Bí thư Đà Nẵng ra "tối hậu thư" với cụm công nghiệp Cẩm Lệ
VOV.VN - Thi công từ 2019, nghiệm thu tháng 7/2023 đến nay, dự án cụm Công nghiệp Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng vẫn chưa có đường giao thông khớp nối, chưa có phương án xử lý nước thải. Trong quá trình tổ chức thi công đắp đất hệ mái taluy âm của Cụm công nghiệp, mỗi khi có mưa xảy ra tình trạng một lượng đất đắp trôi theo dòng nước xuống các đường kiệt hẻm của khu dân cư nằm tiếp giáp
Dự án Hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng thuộc danh mục các dự án trọng điểm, mang tính động lực đã được Hội đồng Nhân dân thành phố phê duyệt năm 2019. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa có đường giao thông khớp nối, chưa có phương án xử lý nước thải.
Trong quá trình tổ chức thi công đắp đất hệ mái taluy âm của Cụm công nghiệp, mỗi khi có mưa xảy ra tình trạng một lượng đất đắp trôi theo dòng nước xuống các đường kiệt hẻm của khu dân cư nằm tiếp giáp với cụm công nghiệp. Trước tình trạng này, chiều nay (19/9), ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đến kiểm tra và yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố sớm có báo cáo triển khai các biện pháp khắc phục.
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Lệ được chia thành 2 phân kỳ đầu tư theo gói thầu Xây lắp và cung cấp thiết bị 1 và 2. Gói thầu xây lắp giai đoạn 1 và giai đoạn 2 gồm 8 hạng mục chính: Giao thông, San nền, Cây xanh, Cấp nước, Thoát nước thải, Thoát nước mưa, Cấp điện chiếu sáng và Trạm Xử lý nước thải. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Lê Vũ (nay là Công ty Liên Việt Tiến) và Công ty Cổ phần kỹ thuật và công nghệ Thái Hưng Thịnh.
Đường giao thông khớp nối với cụm Công nghiệp phải hoàn thành vào 20/10/2023
Các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã thi công cơ bản hoàn thành trong tháng 6/2023. Đơn vị điều hành dự án đã tiến hành nghiệm thu kỹ thuật toàn bộ các hạng mục và đã trình hồ sơ nghiệm thu hoàn thành vào cuối tháng 7/2023 để sở Xây dựng kiểm tra chấp thuận công tác nghiệm thu trước khi tiến hành bàn giao đưa công trình vào sử dụng. Mặc dù các hạng mục Cụm Công nghiệp đã hoàn thành nhưng đến nay chưa có hệ thống giao thông khớp nối ra bên ngoài, chưa có phương án khớp nối hệ thống xử lý nước thải.
Báo cáo của UBND quận Cẩm Lệ cho biết, UBND quận Cẩm Lệ đã làm hết trách nhiệm trong vấn đề triển khai đầu tư Cụm Công nghiệp theo tiến độ và chủ động đề xuất với các Sở, ngành trong việc khớp nối Hạ tầng kỹ thuật của Cụm Công nghiệp với bên ngoài. Tuy nhiên, UBND quận không nhận được ý kiến đồng thuận của các đơn vị có liên quan nên dẫn đến việc chậm trễ khớp nối hạ tầng kỹ thuật như hiện nay.
UBND quận Cẩm Lệ đề xuất sử dụng nguồn kinh phí dự phòng đã bố trí cho dự án để đầu tư hạng mục khớp nối giao thông, thoát nước, gia cố mái ta luy dự án. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đồng ý với phương án này và yêu cầu quận tổ chức thi công trong vòng 30 ngày. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong giai đoạn 2 của dự án của Khu Công nghiệp Hòa Cầm cũng sẽ dùng con đường này nên phải đầu tư hoàn thiện chứ không nên làm đường tạm.
Hoàn thành hồ sơ Dự án khớp nối hệ thống nước thải vào 31/12/2023
Về phương án xử lý nước thải hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, chủ đầu tư xây dựng bổ sung tuyến cống HPDE D300 từ trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp đấu nối vào hệ thống thoát nước thải sau xử lý của khu công nghiệp Hòa Cầm để thoát ra sông Tuý Loan. Đối với việc đấu nối hệ thống nước thải sau xử lý thì ngày 14/9/2023, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường đã mời các bên liên quan họp bàn cách xử lý vướng mắc về đấu nối hệ thống nước thải để làm cơ sở báo cáo thành phố.
Trên cơ sở phương án đầu tư khớp nối hệ thống giao thông và thoát nước Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã được UBND thành phố thống nhất, UBND quận Cẩm Lệ đã phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng phương án đấu nối nước thải sau xử lý của Cụm công nghiệp Cẩm Lệ vào đường ống thoát nước thải sau xử lý của Khu công nghiệp Hòa Cầm. Cụ thể, Chủ đầu tư xây dựng trạm bơm, đường ống để dẫn nước thải sau xử lý của Cụm công nghiệp Cẩm Lệ vào vị trí đấu nối chung với đường ống thoát nước sau xử lý của Khu công nghiệp Hòa Cầm.
Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Hòa Cầm thống nhất về việc đấu nối nước thải sau xử lý của Cụm công nghiệp Cẩm Lệ vào đường ống thoát nước thải sau xử lý của Khu công nghiệp Hòa Cầm với điều kiện phải xin phép Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý điều chỉnh vị trí xả thải theo Giấy phép môi trường số 92/GP-BTNMT ngày 07/4/2023.
Về phương án xử lý nước thải như đề xuất của Chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các bên liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục xin khớp nối vào hệ thống xử lý nước thải, thủ tục đấu thầu dự án. Tất cả hồ sơ thủ tục phải hoàn thiện vào ngày 30/12 tới và thời gian thi công trong 1 tháng phải hoàn thành.
Gia cố ta luy âm, thay đổi cây xanh, nghiên cứu di dời dân bị ảnh hưởng
Khi thiết kế dự án Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng không lường hết thực tế nên mái ta luy cao hơn mái nhà dân. Vì vậy, khi có mưa, bùn đất chảy tràn xuống khu dân cư, gây bồi lấp hệ thống mương thoát nước kiệt hẻm, dẫn đến nước tràn lên mặt đường ảnh hưởng đời sống của Khu dân cư.
Đến nay, công tác đắp đất mái taluy âm, ốp chân mái taluy và mương thu nước chạy dọc ranh giới dự án đã hoàn thành, tình trạng bùn đất chảy xuống các đường kiệt hẻm đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, do mái đất taluy mới thi công, kết cấu nền đất chưa ổn định, việc trồng cỏ, cây xanh cách ly chưa được hoàn thiện và hiện tại đang mùa mưa nên một số vị trí vẫn xảy ra trình trạng xói lở.
Để khắc phục tạm thời tình trạng xói lở chảy bùn đất xuống các kiệt hẻm trong Khu dân cư và gây ngập úng tại các cửa xả của cống thoát nước Cụm công nghiệp mỗi khi có mưa, UBND quận Cẩm Lệ đã chỉ đạo các ngành và đơn vị liên quan phối hợp với nhà thầu thi công thực hiện một số biện pháp cấp bách. Cụ thể, sau mỗi cơn mưa phải nhanh chóng thu dọn bùn đất, tưới nước rửa mặt đường và nạo vét mương thoát nước, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đi kiểm tra thực tế hiện trường, lắng nghe ý kiến người dân, Bí thư Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu giải tỏa những hộ dân dưới ta luy âm chứ không để dân sống như vậy, chưa bảo đảm an toàn cho người dân. Phần mái ta luy âm phải nghiên cứu tính toán có phương án cải tạo, kiên cố hóa chứ không thể để khối đất đắp sừng sững như hiện nay.
Về hạng mục Vệt cây xanh cách ly rộng 50m nằm giữa Cụm công nghiệp với Khu dân cư tiến độ thi công chậm trễ, hoàn thành vào cuối tháng 8/2023. Đến nay, sau 4 năm thi công nhưng những cây bạch đàn mới trồng chỉ cao khoảng một gang tay trên nền đá sỏi.
Vì vậy, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị đơn vị thi công cải tạo đất, chọn loại cây phù hợp với thổ nhưỡng ở khu vực này, đảm bảo sinh trưởng nhanh, hạn chế được tác động của nhà máy đối với khu dân cư.
Qua kiểm tra thực tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, thành phố rất cần mặt bằng cụm công nghiệp để di dời các doanh nghiệp trong khu dân cư nội đô vào đây. Để khai thác một cách hiệu quả nhất tài sản công đã được đầu tư, các sở ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt và đồng bộ các phần việc còn lại theo thẩm quyền, tránh tình trạng sở này chờ sở kia.
“Tôi đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố về chỉ đạo các sở có liên quan, đơn vị thực hiện thủ tục; Quận Cẩm Lệ chỉ đạo hoàn thiện hạ tầng; Các sở hoàn thiện các thủ tục phần quản lý tài sản công, xác định giá để khi các cơ sở đó hoàn thiện rồi thì chúng ta triển khai khớp nối một cách đồng bộ. Trong thời gian từ 9 tháng đến 1 năm nữa thì chúng ta mới có thể hoàn thiện thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp được. Với tinh thần đó, tôi đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố có báo cáo và xác định rõ lộ trình, cách làm để Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy có những chỉ đạo kịp thời.”, ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu./.