BOT giao thông ở ĐBSCL khiến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao
VOV.VN - Khi các trạm thu phí mọc lên sẽ khiến cho hàng hóa nông sản "cõng” thêm chi phí vận chuyển, phải thận trọng khi làm các dự án BOT giao thông ở đây.
Những ngày qua, Thanh tra Chính phủ, Kiểm Toán Nhà nước đã công bố hàng loạt các sai phạm liên quan đến các dự án BOT giao thông của cả nước. Nhiều người dân ở ĐBSCL cùng có chung một mong muốn là cần làm rõ các sai phạm này để tránh việc lạm thu. Nếu có các nhóm lợi ích thì phải xử lý rốt ráo vì khi các trạm thu phí mọc lên sẽ vô tình khiến cho hàng hóa nông sản bà con làm ra đội thêm giá thàn, bà con phải "cõng” thêm chi phí vận chuyển cho nhà đầu tư. Do vậy cần thận trọng khi làm các dự án BOT giao thông đối với vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước này.
ĐBSCL hiện là địa bàn chính sản xuất nông nghiệp của cả nước. Hàng năm vùng không chỉ chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu mà còn chiếm sản lượng hơn 70% thủy sản, 60 % trái cây của cả nước. Vùng được coi là nơi đảm bảo cho an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì nông nghiệp trong đó có nông nghiệp ĐBSCL luôn là trụ đỡ cho nền kinh tế.
Dự án BOT ở ĐBSCL còn nhiều bất cập. |
Để hỗ trợ cho nông nghiệp, thủy sản của vùng phát triển, nhiều năm qua, Nhà nước đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này. Đó là thủy lợi, điện, đường, cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến vv…Đặc biệt khi lúa và một số nông sản hàng hóa vào vụ thu hoạch, mất giá, Chính phủ có chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân. Mục tiêu để nông dân luôn có lãi 30% khi sản xuất. Điều này khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện quyết tâm tạo điều kiện tối đa để giúp nông hộ trong vùng phát triển sản xuất, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, cũng như nhiểu vùng miền khác trong cả nước, ở ĐBSCL hiện có nhiều trạm thu phí BOT đang mọc lên theo thế "bủa vây”, “giăng mắc” trên nhiều cung đường. Toàn vùng hiện có khoảng 7 trạm thu phí, trong đó Cai Lậy đang trở thành điểm nóng trong những ngày qua.
Theo tính toán của một chủ doanh nghiệp chuyên vận tải Container phân bón và hàng hóa, nếu đi từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh qua 3 trạm Cai Lậy, Trung Lương, An Sương xe trọng tải 4 - 10 tấn, phí mất 188.000 đồng. Xe trọng tải 15 tấn đi qua 2 trạm ở Cái Răng (Cần Thơ) - Sóc Trăng chưa đầy 120 km, mất 420.000 đồng phí đi về. Do vậy để đảm bảo có lãi, các chủ phương tiện đều tính vào phí vận chuyển đối với khách hàng mà trực tiếp là nông hộ. Nếu như trước đây, 1 tấn hàng hóa vận chuyển từ Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh giá khoảng 220.000 đồng nay do có các trạm BOT, mức thu của các nhà xe là khoảng 250.000 đồng/tấn.
Hàng trăm ô tô đi qua tuyến đường bê tông thuộc xã Triệu Giang né trạm thu phí. |
Một thực tế nữa là, khi các trạm thu phí mọc lên dày đặc, khiến cho các chủ phương tiện phải tính toán “né trạm”, “thoát trạm”. Theo tính toán quãng đường vận chuyển từ Cần Thơ- Sóc Trăng- Cần Thơ, nhà xe phả chi trả hơn 400.000 đồng tiền phí, xấp xỉ bằng tiền mua xăng dầu. Do vậy để đảm bảo có lời, nhà xe sẽ tìm mọi cách chạy vào đường Nam sông Hậu; các tuyến tỉnh lộ, hương lộ để không bị thu phí. Quãng đường này tuy có dài, mất thêm thời gian nhưng chi phí xăng dầu chỉ tăng khoảng 10%.
Hậu quả là các tuyến đường này đang xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông nhiều vùng quê. Rõ ràng các trạm thu phí BOT ở ĐBSCL đang bộc lộ nhiều bất cập. Đó là tình trạng đường sá chưa đủ rộng, đủ thoáng, thậm chí là kém chất lượng; hay việc lập trạm quá dày trên các tuyến quốc lộ, các trạm đều không cách nhau 70 km theo quy định; việc đặt trạm ở một số nơi theo kiểu "đơm đó”, “lùa cá vào một giỏ”; khi lập trạm, đưa ra mức phí đều không tham vấn cộng đồng; chưa kể thông tin về các nhà đầu tư cũng rất “tù mù”, ít người được biết…Do vậy ở nhiều tuyến đường BOT hiện nay lái xe và người sử dụng đều tìm cách bất hợp tácvà kiến nghị lên nhiều cấp, nhiều ngành.
BOT Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang vừa đưa vào khai thác, thu phí nhưng bị người dân phản ứng gay gắt. |
Bởi sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của bà con nơi đây lâu nay mạnh là nhờ giá thành hạ, số lượng nhiều. Nay phí vận chuyển tăng, giá thành đội lên, người tiêu dùng cả nước sẽ lãnh đủ; nông sản của bà con trong vùng gặp bất lợi lớn khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Như vậy với việc gia tăng các tuyến đường BOT ở ĐBSCL nếu không được giám sát tốt, để nhà đầu tư thu theo kiểu” bắt chẹt”sẽ không làm lợi cho kinh tế vùng mà ngược lại đang làm suy yếu sức cạnh tranh của nông nghiệp trong vùng, tác động tiêu cực đến hàng triệu hộ dân. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành liên quan cần thận trọng khi làm BOT đối với giao thông ở ĐBSCL./.
Trạm thu phí Cai Lậy chưa xác định thời điểm hoạt động trở lại