Bí thư Hà Nội: Đang điều tra nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây
VOV.VN - Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải: “Chúng ta phải kiên quyết làm việc đó, không để tình trạng cá chết ở Hồ Tây xảy ra một lần nữa”.
Ngày 6/10, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Thành phố đang điều tra tìm nguyên nhân làm cá chết ở Hồ Tây.
“Chúng ta phải kiên quyết làm việc đó, không để tình trạng này xảy ra một lần nữa. Bây giờ chưa biết nguyên nhân, nhưng rõ ràng để xảy ra như vậy, chúng ta vẫn còn sơ sểnh, quản lý vẫn còn chưa tốt”, ông Hoàng Trung Hải nói.
Góc đường Nguyễn Đình Thi ghi nhận lượng cá chết trắng xóa một góc. |
Ông cho biết, ngay từ lúc xảy ra sự việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Công an thành phố, cụ thể là Cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp điều tra. Đến thời điểm này, Bộ Công an cũng vào cuộc điều tra với TP Hà Nội. Ông Hoàng Trung Hải nêu rõ: “Chúng ta cũng tiếp tục điều tra để tìm ra nguyên nhân làm cho cá chết ở Hồ Tây. Phải tìm ra nguyên nhân này để xử lý”.
Bí thư Hoàng Trung Hải cũng cho biết, Thành phố sẽ đầu đầu tư hệ thống quan trắc nước, đồng thời tiếp tục rà soát tất cả nguồn nước thải. Từ nhiều năm nay, mặc dù Hồ Tây đã được đầu tư hệ thống gom nước thải và có 2 nhà máy xử lý nước, nhưng đến nay vẫn còn tình trạng các hộ sản xuất, kinh doanh vẫn xả thải nước thải ra hồ. Chính vì vậy, Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vấn đề này.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị. |
Ông Hoàng Trung Hải cho biết thêm, quản lý đô thị và môi trường là thách thức lớn đối với thành phố. Hiện nay, TP đang đầu tư cải tạo 17 hồ nước và tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sông Tô Lịch tại Yên Xá (huyện Thanh Trì)… Để thời gian tới Hà Nội nâng tỷ lệ xử lý nước thải từ 22% lên 40-50%. Ngoài ra, TP còn phải tập trung đầu tư gấp các dự án chống ngập, đặc biệt là các tuyến như Hà Đông, Thanh Xuân và khu vực Nhuệ - Đáy.
“Đây là những vấn đề tồn tại, bất cập từ quy hoạch, cho nên chúng ta phải đầu tư để tháo gỡ”, ông Hoàng Trung Hải yêu cầu.
Bí thư Hà Nội cũng cho biết thêm: ô nhiễm không khí ở Hà Nội là vấn đề lớn nhất, trong đó ô nhiễm từ benzen (khi thải từ động cơ ô tô, xe máy) chiếm tới 70% lượng bụi của thành phố; ô nhiễm công nghiệp, xây dựng chiếm 30% ô nhiễm không khí.
Theo Bí thư Hà Nội, ngoài việc vệ sinh môi trường, đầu tư máy hút bụi, nhiệm vụ cần phải thực hiện là đầu tư cơ sở hạ tầng để tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân.
Trước đó, sáng 5/10, cơ quan môi trường Mỹ ghi nhận, tại Hà Nội có nơi chỉ số ô nhiễm cao thứ nhì thế giới. Số liệu này được ghi nhận bởi một hệ thống máy theo dõi đặt tại tòa Đại sứ quán Mỹ ở số 7 Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội). Số liệu sau đó được tổng hợp và công bố bởi Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ.
Trong bảng xếp hạng chỉ số ô nhiễm không khí, ở mức ô nhiễm ở Hà Nội có nơi đo được là 245.
Với chỉ số này, Hà Nội đang là thành phố ô nhiễm thứ nhì thế giới. Chỉ số ô nhiễm của Hà Nội chỉ thấp hơn thành phố Ardhali Bazar của Ấn Độ (471) và cao hơn rất nhiều so với những thành phố còn lại có số liệu được thống kê...
Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu phải hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, cũng như giữ vững trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị và phải phối hợp với Bộ Công an giải quyết những vụ việc có khiếu nại, tố cáo.
Liên quan đến vụ xô xát giữa phóng viên Quang Thế (Báo Tuổi Trẻ) và Công an huyện Đông Anh, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu cơ quan chức năng thành phố phải phối hợp với Bộ Công an giải quyết việc khiếu nại quyết định xử phạt hành chính của quận Tây Hồ đối với phóng viên Báo Tuổi Trẻ.
Thành phố phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý dứt điểm vấn đề này, tạo sự ổn định và lòng tin cho dư luận.