Bí thư Đinh La Thăng: Trả lại quyền tự chủ thuốc cho bệnh viện

VOV.VN - Ông Đinh La Thăng khẳng định: Phải trả lại quyền tự chủ cho bệnh viện, trong đó quyền tự chủ về đấu thầu thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế.

Trong một cuộc họp gần đây, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã khuyến khích các bệnh viện nói thẳng, nói thật quan điểm của mình về cách thức "đấu thầu tập trung" thiết bị y tế, thuốc men đang được áp dụng tại thành phố hiện nay.

Ông Đinh La Thăng cũng khẳng định: Phải trả lại quyền tự chủ cho bệnh viện, trong đó quyền tự chủ về đấu thầu thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế tiêu hao. “Được lời như cởi tấm lòng”, một số bệnh viện đã thể hiện quan điểm trái ngược với chủ trương của lãnh đạo Sở Y tế.

Bắt đầu từ năm 2013, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đấu thầu y tế tập trung. Nghĩa là, thay vì để mỗi bệnh viện tự thực hiện đấu thầu riêng lẻ thì Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công, trực thuộc Sở Y tế sẽ đứng ra chịu trách nhiệm nhận hồ sơ đấu thầu từ các công ty cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao. Các bệnh viện sẽ dự trù số số lượng thuốc và trang thiết bị y tế cần thiết gửi về cho trung tâm này.

Bệnh nhân sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ những bất cập trong chính sách phát triển y tế (Ảnh: Hiếu Hiền)

Về mặt lí thuyết, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Hình thức đấu thầu tập trung sẽ hạn chế những tiêu cực như bệnh viện bắt tay với các công ty dược để nâng giá thuốc. Ngoài ra, việc đấu thầu với số lượng lớn cũng sẽ giúp giảm giá thành. Còn phía Bảo hiểm Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cũng đồng thuận với hình thức này vì có thể dễ dàng quản lí giá thuốc, trên cơ sở đó việc đưa ra giá trần thanh toán cho các bệnh viện cũng dễ dàng hơn.

Nhưng trái ngược với mong đợi của Sở Y tế thành phố, trong 3 năm thực hiện đấu thầu y tế tập trung, nhiều bệnh viện có lúc đã rơi vào tình trạng thiếu thuốc và không thể mua sắm thêm trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, phải đến khi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng “hỏi thật” thì các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh mới dám rụt rè “đáp thật” quan điểm riêng của mình về đấu thầu y tế.

Bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện 115 – một trong số ít những bệnh viện đầu tiên dám công khai quan điểm riêng của mình về đấu thầu y tế tập trung cho biết: “Khi thực hiện đấu thầu tập trung về Sở Y tế thì 3 năm qua, Bệnh viện không thực hiện được mua sắm nào về trang thiết bị y tế. Các anh không đủ năng lực để mua sắm cho các bệnh viện. Trước đây, khi các bệnh viện được tự chủ mua sắm thuốc, trang thiết bị thì được cái nhanh, trang thiết bị là có ngay. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nên để cho các bệnh viện tự chủ trong đấu thầu”.

Với việc thực hiện đấu thầu y tế tập trung, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã ôm hết công việc đấu thầu  của 93 bệnh viện công lập. Trong khi đó, việc đấu thầu là rất phức tạp. Không những thế, nhu cầu về thuốc men, trang thiết bị của mỗi bệnh viện là khác nhau và thường thay đổi để cập nhật thuốc điều trị và trang thiết bị mới.

Với khối lượng công việc quá lớn, Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của Sở Y tế đã bị quá tải, dẫn đến có lúc  các bệnh viện bị thiếu thuốc, nhất là với các loại thuốc biệt dược. Còn về trang thiết bị thì đấu thầu tập trung đã khiến cho không chỉ Bệnh viện Nhân dân 115 mà một số bệnh viện khác như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Ung bướu không thể có được trang thiết bị y tế mới trong 3 năm qua.

Là một  người trong cuộc, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng về những bất cập khi thành phố quyết thực hiện đấu thầu y tế tập trung: “Với một thị trường quá nhiều thì khi thực hiện đấu thầu tập trung, làm sao mà tìm ra được mẫu số chung cho tất cả các bệnh viện trong thành phố và làm sao bảo đảm được tiến độ cung ứng? Trong khi nhân lực thì không có. Chúng tôi giống như tự đá bóng tự thổi còi. Vì thế, không phải loại thuốc nào cũng phải đấu thầu. Thứ hai là phải tăng cường tự chủ cho các bệnh viện”.

Một nghịch lí nữa khi sử dụng hình thức đấu thầu tập trung là, mặc dù thành phố đã có  7 bệnh viện công lập được thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn nhưng vẫn bị buộc phải phụ thuộc vào Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công khi cần cung ứng thuốc men hay trang thiết bị y tế. Có nghĩa là các bệnh viện này có tiền thì cũng không thể tự mua sắm thuốc, thiết bị y tế.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, việc lựa chọn hình thức đấu thầu y tế nên căn cứ vào loại hình bệnh viện có tự chủ hoàn toàn hay tự chủ một phần: “Chúng ta phải căn cứ vào vốn khi mua trang thiết bị hay mua thuốc. Với những đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn thì nên để họ tự đấu thầu thuốc cũng như trang thiết bị. Còn với những đơn vị sử dụng vốn ngân sách thì nên để cho Sở Y tế thực hiện đấu thầu. Riêng về đấu thầu thuốc thì đơn vị tự chủ một phần có thể được tự đấu thầu các loại thuốc đặc hiệu như chuyên về tim mạch nhưng nằm trong giới hạn của Quỹ phát triển sự nghiệp của bệnh viện”.

Hiện tại, các bệnh viện công lập đang trong tiến trình tự chủ tài chính. Do vậy, họ hoàn toàn có quyền sử dụng nguồn thu từ viện phí để trang trải cho hoạt động của bệnh viện. Đã đến lúc, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh không nên làm thay và gánh chịu thay trách nhiệm của các bệnh viện. Nhất là, trong việc đấu thầu y tế, các bệnh viện hầu như đã có nguồn nhân lực và kinh nghiệm trong nhiều năm qua.

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Đấu thầu tập trung hay đấu thầu tại bệnh viện thì đều phải làm sao đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh sử dụng hàng ngày. Bệnh không chờ ai cả, mỗi ngày mỗi bệnh, cứ tiến triển dần. Bệnh nhân phải cần máy móc, cần sự chăm sóc, cần đến thuốc men. Nếu được giao đấu thầu tại bệnh viện thì bệnh viện sẵn sàng vì đã có kinh nghiệm rồi”.

Bức xúc là vậy, bất cập là vậy, nhưng vấn đề mới chỉ được xới lên khi lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn đặt câu hỏi với các bênh viện. Hiện nay, nhiều lãnh đạo bệnh viện đang thấp thỏm chờ kết luận của Sở Y tế về việc lựa chọn hình thức đấu thầu y tế vào tháng 4 sắp tới – thời hạn mà Bí thư Thành ủy thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Y tế phải trao lại quyền tự chủ cho các bệnh viện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đấu thầu thuốc tập trung ngăn loạn giá thuốc
Đấu thầu thuốc tập trung ngăn loạn giá thuốc

53 tỉnh thành đã thực hiện đấu thầu thuốc tập trung thay vì để các bệnh viện tự mua như trước kia.

Đấu thầu thuốc tập trung ngăn loạn giá thuốc

Đấu thầu thuốc tập trung ngăn loạn giá thuốc

53 tỉnh thành đã thực hiện đấu thầu thuốc tập trung thay vì để các bệnh viện tự mua như trước kia.

Đấu thầu thuốc tập trung: Liệu có cần thiết ?
Đấu thầu thuốc tập trung: Liệu có cần thiết ?

VOV.VN - Việc đấu thầu thuốc tập trung có thể tiết kiệm một khoản chi phí cho nhà nước những vẫn còn băn khoăn về chất lượng thuốc trúng thầu.

Đấu thầu thuốc tập trung: Liệu có cần thiết ?

Đấu thầu thuốc tập trung: Liệu có cần thiết ?

VOV.VN - Việc đấu thầu thuốc tập trung có thể tiết kiệm một khoản chi phí cho nhà nước những vẫn còn băn khoăn về chất lượng thuốc trúng thầu.

Khởi tố vụ đấu thầu thuốc tại các bệnh viện ở Cà Mau
Khởi tố vụ đấu thầu thuốc tại các bệnh viện ở Cà Mau

Thanh tra tỉnh Cà Mau đã có kết luận hàng loạt sai phạm tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Khởi tố vụ đấu thầu thuốc tại các bệnh viện ở Cà Mau

Khởi tố vụ đấu thầu thuốc tại các bệnh viện ở Cà Mau

Thanh tra tỉnh Cà Mau đã có kết luận hàng loạt sai phạm tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Cà Mau.