Bi hài chuyện dân đi “hỏi” chế độ mới lộ chuyện đã có người nhận thay

VOV.VN - Không được nhận chế độ, dân “hỏi” thì mới biết mình đã có trong danh sách nhận tiền từ trước và cũng đã có người “ký” thay “hưởng” hộ.

Thời gian qua nhiều người dân tại địa bàn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An đã làm đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ việc người dân làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp cho dân công hỏa tuyến từng phục vụ chiến tranh bảo vệ tổ quốc nhiều năm qua vẫn không được ai trả lời. Đặc biệt, một số người có tên trong danh sách nhận tiền nhưng không được nhận thay vào đó lại có người khác ký thay, “hưởng” hộ. 

Ông Lự trình bày sự việc, quá trình mình tham gia dân công hỏa tuyến… dù ông có làm đơn nhưng cũng không nhận được trả lời.

Ông Trần Tứ Lự (SN 1950, trú xóm 3, xã Quỳnh Vinh, TX. Hoàng Mai) chia sẻ, từ năm 1967-1969, ông được điều động đi làm dân công hỏa tuyến phục vụ kháng chiến. Thời điểm đó ông được phân công nhiệm vụ vận chuyển lương thực hàng quốc phòng từ ga Hoàng Mai vào các huyện gồm thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, huyện Yên Thành, Đô Lương.

Đến cuối năm 1969, ông được nghỉ, đến năm 2015, ông cùng nhiều người dân trong xã biết được Chính phủ có chế độ 49 để trợ cấp cho những người từng làm dân công hỏa tuyến phục vụ kháng chiến nên ông cùng nhiều người khác đã làm đơn gửi lên xã. Cũng từ đó đến nay, nhiều năm ròng ông vẫn không nhận được bất kỳ câu trả lời nào của chính quyền địa phương.

Gần đây, nhiều người từng đi làm nhiệm vụ cùng ông đã được nhận tiền chế độ. Tuy nhiên, đối với trường hợp của ông vẫn không được cơ quan chức năng nào trả lời. Khi người cháu của ông lên xã nhận chế độ thì xem danh sách nhận tiền đã có tên ông. Đặc biệt, cũng đã có chữ ký của ông và đã nhận tiền rồi. 

“Tôi chưa biết mình có tên trong danh sách đó, chắc chắn tiền của tôi đã bị người khác hưởng mất”, ông Lự khẳng định. 

Hàng loạt đơn thư của người gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ sự việc.

Cũng tương tự như ông Lự, vợ của ông là bà Nguyễn Thị Cửu (SN 1957) tham gia nhiều ngày làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến. Bà Cửu đã làm đơn cùng chồng để xin hưởng chế độ cũng không được cơ quan chức năng nào trả lời.

Không chỉ riêng vợ chồng ông Lự, nhiều trường hợp khác đến nay vẫn chưa nhận được trả lời của cơ quan chức năng liên quan đến việc chi trả chế độ nói trên. 

Anh Lê Văn Thịnh có bố là Lê Văn Công và anh trai Lê Văn Chánh từng tham gia làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến trình bày: "Chúng tôi làm đơn từ năm 2015 cũng không có ai trả lời, thậm chí trong đơn bố tôi còn xin chữ ký của nhiều người cùng tham gia làm nhiệm vụ. 

Ông Vũ Lê Hùng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An xác nhận chính quyền địa phương có nhận được một số thông tin phản ánh về việc người dân chưa được hưởng chế độ theo quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ đối với người từng là dân công hỏa tuyến. Sau đó, xã đã thành lập tổ công tác trực tiếp xuống từng thôn xóm và nhà dân để rà soát và tiếp tục bổ sung hồ sơ cho những trường hợp còn thiếu sót, những trường hợp đã làm hồ sơ nhưng chưa được hưởng chế độ.

Nhiệm vụ này được giao cho ông Trần Văn Triển - Xã đội trưởng trực tiếp nhận đơn và giải quyết chế độ cho người dân. Từ năm 2015-2018, xã nhận đơn khoảng 1.200 người. Đến năm 2018, đã có quyết định hưởng chế độ cho hơn 1.090 người. Một số hồ sơ của người dân trong đó chưa có quyết định nhận tiền.

Về thông tin có nhiều người đã có tên và ký nhận trong danh sách nhận tiền nhưng thực chất những người này chưa được nhận, ông Hùng xác nhận là có tình trạng này do có một số người nhận thay. Địa phương rẽ rà soát lại xem người nhận tiền là ai, đã đúng hay chưa. 

Tuy nhiên, khi được hỏi về những trường hợp nhận thay người dân là ai, là người nào trực tiếp cho phép nhận thay người dân thì ông Hùng không trả lời.

Số tiền trợ cấp dành cho trường hợp từng tham gia dân công hỏa tuyến theo quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ tuy không nhiều nhưng đó là sự ghi nhận, tri ân của Đảng, nhà nước đối với thế hệ đã đổ mồ hôi, xương máu cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc trong những ngày tháng mưa bom bão đạn. Nhưng quá trình chi trả phải đúng người, đúng trường hợp không thể để “quên” hay có người ký thay, hưởng hộ gây bức xúc trong nhân dân./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên