, sự phối hợp của các đơn vị liên quan để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật”, ông Dương Anh Đức nói.
Trước đó, trong năm 2023, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng cường đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất các đơn vị sử dụng lao động và xử phạt nghiêm các vi phạm. Tính đến hết tháng 12/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 18.700 đơn vị. Tổng số tiền các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là trên 1.500 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng ngay sau khi kiểm tra là hơn 909 tỷ đồng (bằng 60,5%).
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện gần 45.000 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu hơn 132 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tổng số tiền hơn 139 tỷ đồng do hưởng chế độ không đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, với những giải pháp quyết liệt, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69% số phải thu. Năm 2024 dự báo tiếp tục là năm khó khăn, do đó công tác thu, thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp phải đối mặt với rất nhiều áp lực.
“Đối với BHXH mà chậm đóng, theo Luật BHXH thì chỉ dừng ở mức xử phạt thôi. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các ngành để sửa đổi, đảm bảo các chế tài nghiêm khắc hơn, mạnh hơn. Như Luật Quản lý thuế, cũng một đối tượng đóng thôi nhưng theo luật thì có chế tài rất mạnh, thế nên Luật BHXH tới đây sẽ sửa lại theo hướng này. Chúng ta cần nhận thức rằng, việc doanh nghiệp, tổ chức trốn đóng BHXH hoặc chậm đóng thì là có lỗi với người dân”, ông Nguyễn Thế Mạnh nói.