Các địa phương đồng loạt triển khai gói hỗ trợ 1,5 triệu cho lao động tự do

VOV.VN - Nhóm đối tượng lao động tự do đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đặc biệt khi nhiều tỉnh, thành đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. 

Lao động tự do tại Hà Nội nhận hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng/người

Lao động tự do từ đủ 15 tuổi trở lên, cư trú hợp pháp và làm việc trong các ngành nghề phải tạm dừng hoạt động theo quyết định chống dịch COVID-19 của TP. Hà Nội từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021 sẽ được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần. Đây là một trong những nội dung của Quyết định số 3642 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được UBND TP. Hà Nội vừa ban hành.

Quyết định số 3642 của UBND TP. Hà Nội nhằm triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ và quyết định 23 của Thủ tướng chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo đó, các nhóm đối tượng lao động tự do được hỗ trợ gồm: Nhân viên quán karaoke, quán bar, vũ trường, game; phục vụ quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè; nhân viên nhà hàng, quán bia, bia hơi; người làm việc trong các cửa hàng ăn uống khu vực bị phong tỏa, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ bị mất việc khi thành phố chỉ cho bán hàng ăn uống mang về; nhân viên cắt tóc, gội đầu, spa; lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động theo công điện của UBND thành phố.

Những đối tượng lao động này sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần. Ngoài ra, những lao động tự do khác cũng được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, để nhận hỗ trợ, người lao động tự do lập hồ sơ, gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ ghi rõ (tên tuổi, quê quán, số căn cước công dân, công việc chính, nơi làm việc và thời điểm mất việc); bản phô tô sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Người lao động có thể chọn hình thức nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, bưu điện hoặc chi trả trực tiếp.

Nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại. Sau khi nhận được hồ sơ, chính quyền hai cấp xã, huyện phải rà soát, thẩm định và chi trả tiền tới tay người lao động. Danh sách người đủ điều kiện được niêm yết công khai. Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất là ngày 31/1/2022.

 

Để tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã công bố thiết lập đường dây nóng với số điện thoại 024.38344643 để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời có văn bản gửi các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 3642 của UBND  TP. Hà Nội.

                                                                                               (Hà Nam/VOV1)

Tây Ninh giải ngân hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho lao động tự do trong 3 ngày

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành quyết định về hỗ trợ với người lao động không có giao kết lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ các đối tượng người lao động làm một trong các công việc như thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hoá bằng xe 2 bánh, 3 bánh, xe tải nhỏ từ 2 tấn trở xuống tại các chợ, bến bãi; xe ôm truyền thống và công nghệ. Người bán lẻ vé số, người bán hàng rong, sửa chữa đồ gia dụng, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lao động giúp việc gia đình, trong các cơ sở giáo dục tư thục hoặc cơ sở giáo dục công lập ký hợp đồng khoán việc có quyết định thôi việc… Các đối tượng lao động tự làm việc trong các lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp; lĩnh vực dịch vụ, xây dựng… cũng sẽ được hỗ trợ.

Tiêu chí hỗ trợ là các đối tượng trên có đủ các điều kiện là bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1 triệu đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/tháng với khu vực thành thị; Do phải cách ly y tế hoặc trong khu phong toả hoặc bị dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước từ 15 ngày trở lên; cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh.

Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người và chỉ hỗ trợ 1 lần cho người. Tỉnh giao UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện chi trả trong 3 ngày làm việc. Nguồn kinh phí thực hiện là từ ngân sách nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác.

Được biết, Tây Ninh đã áp dụng giãn cách xã hội 14 ngày trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 18/7. Đối với các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 tiếp tục thực hiện 14 ngày. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có 779 ca dương tính với COVID-19./.

Hà Khánh/VOV-TPHCM

ĐBSCL khẩn trương hỗ trợ người khó khăn do dịch COVID-19

Các tỉnh trong khu vực BĐSCL đang khẩn trương lập danh sách, rà soát nhóm đối tượng lao động tự do để hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện những người bán vé số lẻ bắt đầu nhận được khoản hỗ trợ này. 

Hiện các huyện, thị, thành của tỉnh Trà Vinh đang khẩn trương lấy danh sách, rà soát nhóm đối tượng là lao động thu gom rác, phế liệu, bốc vác, thợ hồ, xe ôm truyền thống và người bán hàng rong không có địa điểm cố định để trình cấp thẩm quyền phê duyệt định mức hỗ trợ khó khăn. Ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: "Số dự kiến sẽ hỗ trợ trong đợt này là khoảng từ 13.000-15.000 người. Chúng tôi đang tiếp tục rà soát và cố gắng từ nay cho đến ngày 25/7 sẽ chốt lại được danh sách số người cần phải hỗ trợ trong đợt này ở cấp huyện. Sau đó các huyện trực tiếp trình UBND tỉnh phê duyệt và phấn đấu chậm nhất đến ngày 5-8 chi trả xong”.

Trong khi đó, hơn 7.800 người bán lẻ vé số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh bắt đầu nhận được khoản hỗ trợ, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, tăng 600.000 đồng/người so với dự kiến ban đầu. Nguồn kinh phí được trích từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Xổ số kiến thiết Trà Vinh. Từ ngày 9/7/2021, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Xổ số kiến thiết Trà Vinh đã thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh xổ số, dừng phát hành vé số và quay số mở thưởng cho đến khi có thông báo mới.

Còn tại tỉnh Bến Tre, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh là hơn 319 tỷ đồng với hơn 87.400 đối tượng. Trong đó, ngân sách Trung ương 60%, ngân sách địa phương 40%. Ngoài ra các nhóm chính sách hỗ trợ khác ước cần nguồn kinh phí hơn 30 tỷ đồng. UBND tỉnh  Bến Tre đã có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện công tác này, đảm bảo đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng và không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Ở tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh này cũng vừa ban hành Quyết định hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm. Theo đó, những trường hợp khi bị mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết năm nay; đối tượng có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo và cư trú hợp pháp trên địa bàn sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người và được hỗ trợ 1 lần trong năm nay.

Riêng nguồn kinh phí hỗ trợ đối với người bán lẻ xổ số lưu động được đảm bảo từ nguồn kinh phí của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang. Các đối tượng còn lại do ngân sách địa phương đảm bảo từ nguồn cải cách tiền lương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Đa số các cơ sở sản xuất, người dân địa phương rất phấn khởi khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 trong thời điểm này. Tuy nhiên, người dân mong chính quyền và các ngành chức năng địa phương sớm triển khai và áp dụng linh hoạt, giảm thủ tục không cần thiết.

Sau nhiều nỗ lực giải quyết các thủ tục, rà soát từng đối tượng, trong 2 ngày tỉnh Hậu Giang cũng kịp thời chuyển nguồn tiền hỗ trợ đến tay người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68 của chính phủ.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã tổ chức trao tiền hỗ trợ cho các viên chức hoạt động nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Qua rà soát của ngành, có 37 viên chức, người lao động đủ điều kiện được hưởng trợ cấp, trong đó có 27 viên chức hoạt động nghệ thuật và 10 hướng dẫn viên du lịch. Đợt đầu tiên này, có 27 viên chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, nhận hỗ trợ, mỗi suất là 3.710.000 đồng. Trong khi hơn 4.000 người bán vé số dạo trên địa bàn, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hậu Giang cũng đang phối hợp với các địa phương triển khai hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng/người.

Hiện các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh Hậu Giang đang triển khai trên tinh thần khẩn trương, gấp rút nhưng đảm bảo các qui định về phòng chống dịch COVID-19 nhằm sớm giải quyết các chế độ cho người lao động được thụ hưởng.

Với mục tiêu không để người nghèo nào bị bỏ lại phía sau, các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL hiện đang đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, nhằm sớm chi hỗ trợ cho các gia đình chính sách và người nghèo được kịp thời vượt qua giai đoạn khó khăn này./. 

Nhóm PV/VOV-ĐBSCL

Trong 2 ngày 23-24/7, Đồn Biên phòng Trung Bình, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã trao 200 suất quà hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Trung tá Trương Minh Hùng, Chính trị viên đồn Biên phòng Trung Bình, cho biết, dịch COVID-19 kéo dài và đang diễn biến ngày càng phức tạp làm nhiều người gặp không ít khó khăn về việc làm, giảm thu nhập, nhất là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là người dân tộc Khmer, người bị bệnh hiểm nghèo, người già neo đơn trên địa bàn đơn vị quản lý.

Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Trung Bình đã trích quỹ vốn của đơn vị và vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ 3 tấn gạo và một số nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ những gia đình Khmer nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, người bị bệnh hiểm nghèo trên địa bàn thị trấn Trần Đề và xã Trung Bình, huyện Trần Đề. Mỗi phần quà gồm 15kg gạo và một số nhu yếu phẩm thiết yếu như nước tương, dầu ăn, đường và bột ngọt.  

Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực của Đồn Biên phòng Trung Bình hướng về cộng đồng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trước những tác động của dịch bệnh COVID-19, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, san sẻ yêu thương, chung tay cùng người nghèo vượt qua đại dịch.

Cũng trong hôm nay 24/7, đoàn công tác của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng đã đến thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân sự, công an, y tế đang làm nhiệm vụ tại 3 khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Sóc Trăng và huyện Kế Sách.  

Thượng tá Tô Việt Hà, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng ghi nhận, biểu dương tinh thần nỗ lực, không ngại khó khăn của cán bộ y, bác sĩ, lực lượng quân sự, công an đã tích cực, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tốt công tác theo dõi sức khỏe người cách ly y tế theo quy định. Đồng thời đề nghị, các lực lượng tiếp tục quyết tâm, đồng hành cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh; chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch phù hợp với thực tế. Cần bố trí giãn cách, vách ngăn cách đảm bảo an toàn, đặc biệt là tuyên truyền, hướng dẫn công dân cách ly thực hiện tốt theo quy định 5K của Bộ Y tế…

Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng đã trao tặng nhiều phần quà cho các lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm cách ly tập trung, qua đó nhằm động viên, khích lệ tinh thần, tiếp sức cho các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Các tỉnh ĐBSCL khẩn trương triển khai gói hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi đại dịch
Các tỉnh ĐBSCL khẩn trương triển khai gói hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi đại dịch

VOV.VN - Hiện nay, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đang tích cực triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Các tỉnh ĐBSCL khẩn trương triển khai gói hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi đại dịch

Các tỉnh ĐBSCL khẩn trương triển khai gói hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi đại dịch

VOV.VN - Hiện nay, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đang tích cực triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo
Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo

VOV.VN - “Đề nghị làm rõ việc 550.000 hộ nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ điện thoại thông minh"- đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng băn khoăn.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo

Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo

VOV.VN - “Đề nghị làm rõ việc 550.000 hộ nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ điện thoại thông minh"- đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng băn khoăn.

Gói 26.000 tỷ: Cắt bỏ thủ tục rườm rà để doanh nghiệp nhận "phao" hỗ trợ
Gói 26.000 tỷ: Cắt bỏ thủ tục rườm rà để doanh nghiệp nhận "phao" hỗ trợ

VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế đánh giá, các thủ tục lần này được rút gọn hơn so với lần trước, tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao nhất, cần phải được tính toán kỹ càng, chặt chẽ để gói hỗ trợ lần này kịp thời đi trúng và đúng các đối tượng.

Gói 26.000 tỷ: Cắt bỏ thủ tục rườm rà để doanh nghiệp nhận "phao" hỗ trợ

Gói 26.000 tỷ: Cắt bỏ thủ tục rườm rà để doanh nghiệp nhận "phao" hỗ trợ

VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế đánh giá, các thủ tục lần này được rút gọn hơn so với lần trước, tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao nhất, cần phải được tính toán kỹ càng, chặt chẽ để gói hỗ trợ lần này kịp thời đi trúng và đúng các đối tượng.