"Biển của chúng ta thì chúng ta cứ đánh bắt"

VOV.VN -Để ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị thường xuyên hỗ trợ ngư dân bám biển.

Vùng biển đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị là một trong những ngư trường có trữ lượng lớn với nhiều loài hải sản giá trị. Đây là ngư trường truyền thống của ngư dân khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Định. Trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị tăng cường đảm bảo an toàn cho ngư dân ra khơi bám biển. 
  

Trang bị tàu vỏ thép để ngư dân bám biển (Ảnh: KT)
Những ngày này, cán bộ nhân viên Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị thường xuyên có mặt tại ngư trường Cồn Cỏ vừa làm công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, vừa hướng dẫn ngư dân tham gia đánh bắt an toàn trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tàu của ông Vũ Đình Kham ở tỉnh Nghệ An sau chuyến biển về neo đậu tại âu tàu đảo Cồn Cỏ cho biết: tàu của ông đã khai thác ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ hơn 10 năm nay. Trong quá trình bám biển, ngư dân Nghệ An cùng với ngư dân các tỉnh miền Trung luôn đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Ông Kham tâm sự: “Chúng tôi vừa thường xuyên cập nhật tình hình trên Biển Đông vừa kiên trì bám biển để khai thác. Biển của chúng ta thì chúng ta cứ đánh bắt. Trong quá trình đánh bắt, anh em chúng tôi được lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển tạo điều kiện giúp đỡ trên biển”.

Hàng ngày tại ngư trường đảo Cồn Cỏ thường có hơn 200 tàu thuyền đánh bắt hải sản dài ngày. Hầu hết các tàu cá này đến từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình và Quảng Ngãi. Riêng ngư dân Quảng Trị thường xuyên có trên 100 tàu thuyền. Ngư dân ra đây tập trung khai thác mực, cá duội, cá cơm... Để ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị thường xuyên hỗ trợ ngư dân bám biển.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn ngư dân tiếp tục sắm ngư cụ, trang thiết bị hiện đại, vươn khơi tham gia khai thác ở những vùng biển xa. Chúng tôi cũng tăng cường cơ sở hạ tầng, thông tin, tuyên truyền để người dân yên tâm sản xuất và khai thác lâu dài cũng như bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển của Tổ quốc”./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên