Biển Cửa Đại sạt lở do suy giảm lượng bùn cát từ thượng lưu

VOV.VN - Xây dựng nhiều công trình thủy điện đầu nguồn cùng với tình trạng khai thác cát ồ ạt trên sông Thu Bồn là nguyên nhân gây thiếu hụt bùn cát

Hàng chục năm qua, bình quân mỗi năm biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam bị xâm thực sâu vào đất liền từ 10-15 m, gây thiệt hại lớn về tài sản, đất đai, các nhà hàng, khách sạn và nhiều công trình dân sinh. Để tìm giải pháp cứu nguy bờ biển Cửa Đại, hôm qua (25/5), Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Đại sứ phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải  pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững”.

Biển Cửa Đại bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học nguyên nhân chính dẫn đến xói lở bờ biển Cửa Đại là do thiếu hụt lượng bùn cát từ thượng lưu đổ về.

Việc xây dựng nhiều công trình thủy điện đầu nguồn cùng với tình trạng khai thác cát ồ ạt trên sông Thu Bồn là một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt bùn cát. GS-TS Khoa học Nguyễn Kim Đan, Chủ nhiệm Dự án “Nghiên cứu quá trình xói lở bờ biển Hội An” nêu thực tế đáng báo động hiện nay là lượng bùn cát bị giữ lại đập thủy điện hơn một nửa.

Việc xây dựng quá nhiều các resort khu vực bãi biển gây cản trở trao đổi cát giữa khu vực bãi và biển. Việc xây dựng các cây cầu ngang sông Thu Bồn cũng phần nào gây cản trở dòng chảy. “Chúng tôi đã tính sóng trong vòng 9 năm thì thấy rằng, tần suất xuất hiện sóng cao nhiều hơn trước rất nhiều, hướng sóng thì thẳng góc với bờ biển. Đó là điều rất đáng ngại”, GS-TS Nguyễn Kim Đan nói.

Nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững trên cơ sở thu thập dữ liệu, đo đạc và quan trắc địa hình, sóng, dòng chảy, lượng bùn cát, tính toán sóng và dòng chảy ven bờ. Đồng thời đưa ra một số giải pháp bảo vệ khẩn cấp như: cấm mọi hình thức khai thác cát ven sông Thu Bồn và khu vực Cửa Đại; nuôi bãi kết hợp xây dựng đê ngầm dài gần 7 km dọc theo bờ biển; tăng lưu lượng trầm tích từ cửa sông Thu Bồn đến bờ biển phía Bắc; nạo vét luồng rộng 200m và chiều sâu 8m, dọc theo bờ trái cửa sông.

PGS-TS Nguyễn Trung Việt, Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy Lợi miền Trung đề xuất: “Hiện nay chúng ta chưa có 1 cơ chế nào để yêu cầu anh được khai thác nguồn lợi này thì anh phải bổ sung nguồn lợi khác, phục vụ cho việc bổ sung lượng bùn cát ở phía hạ lưu. Ở các nước phát triển có chính sách yêu cầu các doanh nghiệp, các cơ quan, địa phương quản lý về sông, quản lý về biển, quản lý về tài nguyên khoáng sản ngồi lại với nhau để bàn cách khai thác nguồn lợi tốt nhất”.

Hiện nay, Chính phủ Pháp hỗ trợ tỉnh Quảng Nam triển khai Dự án “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững”.

Dự án triển khai từ tháng 7 năm 2016 đến nay, với kinh phí hỗ trợ 300.000 Euro (tương đương 7,4 tỉ đồng), tỉnh Quảng Nam đối ứng 5 tỉ đồng. 

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, qua gần 1 năm thực hiện Dự án, cùng với các giải pháp dùng túi địa kỹ thuật và đê phá sóng phía bên ngoài, kết hợp với bơm cát tạo bãi cũng như đóng thử nghiệm đóng mỏ hàn và cừ larssen khu vực phía Bắc bờ biển Cửa Đại phần nào hạn chế sạt lở bờ biển, bước đầu tái tạo bãi tắm Cửa Đại:

Ông Hùng nói: “Việc thực hiện Dự án nghiên cứu tổng thể tìm nguyên nhân và giải pháp chống sạt lở bờ biển Hội An mà hiện tại chuẩn bị kết thúc Dự án nghiên cứu thì mong mỏi tìm ra được một cách chính xác nguyên nhân, cơ chế gây sạt lở và các giải pháp khuyến nghị của các nhà khoa học để đưa ra giải pháp một cách đúng nhất, bền vững nhất, bảo vệ bờ biển Hội An với 2 yêu cầu cốt lõi nhất là: biển không lở nữa và tái tạo trở lại bờ biển Cửa Đại”.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, để giữ lại bờ biển miền Trung, trong đó có Cửa Đại là rất khó. Bởi lượng cát khu vực bãi biển thì thiếu hụt nghiêm trọng như vậy nhưng các địa phương vẫn ồ ạt khai thác cát cho xây dựng.

Ông Hoàng Văn Thắng đề nghị chỉ cho phép khai thác cát ở những khu vực bị bồi lắng, tàu thuyền không ra vào được. Đồng thời đề nghị ngành xây dựng nghiên cứu sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên, nghiên cứu các phương án khai thác cát lắng đọng trong lòng hồ thủy điện, không sử dụng cát để san lấp nền như đã từng xảy ra ở khu vực Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ông Hoàng Văn Thắng đề nghị: “Vấn đề chúng ta phải chuyển nền kinh tế sang hướng phát triển ít sử dụng tài nguyên thiên nhiên, cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động thì mới sử dụng. Chúng ta phải bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và diện tích che phủ của rừng cũng như quản lý tốt việc khai thác cát, bảo vệ những vùng ngập mặn, những vùng đất ngập nước; tăng cường gắn với đổi mới phát triển, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng chứ không dựa quá mức vào đất đai, tài nguyên thiên nhiên”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hình ảnh: Biển Cửa Đại gồng mình trước cuồng phong
Hình ảnh: Biển Cửa Đại gồng mình trước cuồng phong

VOV.VN -Những đợt cuồng phong ở Cửa Đại đã khiến sau mỗi đêm, những cột sóng cao từ 2 đến 3 mét liên tục đánh vào bờ, lấy đi từ 3 đến 4 mét đất.

Hình ảnh: Biển Cửa Đại gồng mình trước cuồng phong

Hình ảnh: Biển Cửa Đại gồng mình trước cuồng phong

VOV.VN -Những đợt cuồng phong ở Cửa Đại đã khiến sau mỗi đêm, những cột sóng cao từ 2 đến 3 mét liên tục đánh vào bờ, lấy đi từ 3 đến 4 mét đất.

Quảng Nam: Cấp bách cứu bãi biển Cửa Đại
Quảng Nam: Cấp bách cứu bãi biển Cửa Đại

VOV.VN - Dù đã được đầu tư chống sạt lở bằng phương án kè mềm dọc bãi biển Cửa Đại, tình trạng xâm thực mạnh bờ biển vẫn tiếp tục xảy ra.

Quảng Nam: Cấp bách cứu bãi biển Cửa Đại

Quảng Nam: Cấp bách cứu bãi biển Cửa Đại

VOV.VN - Dù đã được đầu tư chống sạt lở bằng phương án kè mềm dọc bãi biển Cửa Đại, tình trạng xâm thực mạnh bờ biển vẫn tiếp tục xảy ra.

PTT Nguyễn Xuân Phúc thị sát bờ biển Cửa Đại đang bị sạt lở
PTT Nguyễn Xuân Phúc thị sát bờ biển Cửa Đại đang bị sạt lở

VOV.VN - Về tình hình sạt lở tại bờ biển Cửa Đại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là một trong những hiện tượng cụ thể nhất chịu sự tác động của biến đổi khí hậu. 

PTT Nguyễn Xuân Phúc thị sát bờ biển Cửa Đại đang bị sạt lở

PTT Nguyễn Xuân Phúc thị sát bờ biển Cửa Đại đang bị sạt lở

VOV.VN - Về tình hình sạt lở tại bờ biển Cửa Đại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là một trong những hiện tượng cụ thể nhất chịu sự tác động của biến đổi khí hậu.