Bình Dương giải thích lí do trễ hẹn cấp phép cho lao động nước ngoài

VOV.VN - Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đề nghị các đơn vị liên quan rà soát, bổ sung nhân sự để tháo gỡ “điểm nghẽn” tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương phản ánh việc bị trễ hẹn cấp mới, cấp lại giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đề nghị các đơn vị liên quan rà soát, bổ sung nhân sự để tháo gỡ “điểm nghẽn” tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Cán bộ nhân sự nhiều doanh nghiệp phản ánh, nếu như trước đây việc cấp mới, cấp lại giấy phép lao động cho chuyên gia người nước ngoài được Bình Dương thực hiện rất nhanh thì hiện nay lại bị nghẽn. Việc quá hạn giấy phép lao động sẽ khó gia hạn visa khiến cho lao động người nước ngoài bị xử phạt, từ đó để lại một dấu ấn không tốt trong hồ sơ xuất, nhập cảnh.

Cũng vì lẽ đó, cán bộ nhân sự các công ty liên tục gọi điện, hoặc đến bộ phận một cửa của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương hỏi thăm nhưng chỉ nhận được câu trả lời "Hồ sơ chưa giải quyết xong". Thế nhưng điều đáng nói là trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Bình Dương thông báo hồ sơ đã giải quyết xong và trả về trung tâm hành chính công. Doanh nghiệp mong muốn địa phương sớm giải quyết để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cũng như tâm lí của các chuyên gia.

Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thừa nhận, có việc chậm trong cấp mới, cấp lại giấy phép lao động cho lao động nước ngoài, nguyên nhân do thiếu hụt về nhân sự ở phòng Chính sách lao động. Hiện tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ so với tổng hồ sơ tiếp nhận là 13,6%.

Vấn đề này, Sở đã báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh và đề xuất điều động cán bộ thuộc sở, tăng cường làm việc ngoài giờ để thực hiện nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, cấp phép cho lao động nước ngoài; đồng thời đề nghị bổ sung thêm công chức.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất với đề xuất của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; đồng thời đề nghị sở phối hợp với Sở Tài chính tham mưu chế độ chính sách làm thêm giờ bảo đảm quyền lợi và động viên khuyến khích cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu việc điều động, bổ sung công chức cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Về lâu dài, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu thành lập các tổ thẩm định liên ngành, tổ thẩm định thường xuyên để việc thẩm định hồ sơ cấp giấy phép lao động nước ngoài bảo đảm khách quan, đúng quy định pháp luật và tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên