Các tỉnh Bắc Trung Bộ khắc phục hậu quả lũ lụt

Đã có 5 người chết, hơn 1.600 ngôi nhà bị ngập, gần 70.000 ha lúa bị ngập úng, nhiều tuyến đường ách tắc…

Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, mưa lũ mấy ngày qua ở các tỉnh Bắc miền Trung đã làm 5 người chết; hơn 1.600 ngôi nhà bị ngập, gần 70.000 ha lúa bị ngập úng. Đặc biệt là giao thông  trên nhiều tuyến đường ở Nghệ An bị ách tắc do sạt lở đất và ngập úng.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An cho biết, tổng chiều dài đường giao thông bị hư hại là trên 16.135 m. Quốc lộ 7 bị sạt lở ta luy dương đã được khắc phục và thông xe một chiều. Quốc lộ 48 nhiều đoạn bị ngập lụt, ngành giao thông đã cắm mốc cảnh báo đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Tỉnh lộ 543 sạt lở ta luy dương, tỉnh lộ 554 vào huyện Quỳ Châu bị ngập nước, phương tiện lớn không lưu thông được. Tỉnh Nghệ An đã cấm một số bến đò hoạt động, để đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là học sinh đến trường.

Còn tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, hầu hết tuyến đường vào các xã vùng sâu vùng xa bị ách tắc, sạt lở. Nhiều khu vực thượng nguồn sông Nậm Nơn bị lũ cô lập từ 2 ngày nay. Để giúp dân nhanh chóng khắc phục hậu quả do lũ, sạt lở đất và nhanh chóng thông xe, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh huy động 990 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và 38 xe ô tô các loại tham gia giải toả ách tắc giao thông, dọn dẹp, dựng lại nhà cửa cho nhân dân ở vùng bị lũ quét gây hại. Ngoài ra, hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ của Quân khu 4 cũng sẵn sàng tham gia giúp dân trong trường hợp cần thiết.

Nước lũ tràn qua QL1A xã Tân Dân, Tĩnh Gia, Thanh Hoá (Ảnh: TNO)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, lũ trên hạ lưu sông Cả tiếp tục lên. Tối 13/9, mực nước hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn (Nghệ An) có khả năng đạt đỉnh là 7,5 m (dưới mức báo động  0,4 m). Ngày 14/9, lũ trên hệ thống sông Cả và các sông ở Thanh Hóa có khả năng lên lại. Chính quyền và nhân dân các địa phương khu vực Trung bộ và Bắc Trung bộ cần đề phòng sạt lở đất ở vùng núi.

** Lở núi sát thuỷ điện Bản Vẽ

Tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vào 13/9 xảy ra 1 trận lở núi nghiêm trọng ngay sát Nhà máy thuỷ điện bản Vẽ.

Theo ông Lê Hoài Thơm, Chủ tịch UBND xã Yên Na, huyện Tương Dương, đất đá trên núi ầm ầm đổ xuống khu vực sân Nhà máy, với khối lượng sạt lở lớn. Bất chấp nguy hiểm, các công nhân vận hành máy tại khu vực phát điện vẫn bám trụ tại công trình, tiếp tục cho máy hoạt động, vì nếu máy phát điện ngừng hoạt động, nước sẽ dâng cao gây nguy hiểm cho người dân vùng hạ lưu.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện tại tất cả lực lượng cứu hộ ở địa phương đang tập trung xử lý tạm thời để ngăn chặn tiếp tục sạt lở núi. Tuy nhiên, do diện tích và khối lượng sạt lở tương đối lớn nên phải mất nhiều thời gian mới khắc phục xong.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Hiện nay Nhà máy vẫn hoạt động bình thường và lượng nước xả ra vẫn đúng quy trình xả lũ bình thường là 700 m3/1 giây. Hiện nay đang huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ địa phương và công nhân của thuỷ điện Bản Vẽ bổ sung vật tư dự trữ và đổ đá ở ngay vết sạt trượt để không cho trượt tiếp.

Lũ làm ngập nhiều nhà dân (Ảnh: TNO)

** Hà Tĩnh chống úng lúa hè thu

Từ ngày 9 – 13/9, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa trên diện rộng; trong đó Hương Khê là địa phương có lượng mưa cao nhất, với 350 mm. Các huyện khác có lượng mưa bình quân từ 150 mm – 200 mm. Một số vùng trũng thấp bị ngập lũ cục bộ và ngập một số diện tích lúa và hoa màu vụ hè thu.

Trước tình hình mưa liên tục kéo dài, tỉnh Hà Tĩnh đã lên phương án sơ tán dân khỏi những vùng nguy hiểm. Các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó khi xảy ra lũ quét, ngập lụt. Hiện, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã giảm. Đến 13h30 phút chiều 13/9, trời bắt đầu hửng nắng.

Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngành chức năng Hà Tĩnh xác định nhiệm vụ trọng tâm lúc này là tiêu thoát nước, đảm bảo chống ngập cho lúa và hoa màu. Ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Rút kinh nghiệm năm 2010, chúng tôi tổ chức thường trực 24/24h, nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu chỉ đạo cho các địa phương sẵn sàng ứng phó. Đặc biệt là trong năm nay lúa hè thu muộn, có nơi diện tích gần chín nên lực lượng thường trực của hệ thống thủy nông luôn chủ động vận hành để tiêu thoát lũ, đảm bảo chống ngập úng lúa hè thu”.

** Hơn 50.000 học sinh Nghệ An phải nghỉ học

Do mưa lũ liên tục trong mấy ngày qua, ở Nghệ An có hơn 50.000 học sinh phải nghỉ học; nhiều nhất là ở các huyện như Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương…

Tại huyện Thanh Chương, sáng 13/9, hơn 40.000 học sinh của hơn 100 trường phải nghỉ học vì nước lũ dâng cao. Còn tại huyện Kỳ Sơn, mưa lớn đã làm sạt lở nhiều đoạn đường, gần 2.400 học sinh buộc phải nghỉ học do nhiều trường nằm ở vị trí có nguy cơ bị sạt lở. Các huyện Tương Dương, Nam Đàn cũng phải cho hàng nghìn học sinh nghỉ học vì mưa to.

Trước tình hình này, Ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Sở đã có công điện khẩn, yêu cầu các trường chủ động cho học sinh vùng lũ nghỉ học đề phòng những bất trắc có thể xảy ra.

Cũng theo ông Lê Văn Ngọ, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đang chờ sau cơn mưa, tổ chức thống kê ngày nghỉ của học sinh để từ đó có phương án chỉ đạo học bù./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên