Các địa phương tiếp tục phòng, chống cúm A/H1N1

Chuẩn bị cho ngày tựu trường, hầu hết các địa phương đều đã lập kế hoạch đối phó với đại dịch cúm A/H1N1 như: khử trùng môi trường, theo dõi, phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm để cách ly, điều trị kịp thời

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội vừa cho biết, các trường học tại Hà Nội sẽ đồng loạt tập trung học sinh chuẩn bị khai giảng năm học mới vào ngày 17/8.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã có 5 trường học có học sinh mắc cúm A/H1N1. Để đối phó với dịch, Hà Nội đã đồng loạt đóng cửa các trường học trong thời gian từ ngày 7 đến 16/8.

Để chuẩn bị cho năm học mới, phòng chống cúm A/H1N1, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phối hợp cùng Sở Y tế đề ra các biện pháp nghiêm túc, yêu cầu các trường thực hiện. Đó là trước khi tập trung học sinh, phải tổ chức tổng vệ sinh toàn trường. Ngoài ra phải tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1 cho học sinh ngay trong buổi đầu tiên tập trung.

Sở cũng yêu cầu, với những học sinh nghi nhiễm cúm A/H1N1 phải phối hợp với gia đình để cách ly ngay tại nhà, tránh lây lan cho các học sinh khác trong trường học.

** Đến giữa tháng 8, tại thành phố Đà Nẵng ghi nhận 12 ca nhiễm cúm A/H1N1, trong đó, 2 trường hợp là học sinh từ thành phố Hồ Chí Minh về nghỉ hè. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1 có thể lây lan trong học sinh, sinh viên, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đang thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Hiện tại, hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, từ bậc học mầm non đến THPT, Cao đẳng, Đại học... đều đã lập kế hoạch đối phó với đại dịch cúm A/H1N1; Tại các khu ký túc xá và những trường tổ chức dạy bán trú thì tăng cường công tác giám sát, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và an toàn vệ sinh thực phẩm; theo dõi, phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm để  có biện pháp cách ly, điều trị kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, đến thời điểm này, chưa có học sinh nào của Đà Nẵng bị nhiễm cúm A/H1N1. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng nghỉ hè, học sinh, sinh viên từ khắp nơi trở về, lại đúng thời điểm giao mùa, virus cúm dễ phát triển, lây lan, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh có thể xảy ra. Chính vì thế, ngay từ cuối tháng 7, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo tất cả các trường, thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác y tế trường học trước  ngày 5/8, nếu trường nào chưa kịp triển khai  thì chưa tiến hành khai giảng năm học mới. Trước mắt, các trường chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố lên kế hoạch phun thuốc phòng dịch, làm sạch môi trường trước ngày khai giảng năm học mới.

** Đến ngày 16/8, ở Đồng Nai có 70 người nhiễm bệnh cúm A/H1N1 và được điều trị cách ly tại các cơ sở y tế ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Sở Y tế  Đồng Nai tập huấn cho hơn 100 cán bộ y tế các cấp cơ sở trong tỉnh  về phác đồ điều trị cúm A/H1N1 do Bộ Y tế mới ban hành.

Theo phác đồ điều trị mới này, các cơ sở y tế chỉ cần dựa trên những biểu hiện lâm sàng của bệnh như sốt, ho, đau họng... có thể điều trị ngay, tránh dài thời gian điều trị, dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, thời gian điều trị cũng có thể rút ngắn xuống còn 3 đến 4 ngày, tùy tình hình phục hồi của bệnh nhân.

** Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định chi khẩn cấp 7 tỉ đồng ứng phó với dịch cúm A/H1N1. Đồng thời, chỉ đạo ngành y tế địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này. Ngành Y tế phối hợp cùng các ngành, địa phương, nhất là ngành giáo dục tuyên truyền mọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong cộng đồng, chuẩn bị đầy đủ các loại hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế, xây dựng các phương án cách ly điều trị tại chỗ khi có đại dịch cúm A/H1N1 xảy ra. Từ đầu tháng 7 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 20 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có 18 trường hợp được điều trị khỏi bệnh. Hiện chỉ còn 2 trường hợp đang được điều trị cách ly tại bệnh viện đa khoa Lâm Đồng.

** Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Hải Dương vừa kiểm tra đồng loạt các cơ sở kinh doanh vật tư y tế tại thành phố Hải Dương.

Qua kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh vật tư y tế cho thấy, thị trường khẩu trang hoạt tính phòng bệnh cúm tại thành phố Hải Dương không nhiều. Mặt hàng khẩu trang chủ yếu do các cơ sở trong nước sản xuất và một số ít loại khẩu trang chuyên dụng nhập ngoại của Mỹ. Nguyên nhân do lượng người dân ở đây mua khẩu trang chống cúm còn ít nên không có hiện tượng đầu cơ và tăng giá đột biến như thị trường một số thành phố lớn. Đoàn liên ngành tỉnh Hải Dương tuyên truyền và khuyến cáo các chủ cơ sở chấp hành nghiêm việc niêm yết và bán đúng giá; nghiêm cấm tuyệt đối việc đầu cơ trục lợi bán giá cao nhiều lần so với giá nhập. Đồng thời lập văn bản cam kết với các chủ cơ sở kinh doanh khẩu trang hoạt tính phòng bệnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên