Các tỉnh miền Trung tiếp tục hỗ trợ người dân sẵn sàng đón bão số 4

VOV.VN - Các địa phương đang tiếp tục những nỗ lực, hỗ trợ người dân sẵn sàng ứng phó khi bão số 4 (bão Noru) đổ bộ.

PV Phương Cúc và Tuyết Lê/VOV-Miền Trung đưa tin, trước diễn biến khó lường của cơn bão số 4 (bão Noru), hôm nay (26/9), người dân TP. Đà Nẵng tập trung chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ. Chính quyền địa phương cũng lên phương án đảm bảo về lương thực, thực phẩm, thuốc men trong những ngày mưa bão.


Sáng 26/9, hàng trăm người dân ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa phòng tránh bão số 4. Ông Trương Như Tin, ở xã Hòa Khương cho biết, khi nghe thông tin có cơn bão mạnh, gia đình ông đã chuẩn bị túi ni lông, bao bì đựng nước đè lên mái nhà đề phòng gió mạnh thổi bay mái tôn: “Cơn bão số 4 này được nhận định là cơn bão rất mạnh nên tôi đã chủ động thức dậy từ sớm, chằng chống nhà cửa cho ổn định. Bây giờ không dùng bao cát như hồi xưa nữa, vất vả lắm, vác lên rất mệt mà giờ mình lấy bao bì rồi lót bao ni lông ở trong sau đó kéo dây bơm nước nhẹ nhàng hơn. Sau đó lấy dây cột lại với nhau cho khỏi lăn”.

Huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng hiện có khoảng 9 ngàn hộ dân trong vùng sạt lở, ngập úng cần được di dời đến nơi an toàn. Huyện đã lên phương án di dời dân vùng sạt lở sát chân núi ở các xã Hoà Bắc, Hoà Phú, Hoà Sơn, Hoà Ninh.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn đã thu hoạch xong lúa hè thu, chỉ còn lại ít diện tích rau màu. Huyện cũng có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai: “Về việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm thì Hòa Vang cũng đã đặt hàng. Từng xã đặt hàng cho các nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như vật dụng cần thiết đảm bảo cho người dân trong quá trình di dời đến cơ sở tập trung, đảm bảo trước và sau bão”.

Dự báo bão số 4 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. TP. Đà Nẵng là một trong những địa phương ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Sáng nay, tại cuộc họp Ban Chỉ huy Phòng chống bão số 4 của thành phố, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí Thư thành ủy Đà Nẵng cho rằng, huyện Hòa Vang là địa bàn trọng yếu có nguy cơ sạt lở và ngập úng gây khó khăn về cung ứng lương thực, thực phẩm. Vì vậy huyện phải khẩn trương kiểm tra, phân công người trực tại chỗ để kịp thời ứng phó khi xảy ra sự cố.

“Tôi đề nghị bổ sung các phương án, phối hợp các lực lượng trong việc xử lý sau bão, xử lý các hậu quả khắc phục sau bão. Cần có phương án cung ứng lương thực, thực phẩm cho các khu vực có nguy cơ sạt lở và nguy cơ ngập úng và có khả năng cô lập”, ông Quảng nhấn mạnh.

PV Đình Thiệu/VOV-Miền Trung cũng cho biết, TP. Đà Nẵng đã lên kịch bản sơ tán dân phòng tránh bão số 4 với mức độ bão cao nhất. Trường hợp bão cấp 14 đến 17 và lụt trên sông vượt báo động 3 trên 2 mét, toàn thành phố sẽ di dời hơn 120 nghìn người dân sơ tán đến nơi an toàn. Từ đêm 25/9, các lực lượng vũ trang TP. Đà Nẵng đã thức trắng đêm giúp dân chằng chống nhà cửa, di chuyển phương tiện lên bờ tránh bão. Các lực lượng này sẵn sàng hỗ trợ sơ tán dân khi có lệnh.

 

Cả ngày 26/9, ông Nguyễn Văn Tài, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà TP. Đà Nẵng tất bật di chuyển đồ đạc. Gia đình ông ở trong ngôi nhà cấp 4, mái lợp tôn nên thuộc diện phải sơ tán đến trường học để tránh bão. Trước khi rời khỏi nhà, gia đình ông được lực lượng Công an, Dân quân địa phương và bà con hàng xóm đến hỗ trợ chuyển chiếc thuyền thúng đánh cá vào sâu trong bờ. Chằng néo xong thuyền, mọi người lại giúp gia đình chằng chống, dùng bao tải đựng cát đè lên mái tôn chống gió bão.

Ông Nguyễn Văn Tài cho biết, bão Xangsane 2006, nhà dân dọc bãi biển hầu như bị sập hoặc tốc mái. Bây giờ, mỗi lần nghe bão là ai cũng lo chằng chống nhà cửa. Ông nói, nhờ có Công an, Bộ đội, Dân quân đến hỗ trợ nên gia đình yên tâm đi tránh bão: “Bộ đội biên phòng, UBND phường, dân quân tự vệ đến hỗ trợ đưa ghe thuyền thúng là lo đưa lên bờ, đên hết tàu thuyền lên rồi.  Họ đến chằng chống nhà cửa, chèn mái tôn. Ai ở nhà tạm không đảm bảo kien cố là di  dời nhà kiên cố”.

Cơn bão Xangsane 2006 đổ bộ vào miền Trung, TP. Đà Nẵng là tâm bão bị thiệt hại khá nặng nề. Sau cơn bão đó, chính quyền và người dân TP. Đà Nẵng có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống bão. Đối phó với bão số 4 hiện nay, từ đêm qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng và Dân quân địa phương đã thức suốt đêm hỗ trợ bà con sắp xếp tàu thuyền vào nơi neo đậu, giúp dân di chuyển phương tiện đánh bắt lên bờ tránh bão. Các cán bộ, chiến sĩ còn đến từng gia đình nhà ở không kiên cố hỗ trợ việc chằng chống mái nhà, chặt tỉa cây xanh, phòng tránh ngã đổ sập nhà.

Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết, dự kiến khoảng 1.000 người dân ở phường sơ tán tập trung tại các trường học tránh bão; đơn vị sẵn sàng hỗ trợ di chuyển dân đến nơi an toàn và thường xuyên tuần tra, bảo vệ tài sản cho dân trong thời gian đi sơ tán tránh bão: “Tất cả khu dân cư đều có nhà sinh hoạt cộng đồng. Chúng tôi bố trí mỗi khu dân cư một dân quân khu vực phối hợp với cảnh sát khu vực trực tại các điểm sơ tán tại 3 trường tiểu học và 2 trường cấp 2. Trước mắt, sơ tán đến nhà sinh hoạt cộng đồng của khu vực và các trường học lân cận”.

Đến nay, 20 đội cứu hộ cứu nạn với 500 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Đà Nẵng đã có lệnh ứng trực, sẵn sàng ứng cứu khẩn cấp. Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Đà Nẵng điều 3 xe đặc chủng thiết giáp trực tại Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND thành phố. Các phương tiện này di chuyển an toàn trong điều kiện mưa bão và lội nước, sẵn sàng cơ động phục vụ lãnh đạo Chỉ huy đi thị sát, chỉ đạo xử lý các sự cố trong khi mưa bão.

Từ tối 25/9, lực lượng Công an cũng đã giúp dân phòng chống bão số 4. Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cho biết, hiện khoảng 600 thuyền viên của các tàu cá ngoại tỉnh đang neo đậu ở Cảng cá Âu thuyền Thọ Quang. Vì lo sợ mất tài sản nên nhiều người chưa chịu rời thuyền lên bờ tránh bão, nguy cơ mất an toàn, xảy ra cháy nổ khi bão vào bờ. Công an thành phố đang phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng và địa phương tuyên truyền, vận động và cam kết với ngư dân sẽ bố trí lực lượng bảo vệ tài sản để họ yên tâm lên bờ tránh bão.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết: “Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Công an rất quan tâm đến công tác phòng chống bão số 4, đặc biệt là ở Đà Nẵng. Kinh nghiệm mấy cơn bão vừa qua, Công an thành phố đã có phương án và phân công cho lực lượng, khoảng 17h30 hôm nay (26/9), Công an thành phố sẽ cắm trại ứng trực 100% quân số, triển khai công tác phòng chống bão hỗ trợ các ở địa phương. Ngoài ra, đề nghị Trung đoàn Cảnh sát cơ động của Bộ đóng trên địa bàn khoảng 300 quân số ứng trực khi thành phố chúng ta cần hỗ trợ”.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, các địa phương đang khản trương huy động lực lượng xuống địa bàn xung yếu, ven biển giúp dân chằng chống nhà cửa, kê dọn đồ đạc, chuẩn bị sơ tán đến nơi an toàn trú tránh bão.

 

PV Vinh Thông/VOV-Miền Trung đưa tin, thôn Tân Hy 2, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nằm trong vùng giải toả Dự án Khu Liên hiệp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất giai đoạn 2 có 110 hộ dân. Hầu hết nhà cửa của người dân xuống cấp, tạm bợ, rất dễ bị sụp đổ và ngập sâu khi xảy ra bão to, mưa lớn. Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng cùng công nhân Nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, kê dọn đồ đạc lên nơi cao ráo.

Ông Bùi Văn Hiển, thôn Tân Hy 2, xã Bình Đông lo lắng: “Bây giờ tình hình bão tới nghe báo cũng lớn, người dân di dời đến nơi an toàn để ở. Chúng tôi cảm ơn các lực lượng đã đến giúp đỡ người địa phương có nơi ở an toàn”.

Theo kế hoạch, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn di dời khoảng 5.000 người dân đến các khu nhà kiên cố, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị để tránh trú bão. Ông Phan Văn Đông, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn cho biết, địa phương phối hợp với các đơn vị di dời người dân vùng xung yếu, khu vực ven biển, đặc biệt là những gia đình yếu thế, người già neo đơn, trẻ em đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền: “Các vị trí này, anh em địa phương chủ động làm việc với lãnh đạo các công ty, đơn vị hỗ trợ địa điểm, phương tiện, nhân lực cùng với địa phương sơ tán dân nhanh nhất, đảm bảo an toàn”.

Tại nhiều làng ven biển ở huyện Bình Sơn, người dân đổ nước vào các vật dụng như bao nilon, thùng xốp, can nhựa… rồi chèn lên mái tôn hạn chế thiệt hại khi gặp gió bão. Ở các xã ven biển bà con còn đào hầm trú bão. Đây là những biện pháp phòng chống bão hiệu quả theo kinh nghiệm của người dân địa phương. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Sơn chỉ đạo các đơn vị, địa phương trước 10h ngày 27/9 hoàn thành công tác di dời dân trong vùng ảnh hưởng của bão, lũ, sạt lở đất.

Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương sẵn sàng di dời, sơ tán hơn 11.500 hộ với gần 38.500 nhân khẩu tránh bão: “Song với công tác di dời dân, việc chuẩn bị các nơi trú tránh đảm bảo lương thực, nước uống, điều kiện sinh hoạt. Người dân đến nơi trú ẩn, nơi sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng và sức khoẻ”.

Trước diễn biến phức tạp của bão Noru (bão số 4), kể từ 17h ngày 26/9/2022 tỉnh Nghệ An cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi.

 

PV Sỹ Đức/VOV1 thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, yêu cầu các huyện ven biển, đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 17 giờ, ngày 26 tháng 9 năm 2022. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 0 giờ ngày 27 tháng 9 năm 2022. Sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú; Tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, ở khu vực miền núi, tỉnh Nghệ An vẫn còn hàng trăm điểm có nguy cơ sạt lở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mưa bão. Các địa phương đang triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, khu vực khai thác khoáng sản; sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng người dân trong mưa bão.

Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Giải pháp trước mắt những hộ nguy cơ cao chúng tôi thực hiện cảnh báo. Giao cho xã, biên phòng, dân quân ứng trực, khi xảy ra thiên tai, bão lũ thì thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết và chuyển cho các lực lượng với phương châm 4 tại chỗ, xử lý trực tiếp, đặc biệt là vùng xâu vùng xa, lực lượng biên phòng rất quan trọng”.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, người dân các vùng nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Phú Yên cũng đang khẩn trương di chuyển lồng, bè nuôi tôm hùm đến nơi an toàn, chằng chồng lồng bè phòng mưa, bão, nước lũ đổ về. 

 

PV Thái Bình /VOV-Miền Trung cho biết, từ sáng 26/9, tại khu vực Hòn Yến, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, các hộ nuôi tôm hùm giống khẩn trương đưa lồng nuôi vào bờ. Từng đoàn thúng chai hối hả nối đuôi nhau chở hàng trăm lồng ươm nuôi tôm hùm giống tìm nơi tránh trú bão số 4. Tôm hùm giống được đưa vào nuôi tạm trong những thùng xốp. Rút kinh nghiệm sau đợt thiên tai bất thường xảy ra vào cuối tháng 3 năm nay nên người dân ở đây không chủ quan mà thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Ông Trình Minh Quốc, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết: “Nghe nói bão gần vô thì bà con cũng đang dời vô, vô trong Đầm Môn hay Vũng Rô để êm êm hơn ở ngoài đây. Chứ ngoài đây mấy năm giờ sợ quá rồi. Bão nó vô thì tiền tỷ đang nằm dưới nước theo mây trời. Ba, bốn bữa này rồi, cứ làm nguyên ngày, người nào cũng mệt”.

Xã An Hòa Hải, huyện Tuy An có 2.000 lồng ươm nuôi khoảng 4 triệu con tôm hùm giống của 120 hộ dân. Lồng nuôi được bà con dời về khu vực đầm Môn và vịnh Vũng Rô, giảm thiểu tối đa thiệt hại khi bão đổ bộ. Đây là vùng ươm nuôi tôm hùm lớn nhất Nam Trung bộ, cung cấp con giống cho các tỉnh trong khu vực. Toàn bộ vốn liếng của người dân bỏ hết vào nuôi tôm hùm giống, hộ ít cũng trên dưới cả nghìn con, nhiều lên đến 20 nghìn con, tương ứng với số tiền bỏ ra mỗi hộ từ 100 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tài, ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết, gia đình nuôi hơn 10.000 con tôm giống đã qua 20 ngày tuổi. Nghe dự báo cơn bão số 4 rất lớn nên bà con ngư dân phải chủ động đưa tôm vào bờ nuôi tạm.

Tại huyện Tuy An và 2 thị xã Đông Hòa, Sông Cầu có hơn 102 ngàn ô lồng với hơn 5.600 người người thường xuyên làm việc và canh giữ. Chính quyền các địa phương đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân di chuyển, chằng chống lồng bè an toàn. 

Từ 15h chiều 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành lệnh cấm biển đối với các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản ven bờ và trên biển. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương bám sát diễn biến của bão số 4 để có phương án sơ tán người dân phù hợp. Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, tỉnh đã yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu; Hướng dẫn tàu thuyền vào các khu neo đậu tránh trú an toàn, kiên quyết không để người ở lại trên các bè nuôi thủy sản, trên tàu thuyền, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người. UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu các chủ công trình hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi xả nước để đón lũ, hạn chế trường hợp “lũ chồng lũ” ảnh hưởng lớn đến người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết: “Đảm bảo cho các tàu kể các tàu ngoài tỉnh đang ở gần Phú Yên cũng được neo đậu, tránh trú an toàn cho các tàu. Muộn nhất là đến trưa mai, các hộ dân đang kinh doanh, nuôi trồng thủy, hải trên các khu vực lồng bè ngoài biển phải về đất liền. Chính quyền địa phương đang tập trung ra biển để vận động, kêu gọi bà con về. Trưa 27/9, quá giờ bà con chưa về, sẽ cưỡng chế bà con đưa vào để đảm bảo an toàn tính mạng”.

Để chủ động ứng phó các tình huống trước diễn biến phức tạp của bão Noru (bão số 4), Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã thành lập Sở chỉ huy phía trước, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn mọi hoạt động của bộ đội và phương tiện tàu thuyền, kho, trạm, vũ khí trang bị, sẵn sàng các phương án hỗ trợ bà con nhân dân, ngư dân khi có các tình huống xảy ra.

PV Thu Lan và Hoàng Diệu/VOV1 đưa tincác đơn vị của Vùng 3 Hải quân đã chủ động rà soát, điều chỉnh phương án, kế hoạch, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn đúng phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Đảng uỷ, BTL Vùng 3 đã chỉ đạo các đơn vị tàu chuẩn bị đầy đủ lượng dữ trữ lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, vật chất bảo đảm, tổ chức cơ động tàu ra các khu neo đậu, tránh trú; phối hợp với chính quyền địa phương và bộ đội Biên phòng hỗ trợ, hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân vào khu neo đậu an toàn. Đồng thời sẵn sàng các phương án xử trí các tình huống có thể xảy ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Đại tá Đoàn Bảo Anh, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho biết: “Đến nay, BTL Vùng 3 HQ đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để giúp dân, trong đó thành lập đội cơ động sẵn sàng ứng cứu giúp dân ở vùng thiệt hại. Chúng tôi chuẩn bị doanh trại - đặc biệt ở khu vực Quảng Nam, nơi dự báo tâm bão đi qua chuẩn bị nơi ở, lương thực, thực phẩm sẵn sàng đón người dân địa phương vào tránh trú bão trong và sau khi cơn bão số 4 đổ bộ vào đất liền”.

Trong chiều 26/9, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị trao 300 thùng phuy nhựa và 300 triệu đồng tặng 300 hộ gia đình có nhà ở khu vực thấp trũng, nguy cơ ngập lụt tại các xã Triệu Độ, Triệu Trạch, huyện Triệu Phong và Hải Phong, huyện Hải Lăng. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 1 thùng phuy nhựa loại 220 lít có nắp đậy bằng nhựa, đai khóa bằng sắt và 1 triệu đồng.

PV Đình Thiệu/VOV-Miền Trung cho biết, đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực và quy mô hành động sớm, bao gồm kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội do FAO thực hiện tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Chương trình này góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương tại các khu vực có nhiều khả năng bị ngập lụt.

Theo dự báo, cơn bão số 4 với cường độ mạnh nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung, gây mưa lớn ngập lụt trên diện rộng. Việc hỗ trợ này giúp người dân vùng lũ tỉnh Quảng Trị có dụng cụ tích trữ nước sinh hoạt và mua sắm nhu yếu phẩm dự trữ trong thời gian bão lũ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên