Bị hành hung, y bác sĩ lo lắng không thể phục vụ hết mình
VOV.VN - Bạo hành y tế không nâng cao được chất lượng phục vụ, thậm chí còn khiến nhân viên y tế luôn cảnh giác không thể phục vụ hết mình.
Trước những vụ bạo hành nhân viên y tế liên tiếp xảy ra trong những ngày gần đây, trả lời phóng viên VOV.VN, Bác sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội nói: “Về quan điểm cá nhân, trước hết, tôi cực lực phản đối và lên án mạnh mẽ những hành động này”.
BS Thành cho biết: Bạo hành y tế gặp ở trong bệnh viện mới là phần nổi của tảng băng nếu như so với những gì các bác sĩ gặp phải trong môi trường bệnh viện, đặc biệt là cấp cứu trước bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội: chúng ta cần tuyên truyền cho người dân hiểu không nên bạo hành nhân viên y tế |
BS Thành dẫn chứng, gần đây nhất, tối 20/10, khi xe cấp cứu đang vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trên đường Lê Duẩn, do đường tắc, một đối tượng đi xe máy không vượt được xe cứu thương nên sau đó đã chặn đầu xe, đập vỡ toàn bộ gương xe cấp cứu hai bên, cạy cửa ca bin, tấn công bác sĩ và lái xe
Một trường hợp khá phổ biến khác đó là khi xe cấp cứu bật còi và đèn ưu tiên, nhiều phương tiện không những không nhường đường mà còn lăng mạ, nhiều chủ cửa hàng (trong ngõ nhỏ đường hẹp) không những không dẹp phần lấn chiếm đường (bàn, ghế, xe, bạt che) mà còn chửi bới (kể cả khi người nhà bệnh nhân trên xe cấp cứu đã xuống cầu xin).
Và còn nhiều trường hợp khác do người nhà/người đi cùng “có tâm lý sốt ruột cộng với thiếu hiểu biết” có những lời nói xúc phạm mà chúng tôi không thể kể hết.
BS Nguyễn Thành |
BS Thành cũng đưa ra một số bất cập như: khi xảy ra vụ việc, đặc biệt là hành hung, đe dọa tính mạng, các lực lượng chức năng không thể có mặt ngay lập tức để bảo vệ nhân viên cấp cứu 115. Đối với nhân viên y tế tại bệnh viện, ít nhất họ cũng đang làm việc tại “công sở-các bệnh viện” có lực lượng bảo vệ gần đó. Còn nhân viên cấp cứu 115 phục vụ tại nhà bệnh nhân (có trường hợp đối tượng bịt đường thoát trước khi hành hung) không có ai đi cùng bảo vệ (nhiều kíp cấp cứu chỉ có nhân viên nữ).
Mọi thiệt hại hư hỏng do các đối tượng đập phá, Trung tâm cấp cứu 115 đều phải tự khắc phục, chưa ai bồi thường. Quy trình xử lý các đối tượng rất nhiều thủ tục, bác sĩ điều dưỡng bị hành hung phải tường trình liên tục và cuối cùng kết quả xử lý chỉ là giảng hòa/phạt hành chính nên đôi khi anh em có tâm lý chán nản không muốn báo cáo.
BS Thành mong muốn các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao ý thức, hiểu rõ trách nhiệm của các bên trong vấn đề bạo hành nói chung và y tế nói riêng, trong đó cần đề cập đến các vấn đề như bạo hành y tế không làm cho nền y tế, ngành y tế tốt đẹp hơn, không nâng cao được chất lượng phục vụ, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến các người bệnh khác do nhân viên y tế luôn cảnh giác không thể phục vụ hết mình.
Chúng ta làm cho người dân hiểu rõ bạo hành y tế là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến nhiều người và sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật. Báo chí và các cơ quan truyền thông cần nêu bật các trường hợp bị pháp luật xử lý vì xúc phạm, đe dọa hành hung, làm tổn hại thân thể nhân viên y tế. Nếu nhân viên y tế sai, cần xử lý thông qua các hệ thống cơ quan quản lý, thanh tra, pháp luật chứ không phải bằng bạo lực. Đặc biệt, chúng ta cần tiếp tuc bổ sung hoàn thiện các bộ luật trong đó có Luật Khám bệnh chữa bệnh, Bộ Luật hình sự, Bộ Luật dân sự trong đó làm rõ, chi tiết các hình thức xử lý đối với bạo hành y tế và cần xem xét lại tính răn đe của việc xử lý các trường hợp bạo hành y tế.
BS Thành cũng bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến một số người dân đã cho phép nhân viên 115 “lánh nạn” trong lúc nguy nan và các lực lượng công an đã phối hợp với các y, bác sĩ trong nhiều trường hợp.../.
Bộ Y tế bất ngờ gặp gỡ báo chí để thông tin về vụ VN Pharma