Bí Thư đoàn tuổi 30- người truyền cảm hứng “không rác thải nhựa”
VOV.VN -Ở tuổi 30, Nguyễn Thúy Hằng khởi nghiệp thành công từ những cây lục bình, tre trúc là sản phẩm gắn liền với bà con nơi làng quê.
Vốn là cô gái lớn lên từ vùng quê nghèo, Nguyễn Thúy Hằng luôn nỗ lực trong mọi công việc để có được thành công. Ở tuổi 30, Hằng không chỉ đang làm Bí thư Đoàn phường 1, TP Cà Mau mà còn khởi nghiệp thành công từ những cây lục bình, tre trúc là sản phẩm gắn liền với bà con nơi làng quê.
Làm để truyền cảm hứng...
Trong công tác đoàn tại địa phương, Thúy Hằng tham gia nhiều hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, đặc biệt, thời gian gần đây phong trào “nói không với rác thải nhựa” được đẩy mạnh. Nói để người ta tin là rất khó, nên cô gái cụ thể bằng hành động và luôn lựa chọn những sản phẩm thân thiện môi trường sử dụng. Bạn bè, người quen của Hằng thấy lạ khi tất cả túi xách, mũ nón và giày cả dép cô sử dụng đều làm từ các loại cây ở địa phương. Mọi người hỏi, Hằng chỉ nói rằng: “sử dụng như vậy là góp phần bảo vệ môi trường”.
Ở tuổi 30, Bí thư Đoàn Nguyễn Thúy Hằng (áo xanh) khởi nghiệp thành công từ những "sản phẩm xanh". |
Ở tuổi 29, người Bí thư Đoàn phường nghĩ đến việc khởi nghiệp và cô lựa chọn con đường kinh doanh những sản phẩm từ giấy, từ lục bình, tre... do chính bà con nông dân các vùng quê tạo ra nhằm truyền cảm hứng, dần thay đổi thói quen dùng rác thải nhựa.
“Là người khơi nguồn thì bản thân mình phải sử dụng trước, sau đó là bạn bè, người thân của mình. Ban đầu mình cần làm lan tỏa những điều nhỏ nhất từ những người gần gũi nhất, sau đó sẽ có nền tảng lan rộng ra nhiều người. Những hành vi nhỏ như sử dụng bọc, chai nhựa mà không tái sử dụng thì ảnh hưởng môi trường như thế nào. Nhiều người đã thấy nhưng họ chưa biết phải làm sao thì mình giúp họ. Còn có nhiều người vẫn phản đối, khách hàng từ chối thì mình phải kiên nhẫn để họ thấy giá trị mình mong muốn đem lại”- bạn Nguyễn Thúy Hằng chia sẻ.
Cô đặt các sản phẩm thô của người nông dân ở các vùng quê. |
Năm 2018, cô gái trẻ đã mở một cửa hàng kinh doanh các mặt hàng mỹ nghệ có nguồn gốc từ thực vật tại TP.Cà Mau. Hằng đặt hàng các sản phẩm thô ở nhiều nơi về để trang bị thêm các phụ kiện do chính tay mình thiết kế, tạo ra sản phẩm có tính thẩm mỹ. Nhưng con đường khởi nghiệp ban đầu lắm gian nan, sản phẩm của Hằng đẹp nhưng vẫn chưa thu hút được khách hàng. Cô gái trẻ có năng khiếu về thiết kế đã phải liên hệ với những cửa hàng kinh doanh để đến thiết kế không gian miễn phí cho họ. Hằng khéo léo đưa những sản phẩm mình làm ra vào những không gian đó để tạo điểm nhấn, để bán được sản phẩm và cũng là để truyền cảm hứng sử dụng “sản phẩm xanh” đến nhiều người. Từ những khách hàng ban đầu là người thân quen, cửa hàng của cô gái đi đâu “cũng nói không với rác thải nhựa” dần có những khách hàng mới, được nhiều người biết đến.
Về thiết kế và trang trí thêm để tạo ra những sản phẩm có tính thẩm mỹ. |
“Mình rất thích những sản phẩm nón, túi xách. Nếu mình mua 1 chiếc túi xách bình thường, sau thời gian hỏng thì tôi bỏ đi, trở thành rác thải rất khó phân hủy. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm Nhà Bông làm từ những vật liệu rất đơn giản như: Lục bình, giấy nhưng vẫn sử dụng rất lâu. Đến một thời gian nào đó, không còn sử dụng được nữa nó sẽ tự phân hủy, không hại môi trường. Tôi thấy điều đó rất hay. Ngoài ra, tôi sử dụng những sản phẩm này cũng là cách để ủng hộ những bà con nông dân rất vất vả để làm ra những sản phẩm này”- chị Võ Ngọc Mơ, một khách hàng bị Hằng chinh phục bởi cảm hứng đó, cho biết.
...và tạo ra giá trị cho cuộc sống
Thúy Hằng không những chăm chỉ trong công việc, năng động trong kinh doanh mà còn siêng làm công tác xã hội. Nhưng cách làm của cô cũng khác biệt. Trong đợt thời tiết cực đoan tàn phá đê biển Tây làm hàng trăm nhà dân bị cuốn trôi vào cuối tháng 8 vừa qua, Thúy Hằng lên mạng xã hội đăng thông tin: “bán ống hút bằng tre gây quỹ giúp đỡ những gia đình khó khăn”.
Thúy Hằng cho rằng kinh doanh là hướng tới lợi nhuận nhưng làm sao phải tạo ra giá trị cho cuộc sống.
|
Sau vài ngày, Thúy Hằng bán được 10.000 ống hút để thu về 50 triệu đồng. Cô dùng 30 triệu đồng là tiền lãi của việc bán ống hút tre dựng lại 3 căn nhà cho ngư dân miền biển nghèo. Cô gái trẻ không xin tiền ai để làm từ thiện mà huy động nguồn lực từ cộng đồng để những người mua sản phẩm của mình sau đó sẽ “sử dụng ống hút tre chứ không dùng ống hút nhựa”. Hằng tin như vậy và vẫn đang tiếp tục làm như vậy.
Đến nay, những “sản phẩm xanh” Thúy Hằng cùng bà con nông dân làm ra không chỉ được nhiều người tại TP.Cà Mau biết đến mà còn có những bạn hàng từ nước ngoài đặt hàng của cô. Ban đầu, Hằng xuất hàng sang thị trường Campuchia. Mới đây cô gái trẻ vỡ òa khi đáp ứng được yêu cầu để xuất khẩu 600 sản phẩm “mô hình tổ chim làm từ giấy” sang Hàn Quốc. Thúy Hằng vui mừng hơn khi biết những sản phẩm của mình được dùng để giảng dạy cho học sinh về việc “tái chế sản phẩm đã qua sử dụng”. Hiện cô gái đã mạnh dạn thành lập Cty TNHH MTV Nhà Bông để chuyên cung cấp những sản phẩm thân thiện môi trường ra thị trường.
Cô dùng sản phẩm của mình để làm từ thiện và gắn với đó là cảm hứng "không rác thải nhựa".
|
“Khi quyết định kinh doanh những sản phẩm thân thiện môi trường, điều mình mong muốn nhất là nhiều người thay đổi thói quen sử dụng những đồ dùng tạo ra rác thải gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đó là giá trị cốt lõi cửa hàng của mình mong muốn mang lại. Kinh doanh, ai cũng nghĩ tới vấn đề lợi nhuận nhưng kinh doanh tạo ra giá trị, đóng góp cho xã hội đó là điều mình mong muốn”- Nguyễn Thúy Hằng tâm sự.
Cô Bí thư Đoàn đã mở thêm cửa hàng kinh doanh tại TP.Đà Lạt và đang dự định mở thêm cửa hàng ở một số tỉnh vùng ĐBSCL. Xuyên suốt quá trình đã qua, cô gái trẻ năng động luôn gắn liền mọi công việc với một cảm hứng - “nói không với rác thải nhựa”. “Kinh doanh là hướng tới lợi nhuận nhưng kinh doanh tạo ra giá trị cho cuộc sống mới đáng quý” – đó là triết lý kinh doanh của Nguyễn Thúy Hằng./.
Ngành y tế giải quyết thế nào 22 tấn rác thải nhựa mỗi ngày?