“Bộ Y tế ban hành văn bản trái ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng”
VOV.VN - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ cụ thể trường hợp ban hành văn bản trái ý kiến kết luận và nhấn mạnh đừng coi đây là việc nhỏ vì gây khó cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Y tế, sáng 20/9, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ – Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là chúng ta quản lý tốt, đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo sức khỏe người dân nhưng cũng phải tạo điều kiện thông thoáng, cho kinh tế đất nước phát triển, tháo gỡ khó khăn cho người dân, tạo thuận lợi trong sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, chống lợi ích nhóm, chống co kéo lợi ích cục bộ, đặc biệt rất lưu ý trong vấn đề bỏ các rào cản, giấy phép con.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Tổ trưởng Tổ Công tác đánh giá công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, kiểm tra chuyên ngành nói chung và của Bộ Y tế nói riêng còn bất cập, như tình trạng kiểm tra còn chồng chéo, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện rất nhỏ…
Dẫn số liệu tổng hợp năm 2016, các doanh nghiệp phải tốn 30 triệu ngày công cho kiểm tra chuyên ngành với chi phí 14.300 tỷ đồng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Nếu chúng ta làm tốt cái này thì tạo điều kiện giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có dự phiên họp Chính phủ tháng 8, Thủ tướng đã nói năm 2017 là năm giảm chi phí chính thức và phi chính thức phục vụ cho tăng trưởng”.
“Bộ Y tế cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương làm cho doanh nghiệp phải tốn 28,793 triệu ngày công trong tổng số 30 triệu ngày, tốn 12.208 tỷ đồng trong tổng số 14.300 tỷ đồng. Hôm nay nói việc này để công khai, và xem xét kỹ như vậy có cần thiết không?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thẳng thắn đề cập việc Bộ Y tế ban hành văn bản hành chính không đúng ý kiến chỉ đạo. Cụ thể, sau nhiều cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng muối iot trong chế biến thực phẩm mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất muối phải bổ sung iot. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã thừa lệnh Bộ trưởng Y tế ký một công văn hoàn toàn trái ý kiến kết luận.
“Chúng tôi nêu lên để xem đánh giá, bình luận thế nào. Đôi khi chúng ta rất coi nhẹ việc này, tạo ra trói buộc, tạo giấy phép con mà không hình dung đã tạo ra bao nhiêu kìm hãm cho phát triển”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, trước buổi làm việc đã làm việc với các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp… với tinh thần “phải nghe hai tai”, bảo đảm khách quan.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những vấn đề Tổ công tác đặt ra là những vấn đề Bộ đang trăn trở, quyết tâm điều chỉnh trên cơ sở công khai, minh bạch, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các lãnh đạo Bộ, các đơn vị giải trình cụ thể các vấn đề Tổ công tác nêu để bảo đảm khách quan, đa chiều./.