Bộ Y tế sẽ không để dân tự ý mua thuốc kháng sinh
VOV.VN - GS. TS Nguyễn Viết Tiến: Sử dụng thuốc một cách bừa bãi vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chính bản thân mình và cả cộng đồng.
Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo về tác hại với sức khỏe và gánh nặng về kinh tế do kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đang ngày càng trầm trọng. Ở các nước, phải có đơn của bác sĩ và rất vất vả mới mua được thuốc. Trong khi ở Việt Nam, mua thuốc kháng sinh dễ như mua rau, chỉ cần ra hiệu thuốc nói về triệu chứng bệnh là có thể mua được.
Việt Nam hiện là một trong những nước mua, bán kháng sinh dễ dàng nhất mà không cần đơn của bác sĩ. Kháng thuốc kháng sinh không chỉ nguy hiểm đến sức khỏe mà con tổn hại về kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, người dân vẫn còn thờ ơ hoặc chưa hiểu nhiều về vấn đề này.
Báo động tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam
Trình bày báo cáo tại Hội nghị sơ kết giai đoạn I thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, TS Nguyễn Anh Tuấn, Cục kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, toàn cầu tiêu thụ 100.000 đến 200.000 tấn kháng sinh/năm; ở Mỹ 17.000 và châu Âu 12.000/năm. Trong khi đó, ở Việt Nam sử dụng trong thú y là 60% và người là 40% và thủy sản 1%.
Phân tích kỹ về điều này, TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Tình trạng sử dụng kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động. 75% lượng thuốc kháng sinh tại Việt Nam được dùng trong nông nghiệp (thế giới 60%). Một ví dụ rất cụ thể là ở Việt Nam sử dụng từ 700g đến 3,3kg kháng sinh/tấn cá, cao hơn thế giới 33 lần. Thuốc kháng sinh ở Việt Nam được sử dụng liên tục, không theo hướng dẫn, sử dụng chất cấm và chất khuyến cáo không nên sử dụng.
Kháng sinh là một nhóm thuốc đặc biệt vì việc sử dụng chúng không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Với những nước đang phát triển như ở Việt Nam, đây là một nhóm thuốc quan trọng vì bệnh ký nhiễm khuẩn nằm trong số những bệnh đứng hàng đầu cả về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong.
Sử dụng kháng sinh vừa bãi rất nguy hiểm
Về vấn đề này, GS TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế: Sử dụng thuốc một cách bừa bãi vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân mình mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng.
GS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế |
“Nếu như chính bản thân sử dụng thuốc kháng sinh không đúng tiêu chuẩn và chỉ định, sau này bị bệnh sử dụng các loại kháng sinh cũng rất khó khăn. Hơn nữa, chúng còn tạo ra những loại vi khuẩn kháng thuốc và những vi khuẩn ấy có thể lây lan sang những người khác sẽ gây nguy hại rất lớn cho cộng đồng. Chúng tôi mong muốn tất cả các ngành, các cấp vào cuộc để người dân hiểu rằng, vấn đề kháng thuốc vô cùng quan trọng cho toàn thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Khi chúng ta ý thức được hiện tượng kháng thuốc nguy hiểm như thế nào, mới có thể giảm được gánh nặng nề đối với xã hội”.
GS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, rất khó để nói ra một con số chính xác về tỷ lệ phần trăm bác sĩ kê đơn sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân. Khó ở chỗ, bây giờ dùng thuốc kháng sinh chủ yếu là dựa theo triệu chứng lâm sàng. Chẳng hạn như, viêm nhiễm đường hô hấp trên, người ta kê đơn thuốc kháng sinh tác dụng mạnh như trực khuẩn gram âm hay dương. Nếu như để chính xác việc sử dụng kháng sinh phải sử dụng kháng sinh đồ. Nhưng không phải trường hợp nào cũng phải làm kháng sinh đồ. Nếu muốn làm được kháng sinh đồ, phải nuôi cấy được loại vi khuẩn đó và không phải trường hợp nào cũng nuôi cấy được.
Thế giới cũng khó làm được và chỉ làm được trong những trường hợp điều trị đã biết do nhiễm khuẩn và sử dụng kháng sinh không đỡ thì họ mới phân lập vi khuẩn để xem là vi khuẩn gì, làm kháng sinh đồ, lựa chọn kháng sinh cho phù hợp. Thông thường, người ta chỉ làm đối với những trường hợp bệnh nhân nặng.
GS Tiến khẳng định, nói chung việc kê đơn tương đối chuẩn. Vì khi bác sĩ cầm bút để kê đơn phải biết về nó rất cụ thể. Nếu không biết thì họ sẽ không kê đơn. Điều quan trọng là việc người dân bị bệnh đến bác sĩ và kê đơn là tốt lắm rồi.
Bệnh nhân đến các bác sĩ khác nhau và có những đơn thuốc khác nhau tùy theo mức độ nặng nhẹ. Đây là chuyện bình thường. Do đó, bác sĩ sẽ phải nghiên cứu để kê đơn cho chuẩn. Bản thân ông cũng gặp nhiều bệnh nhân như vậy. Thuốc phải có thời gian mới có tác dụng.
GS Tiến cho biết, ông đã từng gặp một số bệnh nhân dùng thuốc được vài ngày đã sốt ruột đã lo lắng là tình trạng chưa đỡ. Nếu mình nhìn thấy đơn thuốc phù hợp nên khuyên người ta tiếp tục.
Là người rất nhiều năm trong ngành y, GS Tiến khuyến cáo, tất cả các kháng sinh đều có tác dụng phụ. Vì vậy, người dân không tự ý sử dụng nó mà cần có sự tư vấn của bác sĩ
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sắp tới giao Cục Quản lý Dược triển khai đề án mua và bán thuốc theo đơn. Cụ thể, áp tiêu chí bán thuốc theo đơn để đánh giá Nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, lắp hệ thống camera tại các nhà thuốc để giám sát.
“Trước mắt chúng tôi sẽ chỉ đạo thí điểm một số nơi, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM”, Bộ trưởng Tiến nói.
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ không còn tình trạng bán kháng sinh không cần đơn, đồng nghĩa người dân không thể tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh./.