Buông lỏng quản lý xây dựng quy hoạch đô thị: Kẽ hở cho sai phạm
VOV.VN -Không chỉ quản lý còn nhiều lỗ hổng mà chất lượng xây dựng theo quy hoạch ở các đô thị cũng không ít hạn chế.
Những bất cập, tồn tại trong quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch ở các đô thị không phải là câu chuyện mới, nhưng đây lại là một trong những vấn đề nổi cộm năm nay với hàng loạt vụ việc “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm như: sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực (Hà Nội) hay vấn đề nhồi cao ốc vào nội đô, tăng mật độ dân số, gây quá tải hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội… Thực tế này đang là thách thức lớn cho các nhà quản lý ngành Xây dựng và chính quyền các địa phương trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, quận Ba Đình là một điển hình cho những yếu kém trong công tác giám sát, quản lý việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch của thành phố Hà Nội. Nằm ngay gần khu trung tâm chính trị Ba Đình, giữa Thủ đô, vậy mà chủ đầu tư công trình này vẫn ngang nhiên xây vượt tầng, sai phép, chẳng khác gì một “con voi chui lọt lỗ kim”.
Tòa cao ốc 8B Lê Trực (Hà Nội) gây nhiều tranh cãi nằm sát khu trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình |
Không chỉ có 8B Lê Trực, mà rất nhiều dự án cao ốc khác cũng tự ý nâng số tầng, hoặc chuyển đổi công năng tầng kỹ thuật thành căn hộ để bán, thậm chí làm thủ tục xin tăng thêm số tầng như tòa nhà hỗn hợp Thăng Long, Yên Hòa, Cầu Giấy, dự án 131 Thái Hà, Đống Đa,… Và hậu quả là tăng mật độ dân số, gây áp lực lên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội cũng như việc quản lý của chính quyền sở tại.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có yêu cầu khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050.
Như thế là phải hạn chế phát triển dự án mới, hạn chế chiều cao của các tòa chung cư. Thế nhưng gần đây, các cao ốc lại thi nhau mọc lên, tình trạng tự ý nâng chiều cao diễn ra phổ biến, thậm chí ngay ở các khu vực trung tâm thành phố.
“Các công trình xen trong dân cũng cấp phép xây 9 tầng chẳng hạn, hay là cấp phép 7 tầng nhưng họ xây thành 9 tầng, biến thành các chung cư mini hay thành văn phòng cho thuê, làm tăng mật độ. Còn tiếp tục xin – cho thế này thì người xin và người cho đều có lợi, và có nhóm lợi ích, dẫn tới tình trạng quá tải. Như vậy là quy hoạch có vấn đề mà xây dựng, tổ chức thực hiện cũng lại có vấn đề. Xét cho cùng người lãnh đạo của thành phố này, của quận này về xây dựng, cầu đường phải chịu trách nhiệm”- ông Trần Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Trong khi chính quyền thiếu trách nhiệm, thậm chí buông lỏng quản lý xây dựng theo quy hoạch thì doanh nghiệp lại đua nhau chạy theo lợi nhuận mà không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Nhiều khu đô thị mới mặc dù đã bán gần hết nhà, người dân đã vào ở nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ không làm vườn hoa, sân chơi, không quan tâm đến hệ thống hạ tầng khung như đường thoát nước, giao thông… Ngay cả chính quyền địa phương cũng không quyết liệt trong việc thực hiện các quy hoạch đã được duyệt.
Ông Trần Ngọc Hùng nêu ví dụ, vành đai 1 đi từ Đại Cồ Việt tới Ô Chợ Dừa, qua ngã tư Giảng Võ lên Thủ Lệ đã có cách đây 15 năm, Hà Nội đã định hoàn thành vào năm 2010, rồi lại khất lần đến 2015, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa triển khai được.
Ông Trần Ngọc Hùng bức xúc: “Đây là vành đai cực kỳ quan trọng cho Thủ đô vậy mà 15 năm nay không xong thì đừng nói những chỗ khác. Thế thì làm gì không tắc nghẽn giao thông. Vì làm không kiên quyết nên rất nhiều công trình giao thông còn bị ép cổ chai bằng 1 số dự án…”
Không chỉ quản lý còn nhiều lỗ hổng mà chất lượng xây dựng các quy hoạch cũng không ít hạn chế. Điều dễ nhận thấy nhất là các quy hoạch hiện nay thiếu đồng bộ, mạnh ngành nào ngành nấy làm. Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đánh giá, hệ thống quy hoạch cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn chưa thống nhất trong 1 số chi tiết. Ví dụ, trong quy hoạch xây dựng có định hướng là phải giảm dân số, mở rộng diện tích đường sá, nhưng quy hoạch giao thông lại chưa đưa ra những yêu cầu thích hợp… Mặt khác, công tác dự báo để xây dựng các quy hoạch còn có vấn đề, chưa lường trước được sự phát triển dẫn đến chưa chuẩn xác, thiếu tính thực tiễn.
Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quy hoạch hiện vẫn chưa gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện: “Có quy hoạch nhưng phải hiểu quy hoạch là định hướng với tầm nhìn dài 10-20 thậm chí 30 năm. Cùng với quy hoạch phải có chú trọng phân đợt xây dựng và phải gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện chứ không phải 1 đợt ngắn làm được ngay. Cũng phải nói là chúng ta đã từng bước xây dựng được tầm nhìn của quy hoạch nhưng cũng phải thấy là chưa gắn với kế hoạch, đấy là một tồn tại hiện nay”
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, chính sự thiếu đồng bộ, quy hoạch không gắn với kế hoạch, lại kiểm tra, giám sát lỏng lẻo đã dẫn tới nhiều phát sinh trong thực tiễn, khiến quản lý không theo kịp.
Những bức xúc về ách tắc giao thông, chất lượng công trình, thiếu vườn hoa, sân chơi, mất nước, úng ngập… đã khiến cuộc sống của người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM không được đảm bảo. Nếu như chính quyền các đô thị này không nghiêm túc thực hiện đúng quy hoạch, xử lý kiên quyết sai phạm thì hậu quả sẽ rất nặng nề:
“Đã quy hoạch rồi thì phải làm nghiêm, chứ Hà Nội và TP HCM nhiều cái đã quy hoạch nhưng liên tục điều chỉnh. Như vậy, các nhà hoạch định chính sách cũng như nhà thiết kế không đuổi kịp được những phát sinh như vậy. Rõ ràng để làm tốt, các cấp chính quyền cần tuân thủ các quy hoạch đã được phê duyệt. Đặc biệt là quy hoạch phân khu, quy hoạch 1/2000, những cái chúng ta đã quy hoạch cơ bản thì phải giữ nghiêm mới tránh được tình trạng quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội” - ông Nguyễn Thế Điệp nêu ý kiến.
Những bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch đã làm “nóng” nghị trường Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Trách nhiệm của ngành Xây dựng, của chính quyền các địa phương trong vấn đề này đã rõ.
Tuy nhiên, điều mà người dân mong muốn là những người có trách nhiệm sẽ đưa ra được giải pháp cụ thể, quyết liệt trong thời gian tới để nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý chặt chẽ việc xây dựng theo quy hoạch.
Có như vậy, chất lượng cuộc sống của người dân mới được nâng lên, diện mạo Thủ đô nói riêng, các đô thị Việt Nam nói chung mới được đổi mới và hướng tới sự phát triển bền vững./.