Bước đầu bỏ sổ hộ khẩu giấy, “kẻ khóc người cười”
VOV.VN - Việc bỏ sổ hộ khẩu trong bối cảnh chưa thể liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin cư trú của công dân đang khiến bộ phận giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính gặp khó.
Sau gần một tuần áp dụng việc bỏ sổ hộ khẩu, người dân tại TP.HCM đồng tình ủng hộ chủ trương này, vì không phải xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện quy định này, cán bộ công chức ở bộ phận một cửa của nhiều địa phương tại TP.HCM than phiền vì phát sinh thêm “việc”.
Thuận tiện, nhanh chóng cho dân
Phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức là một trong những địa phương có dân số đông nhất nhì TP.HCM với khoảng 107.000 dân. Áp lực dân số khiến bộ phận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính (gọi tắt bộ phận một cửa) của phường lúc nào cũng đông người đến làm các thủ tục hành chính. Vì thế việc bỏ sổ hộ khẩu giấy theo Luật Cư trú 2020, khiến nhiều người dân vui mừng bởi sự thuận tiện, nhanh chóng trong quá trình làm thủ tục, không còn phải chờ đợi quá lâu như trước.
Chị Huỳnh Thị Hồng Đào làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân tại đây cho biết, sau khi bỏ hộ khẩu giấy chị thấy cán bộ phường giải quyết hồ sơ rất nhanh, chỉ khoảng 10 phút là xong. Bỏ sổ hộ khẩu giấy cũng bỏ đi các bước như sao y chứng thực để cán bộ lưu hồ sơ. Điều đó đã giảm bớt đi rất nhiều về tiền phí và thời gian.
Ở tuổi xế chiều vốn thường “nói trước quên sau”, ông Nguyễn Văn Thịnh (70 tuổi), ngụ phường Linh Đông, TP. Thủ Đức chia sẻ, việc bỏ sổ hộ khẩu trước hết giúp ông đỡ phải mang nhiều giấy tờ rườm rà, dễ gây thất lạc hoặc bị lẫn lộn khó tìm ra khi đi làm các thủ tục hành chính.
Bởi trước đây hầu hết làm thủ tục gì cũng cần đến sổ hộ khẩu, ngay cả tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng cần. Nay người dân có thể dùng một trong các loại giấy tờ như: Căn cước công dân, giấy thông báo số định danh cá nhân hoặc thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chứng minh thông tin cư trú thay vì sử dụng sổ hộ khẩu.
"Như năm vừa rồi tôi có sửa chữa nhà, có nhiều giấy tờ phải mang ra công chứng. Bình thường mỗi lần công chứng là buộc phải có sổ hộ khẩu và phải đi photo,… Nhưng bây giờ bỏ sổ hộ khẩu như vậy, rõ ràng thủ tục rất đơn giản", ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết.
Thêm phần việc cho cán bộ phường
Không thể phủ nhận việc bỏ sổ hộ khẩu giấy trong thực hiện thủ tục hành chính mang lại sự tiện lợi cho người dân, tuy nhiên với cán bộ giải quyết hồ sơ, việc áp dụng quy định trên vào thực tế, bước đầu không tránh khỏi những khó khăn, bất cập.
Cán bộ tư pháp hộ tịch của nhiều phường cho biết, trước đây có khoảng 10 đầu việc liên quan đến sổ hộ khẩu như: Đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, nhận con nuôi hoặc giám hộ, xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn,… Việc bỏ sổ hộ khẩu là nhằm tiến tới việc quản lý, chia sẻ thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp.
Thế nhưng hiện nay, cơ sở dữ liệu cư trú của công dân của ngành công an vẫn chưa hoàn thiện và chưa thể kết nối, chia sẻ dữ liệu nên cán bộ giải quyết hồ sơ gặp khó trong việc xác minh thời gian cư trú của công dân.
Bà Thạch Hồng Chinh, công chức tư pháp hộ tịch phường Linh Trung, TP. Thủ Đức cho biết, khi nhận hồ sơ xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân, bộ phận tư pháp – hộ tịch phường vẫn phải thực hiện theo Nghị định 123, yêu cầu người dân chứng minh được thời gian cư trú tại phường của mình cũng như những nơi khác. Nhưng khi bỏ sổ hộ khẩu thì cán bộ không chứng minh được điều đó. Buộc người dân phải liên hệ công an phường xác nhận thời gian cư trú, nếu người dân không xác nhận thì cán bộ hộ tịch phải liên hệ công an để xác định khoảng thời gian cư trú của người dân.
Cái khó cho cán bộ giải quyết hồ sơ hiện nay là trên giấy xác nhận thông tin cư trú của cơ quan công an cấp không thể hiện thời gian cư trú của công dân tại địa phương. Từ đó, việc bỏ sổ hộ khẩu đang phát sinh thêm một phần việc cho cán bộ công chức phường.
Ông Hồng Triều Châu, công chức Tư pháp – Hộ tịch của phường Linh Đông cho rằng, việc không xuất trình hộ khẩu giấy sẽ tiện hơn cho người dân, nhưng với hồ sơ cần xác minh về nơi cư trú thì phường phải xác minh bên phía công an, như vậy, sẽ thêm một phần việc cho công chức phường. Việc thêm bước xác minh sẽ làm chậm trễ quá trình giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân.
Ông Trần Thành Thắng, công chức Tư pháp – Hộ tịch của phường Hiệp Bình Chánh TP. Thủ Đức kiến nghị với cơ quan công an khi xác nhận thông tin cư trú của người dân thì xác nhận thêm thời gian người dân nhập hộ khẩu thường trú tại địa phương.
"Giai đoạn đầu thực hiện quy định mới về việc bỏ sổ hộ khẩu chúng tôi gặp khó khăn là vậy nhưng về lâu dài, tôi tin rằng mọi việc sẽ thuận lợi", ông Trần Thành Thắng cho biết.
Việc bỏ sổ hộ khẩu trong bối cảnh chưa thể liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin cư trú của công dân đang khiến bộ phận giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính gặp khó trong việc xác định thời gian cư trú của công dân tại địa phương. Từ đó, dẫn đến chậm trễ việc trả kết quả giải quyết hồ sơ cho dân.
Mặt khác, hiện nay không phải người dân nào và cơ quan đơn vị nào cũng biết và áp dụng tuân thủ đúng quy định bỏ sổ hộ khẩu. Bởi những ngày qua tại bộ phận một cửa của nhiều địa phương tại TP.HCM vẫn ghi nhận nhiều trường hợp người dân đến sao y chứng thực giấy tờ này để bổ sung hồ sơ xin việc theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng./.