Cà Mau chủ động phòng tránh bệnh cho trẻ thời điểm giao mùa
VOV.VN - Hiện nay, thời tiết đang giai đoạn giao mùa nên mưa, nắng bất thường. Điều này, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây các loại bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết... phát triển. Trẻ em rất dễ mắc bệnh nên phụ huynh cần chủ động phòng tránh.
Chị Nguyễn Hồng Khiếm (ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đang nuôi con nhỏ ở tuổi thứ 2. Gần đây con chị bị bệnh, với những biểu hiện nóng, sốt. Ban đầu gia đình nghĩ là cảm cúm thông thường nên ra tiệm mua thuốc về cho con uống. Tuy nhiên, sau đó, con trẻ có biểu hiện ngày càng nặng và khi chị đưa con đến bệnh viện Sản nhi tỉnh Cà Mau khám, bác sĩ đã chỉ định nhập viện điều trị, bởi bé bị tay chân miệng đã chuyển nặng.
"Cháu bị sốt nhẹ như thông thường vậy, em mua thuốc cho bé uống nhưng không hết. Sáng ra thấy con bị nặng hơn, rồi ói, tiêu chảy nữa nên đưa ra viện điều trị", chị Khiếm cho biết.
Chị Sơn Thị Diệu (ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) cũng có con nhỏ phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau chia sẻ thêm: "Sốt mà cho uống thuốc không hết. Sau đó cái nứu răng bị đỏ, rồi có mụn. Bé bỏ ăn, rồi bỏ uống sữa luôn. Đem ra bệnh viện ngoài Cà Mau khám, bác sĩ chẩn đoán bị Tay Chân Miệng cấp độ 2, phải nhập viện".
Theo Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, thời gian gần đây, số ca mắc bệnh truyền nhiễm có chiều hướng tăng. Bệnh tay chân miệng có số ca mắc cao nhất, với gần 350 ca phải điều trị nội trú từ đầu năm đến nay, tăng 180% so với cùng kỳ.
Số liệu từ Sở Y tế Cà Mau cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, một số bệnh truyền nhiễm có chiều hướng tăng, đặc biệt là tăng mạnh vào thời gian gần đây như: Bệnh sốt xuất huyết có số ca mắc tăng gần 36% so với tháng trước; bệnh tay chân miệng có số ca mắc tăng 27% so với tháng trước.
Bác sĩ CK1 Nguyễn Trọng Mãi, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau cho biết, thời điểm giao mùa hằng năm, các bệnh truyền nhiễm có chiều hướng tăng, phụ huynh cần chú ý sức khỏe của trẻ nhỏ, khi có triệu chứng bệnh cần đưa đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời, tránh để chuyển biến nặng.
"Những dấu hiệu bệnh cần lưu ý là nhịp thở của trẻ nhỏ nhanh. Rồi dấu hiệu cần phải đưa đi bệnh viện ngay là viêm phổi mà kèm theo có bệnh nền như bệnh tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng hay viêm phổi mà có biến chứng dẫn đến suy hô hấp. Hay thấy thể trạng của bé bị nhiễm trùng toàn thân, rồi lừ đừ, bỏ bú hay nôn ói hết mọi thứ thì phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay", bác sĩ Mãi khuyến cáo.
Bác sĩ CKI Huỳnh Thúy Hằng, Trưởng Khoa cấp cứu Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau khuyến cáo, phụ huynh cần tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ tại nhà.
"Cần vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ, khuyến cáo trẻ cần tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ bị bệnh truyền nhiễm. Thời điểm mưa, lạnh thì phải cho trẻ mặc ấm. Ra ngoài đường tiếp xúc đông người, vui chơi nơi công cộng thì nên đeo khẩu trang cho trẻ", bác sĩ Hằng khuyến nghị.
Trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch đang trong giai đoạn hoàn thiện nên rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm trong điều kiện giao mùa hiện nay. Đặc biệt, trẻ khi mắc bệnh thường diễn biến nặng hơn so với người lớn và không điều trị kịp thời, có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Các bậc phụ huynh cần chủ động phòng tránh bệnh cho trẻ, đặc biệt phòng bệnh từ gia đình luôn là phương pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ.