Biển xâm thực đe dọa tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân Ninh Thuận
VOV.VN - Ninh Thuận có hơn 100km bờ biển. Thời gian qua, tại những vùng biển xung yếu trên địa bàn tái diễn tình trạng sạt lở, biển xâm thực gây hư hỏng nhiều nhà dân và công trình. Khi mùa mưa bão về, người dân sinh sống khu vực bị ảnh hưởng lại bất an.
Bất an khi vào mùa mưa bão
Nhiều bà con ở thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận phản ánh, mỗi khi mưa bão về, nước dâng lên tới nhà, sóng vỗ ầm ầm, người dân phải lên đồn biên phòng hay trạm y tế, trường học để trú ẩn, khi nước xuống lại quay về dọn dẹp nhà cửa.
Bà Trần Thị Hiền, trú thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cho biết, gần 20 năm sinh sống ở đây, bà chứng kiến biết bao nhiêu lần triều cường dâng cao, sóng lớn đánh nước tràn vào nhà, gây hư hỏng và cuốn trôi khu vệ sinh và nhà bếp. Những ngày qua, sóng mạnh trở lại đã đánh nước tràn vào phòng ngủ, nên gia đình phải sơ tán đi ở nhờ nơi khác.
“Có đợt sóng đánh cát vào nhà, thúng lưới trôi mất hết, người dân rất khổ. Nhưng vì cuộc sống nên cứ bám trụ ở đây, chứ di dời đi chỗ khác biết làm gì ăn, do mình phụ thuộc vào biển. Khi bão vào mình lo đi trước bão, khi về thấy hoang tàn. Làm được một ít, sóng vào cuốn đi hết, lại phải làm lại từ đầu”.
Ông Trương Văn Phụng, Bí thư kiêm Trưởng thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cho biết, sóng biển và triều cường kết hợp, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
“Khó khăn trong mùa mưa bão sắp tới, tháng 10, 11, 12. Nếu vào mùa bão thì di dời 120 hộ, còn ảnh hưởng trực tiếp là 72 hộ. Khi họp tiếp xúc cử tri, họp thôn, bà con nơi đây kiến nghị nên có cơ chế hay Nhà nước quan tâm xây dựng tuyến bờ kè để thuận tiện hơn trong mùa mưa bão”, ông Trương Văn Phụng nói.
Không chỉ tại khu vực dân cư thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná, tình trạng biển xâm thực cũng đã tác động đến khu dân cư khu phố Ninh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải.
Anh Trịnh Đình Hòa, trú khu phố Ninh Chữ 1 cho biết, trước đây gia đình anh cách mép biển hơn 15m, nên ít bị tác động ảnh hưởng của sóng biển. Tuy nhiên những năm gần đây, do tình trạng xâm thực, biển đã lấn sâu vào sát vị trí nhà ở. Mặc dù gia đình đã chủ động gia cố bằng bao cát, đá hộc, xây dựng tường chống sạt lở nhưng chỉ mang tính tạm thời và không bền vững.
"Mùa mưa bão, sóng to gió lớn đập vô nhà, cát tràn vào nhà luôn. Cuộc sống ven biển ở đây kinh tế rất ổn định. Mong Nhà nước xây cho bờ kè để dân ở yên tâm, làm ăn thuận lợi", anh Hòa nói.
Cần lắm tuyến kè bảo vệ
Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Ninh Thuận, khu vực bờ biển xã Cà Ná, huyện Thuận Nam dưới tác động của sóng biển và triều cường kết hợp khiến bờ biển tại khu vực này bị xâm thực sâu vào đất liền từ 10-20m, làm sụp đổ các căn nhà ven biển, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của địa phương… ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản, tính mạng của hơn 550 hộ dân với 2.000 nhân khẩu và có nguy cơ ngày càng xâm lấn sâu thêm, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định đời sống của khu dân cư ven biển, kinh tế - xã hội của địa phương.
Còn tại khu vực Ninh Chữ 1, huyện Ninh Hải, hiện tượng sóng biển dâng cao, nước biển xâm thực vào đất liền đã làm cho khu vực này sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền từ 10-20m. Đặc biệt, có thời điểm nước biển dâng cao 4-5m làm sụp đổ 10 nhà dân và 1 trại giống ven biển, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của địa phương... đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân.
Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, trước tình hình trên, việc khẩn trương đầu tư xây dựng tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Cà Ná, huyện Thuận Nam và khu vực Ninh Chữ 1, huyện Ninh Hải là giải pháp cấp bách.
“Mùa này bắt đầu vào mùa bão lũ, mùa gió, sóng lớn, triều cường. Giải pháp trước mắt là đi vận động tuyên truyền cho người dân để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, vào mùa này nên di dời đến những nơi an toàn để ở”, bà Trương Thị Thanh Vân cho biết.
Về lâu dài cần đầu tư xây dựng tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Cà Ná và kè chống sạt lở tại khu phố Ninh Chữ. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, dự kiến kinh phí khoảng 220 tỷ đồng để xây dựng hai kè trên. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ngân sách tỉnh Ninh Thuận đang còn nhiều hạn chế, khó cân đối để kịp thời thực hiện đầu tư, vì vậy, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ để thực hiện các dự án trên nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.