Các tuyến xe buýt ở Quảng Nam ngừng hoạt động do bất đồng

VOV.VN - Trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động tuyến lâu quá thì Sở Giao thông- Vận tải Quảng Nam sẽ ra văn bản hủy tuyến theo quy định.

Sáng nay (3/11), tuyến xe buýt Tam Kỳ- Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam tiếp tục ngừng hoạt động do chưa giải quyết được những bất đồng giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Quảng Nam với các tài xế, phụ xe. Đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng lộn xộn đối với các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trước đó cũng đã từng xảy ra tình trạng ẩu đả, tranh giành khách, tự ý nâng giá vé xe buýt.

Tuyến xe Tam Kỳ- Hiệp Đức ngừng hoạt động do giới tài xế, phụ xe không muốn nộp bảo hiểm.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Quảng Nam, đơn vị quản lý, khai thác tuyến xe buýt Tam Kỳ- Hiệp Đức lý giải, để nâng cao chất lượng vận tải, lãnh đạo Công ty buộc các chủ xe nhận giao khoán thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Điều này đã gây “làn sóng” phản đối trong đội ngũ tài xế, phụ xe; vì họ cho rằng, làm như thế sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Trong khi, tuyến xe buýt này mỗi ngày phải bù lỗ vài trăm nghìn đồng.

Ông Nguyễn Đức Hạnh cho biết:  “Chúng tôi mua tuyến xe buýt này cũng là vì quyền lợi của người lao động, chứ  nếu chúng tôi không mua thì bây giờ họ đã thất nghiệp rồi. Vì trước đây chúng tôi mua của một đơn vị làm ăn thua lỗ ở Quảng Nam. Vì tuyến xe buýt hiện nay kể cả thái độ phục vụ cũng như chất lượng không được tốt. BHXH, BHYT là quyền lợi của người lao động, do đội ngũ lái xe và phụ xe không ổn định nên người ta không đóng”.

Do những bất đồng chưa được giải quyết Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Quảng Nam không cấp phép xuất bến đối với tuyến Tam Kỳ- Hiệp Đức.

Sáng nay Công ty mới ra thông báo nên nhiều hành khách chờ xe cả tiếng đồng hồ. Ông Lê Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo Sở đã mời các doanh nghiệp vận tải đến làm việc, trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động tuyến lâu quá thì Sở sẽ ra văn bản hủy tuyến theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm Quyết định của Bộ trưởng Bộ GT-VT về quản lý hành khách công cộng bằng xe buýt: “Nghe nhiều ý kiến phản ánh về chất lượng dịch vụ nhưng mà làm cũng khó vì các doanh nghiệp yếu, cho nên làm phải có lộ trình chứ nếu làm mạnh thì sẽ rất khó đảm bảo cho hoạt động. Sắp đến sẽ làm một Đề án có lộ trình dần dần để cho đảm bảo, làm đúng luật hơn”.

Được biết, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ có 15 tuyến xe buýt hoạt động, trong đó có 12 tuyến mở mới. Trước đó, do kinh doanh thua lỗ nên Công ty Cổ phần Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam buộc phải bán 27 xe buýt để trả nợ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên