Bí thư Thành uỷ TP.HCM chỉ ra 4 bài học, 3 phương châm chống Covid-19

Bí thư Thành uỷ TP.HCM chỉ ra 4 bài học, 3 phương châm chống Covid-19

VOV.VN - Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay đang có 3 nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn hiện hữu.

Tại buổi họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 của TP.HCM diễn ra tối nay (24/4), Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra 4 bài học từ công tác phòng chống dịch Covid-19. Từ đó rút ra 3 phương châm phòng chống dịch trong tình mới.

vov_hcm_iqcu.jpg
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, kết quả công tác phòng chống dịch của Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng là hết sức đáng trân trọng khi đã phòng dịch tốt, giảm nguy cơ từ bên trong thấp nhất có thể. TP. HCM có 54 ca mắc và đến nay chỉ còn 1 bệnh nhân đang điều trị. Từ thực tế thời gian qua có thể rút ra 4 bài học.

Trước hết là phòng bệnh trước chữa bệnh, chữa bệnh thì phải hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp, phù hợp điều kiện của Việt Nam. Thứ hai là phòng dịch phải dựa trên quy luật sinh học, cắt đường lây nhiễm người qua người bằng cách: đeo khẩu trang, rửa tay, khoanh vùng triệt để những điểm nguy cơ lây lan, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách. Thứ ba là thực hiện việc tuyên truyền vận động, phát huy sức mạnh hệ thống chính trị. Và cuối cùng là lãnh đạo thành phố phải bám sát thực tiễn, có chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay đang có 3 nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn hiện hữu. Đó là hiện tượng số người dương tính trở lại sau khi chữa khỏi ở một số nước nên thành phố phải tiếp tục theo dõi các trường hợp đã khỏi bệnh. 

Sắp tới, TP.HCM sẽ tiếp tục đón một lượng lớn người Việt Nam ở nước ngoài trở về mà trước mắt là 300 người Việt từ Mỹ vào ngày 27/4 tới. Hai ca nhiễm Covid-19 mới nhất là du học sinh trở về từ Nhật Bản là minh chứng cho thấy, thành phố cần phải chủ động lên phương án cách ly tập trung tất cả các trường hợp này ngay từ sân bay. Phải dự kiến số chỗ trong thời gian dài bởi các điểm cách ly tập trung ở ký túc xá ĐHQG TP. HCM và các trường đại học khác phải trả lại để sinh viên đi học trở lại.

vov_ntp_nrkh.jpg
Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong.

Vì thế phương án đưa ra có thể là xây dựng các trung tâm dã chiến, chú ý đến yếu tố TP. HCM sắp bước vào mùa mưa. Nguy cơ nữa là sắp tới chúng ta mở cửa trở lại, sẽ có một lượng lớn người nước ngoài là các chuyên gia, kỹ sư, khách du lịch đến thành phố. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dù Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng những nước xung quanh tình hình vẫn rất phức tạp nên cần phải chuẩn bị chu đáo.

Trên cơ sở đánh giá tình hình và phân tích nguy cơ, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đưa ra 3 phương châm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19: “Qua bài học thực hiện, sắp tới chúng tôi thấy có 3 phương châm, thứ nhất là ngăn chặn phát hiện kịp thời triệt để nguồn lây từ nước ngoài vào; thứ hai là phát hiện cách ly kịp thời triệt để lây nhiễm ở bên trong, tức là trong nước và trong thành phố; thứ ba mỗi người dân phải tự phòng dịch cho mình, cho cơ quan, tổ chức và cho cộng đồng dân cư”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết hiện nay thành phố chỉ còn 1 bệnh nhân; thành phố đã có 24 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới là tiền đề để công bố hết dịch. Thành phố đang tập trung nguồn lực để chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các địa phương, sở ngành nêu cao vai trò người đứng đầu, luôn trong tư thế sẵn sàng, không chủ quan lơi lỏng, kiên định 6 nguyên tắc phòng chống, phương châm 5 tại chỗ.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, TP.HCM đã ban hành các chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hiện đang triển khai quá chậm nên cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cần xây dựng các kịch bản phát triển của thành phố trong thời gian tới.

"Đặc biệt, TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá rủi ro trong doanh nghiệp và mới đây đã ban hành 5 bộ tiêu chí an toàn trong các lĩnh vực. Vì thế các sở, ngành, quận huyện có liên quan cần triển khai thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là khâu hậu kiểm: Có thể nói việc Thực hiện Bộ chỉ số an toàn chính là triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kép. Một mặt ngăn chặn phòng chống dịch nhưng vừa đảm bảo các đơn vị kinhh doanh tuân thủ quy định, vẫn kinh doanh được và đóng góp cho nền kinh tế”, ông Nguyễn Thành Phong nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên