Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú ngay có thể gây xáo trộn đời sống người dân
VOV.VN - Việc bỏ đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc TW theo dự thảo Luật Cư trú có thể khiến số lượng đăng ký thường trú vào TP.HCM tăng đột biến.
Chiều 22/7, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND TP.HCM về tình hình thực hiện dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, TP có diện tích khoảng 2.096 km2, gồm 19 quận, 5 huyện với 259 phường và 5 thị trấn, 58 xã. Tổng dân số của TP hiện nay hơn 9 triệu người. Hàng ngày có trên 500.000 người đến lưu trú, số người nước ngoài đang thường trú và tạm trú tại địa bàn khoảng hơn 195.000 người. Số lượng dân cư đông khiến cơ sở hạ tầng TP.HCM quá tải trong nhiều lĩnh vực như: giao thông, đô thị, y tế, giáo dục…
Bên cạnh đó, yêu cầu bắt buộc phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đang gây khó khăn, phiền hà cho công dân khi thực hiện nhiều thủ tục hành chính. Hiện, TP.HCM có trên 1 triệu hộ với khoảng 3,6 triệu nhân khẩu tạm trú, nhiều người trong số đó có nhu cầu đăng ký thường trú. Do đó, TP.HCM đồng ý với việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Những điều kiện này theo quy định hiện hành gồm: Người dân muốn đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thì từ hai năm trở lên…. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn chưa đề xuất giải pháp thay thế.
Tại buổi làm việc, một số thành viên của Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị TP.HCM làm rõ vấn đề đổi mới phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân sẽ có tác động như thế nào đối với thành phố?
Cơ sở hạ tầng TP.HCM vốn dĩ quá tải, nếu bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương theo dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) thì không chỉ số công dân tạm trú tại TP mà công dân từ các tỉnh thành khác cũng có nhu cầu đăng ký thường trú. Việc này có thể khiến số lượng đăng ký thường trú vào TP.HCM tăng đột biến, làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội. Đồng thời ảnh hưởng đến số lượng dân cư và thành phần lao động của các tỉnh thành khác. Đó là điều mâu thuẫn, trái với mong muốn của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, đối với việc quản lý dân cư, cư trú bằng số định danh cá nhân thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, TP.HCM nên thực hiện theo từng bước và có lộ trình nhằm tránh mâu thuẫn và bất cập trong việc đầu tư phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật, xã hội. Hiện, TP.HCM vẫn chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý dân cư và cư trú, nếu bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú ngay có thể gây xáo trộn rất lớn đến đời sống người dân. Vì khi bị xóa sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, công dân không thể thực hiện các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch dân sự khác.
Do đó, TP.HCM cần thảo luận kỹ, ở giai đoạn đầu có thể tồn tại song song hai phương thức quản lý, tránh việc quyết định bãi bỏ phương thức quản lý cư trú truyền thống, đến khi Luật cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thì lại không thể thực thi do chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực và cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ./.