Cà Mau chủ động phòng ngừa bệnh tay – chân - miệng
VOV.VN - Đã bước vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt chính là điều kiện thuận lợi để virus gây bệnh tay – chân - miệng phát triển.
Những tháng qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau ghi nhận tình trạng trẻ nhiễm bệnh tăng khá mạnh. Cần có sự chung tay của các cấp ngành và người dân để phòng chống bệnh hiệu quả.
Vừa qua, trên địa bàn huyện Cái Nước xuất hiện 2 ổ dịch tay – chân - miệng. Thực trạng này làm số ca bệnh tăng nhanh và toàn huyện đã có 95 trẻ mắc bệnh, tăng 100% so với cùng kỳ. Trước thực trạng vừa nêu, ngành chức năng địa phương khuyến cáo các bậc phụ huynh phải quan tâm việc triển khai các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.
Chị Trần Thị Chọn, người dân xã Phú Hưng, huyện Cái Nước cho biết, gia đình chị không cho con tiếp xúc với người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh. Ngoài ra, cũng thường xuyên cho trẻ rửa tay để phòng và vệ sinh nhà cửa để phòng bệnh.
“Thường xuyên lau nhà, rửa đồ dùng, đồ chơi bằng xà phòng. Vệ sinh muôi trường, cảnh quan để phòng chống bệnh tay chân miệng” - chị Chọn nói.
Xã Phú Hưng là 1 trong 2 địa bàn có ổ dịch của huyện Cái Nước. Bác sĩ Nguyễn Minh Tân, Trưởng trạm y tế xã Phú Hưng cho biết, khi phát hiện ổ dịch, Trung tâm Y tế huyện và các đội phòng chống dịch ở xã đã vào cuộc điều tra. Qua đó, khoanh vùng ổ dịch để phun khử trùng. Trạm y tế xã cũng tiếp tục theo dõi diễn biến của từng ca bệnh để có hướng xử lý kịp thời. Đặc biệt, quan tâm triển khai các biện pháp phòng tránh tại các điểm trường có trẻ mắc bệnh.
“Chủ yếu là đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch. Quan trọng nhất tại các điểm trường mầm non. Ngoài ra, trong các đợt tiêm chủng cũng lồng ghép tuyên truyền bệnh tay – chân - miệng đến người dân. Bên cạnh đó, tuyên truyền qua trạm truyền thanh xã, tăng thời lượng lên. Ở xã cũng tuyên truyền xuống ấp để anh em tiếp cận người dân, nhắc nhở phòng bệnh” - bác sĩ Tân nói.
Ngoài huyện Cái Nước thì thành phố Cà Mau và huyện Thới Bình đều là những địa phương có số ca mắc bệnh tay – chân - miệng tăng mạnh thời gian qua. Theo dự báo, thời gian tới bệnh có thể tiếp tục gia tăng.
Ông Đặng Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.100 ca mắc bệnh tay – chân - miệng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện bệnh tay - chân - miệng vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não... có nguy cơ gây tử vong. Chính vì vậy, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là phòng bệnh.
“So với trung bình 5 năm thì tình hình bệnh tay – chân - miệng đang cao. Điều này đã được chúng tôi cảnh báo. Điều quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học, rồi tạo cho trẻ em thói quen rửa tay thường xuyên. Nhà trường cũng cần bố trí những nơi để vừa rửa tay phòng dịch bệnh Covid-19 cũng như bệnh tay – chân - miệng. Chúng tôi cũng kết hợp với ngành giáo dục để làm sao các thầy cô, phụ huynh phải phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên” - ông Đăng đề nghị.
Để phòng chống bệnh tay – chân - miệng, Sở Y tế Cà Mau đã chỉ đạo các Trung tâm y tế địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nhất là tại các trường mầm non và mẫu giáo. Việc cấp phát tờ rơi đến từng hộ gia đình về cách phát hiện, cách phòng bệnh cũng đã được thực hiện. Qua đó, cũng kêu gọi người dân cùng chung tay, có ý thức phòng chống bệnh tay – chân - miệng để bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho trẻ./.