Cách ly lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam làm việc sau kỳ nghỉ Tết
VOV.VN -Việc cách ly những lao động Trung Quốc trở lại làm việc là việc làm cần thiết trong thời điểm xảy ra dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số địa phương tạm dừng đón lao động là người Trung Quốc trở lại làm việc. Cũng có địa phương đồng ý để người Trung Quốc trở lại làm việc nhưng phải cách ly để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Đây là việc làm cần thiết trong thời điểm xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao tạm dừng cấp phép cho chuyên gia, kỹ sư, lao động nước ngoài đến từ các vùng có nguy cơ nhiễm dịch. Trên địa bàn thành phố này có 53 doanh nghiệp sử dụng lao động người Trung Quốc. Hiện có 19 người Trung Quốc về quê ăn tết đã nhập cảnh trở lại Việt Nam làm việc. Số lao động này chưa được doanh nghiệp bố trí công việc.
Đo thân nhiệt công nhân tại Nhà máy Sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai- Trường Hải.
|
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn có sử dụng lao động là người nước ngoài tạm dừng tiếp nhận lao động từ Trung Quốc về quê ăn tết quay trở lại Việt Nam làm việc, lao động là người nước ngoài di chuyển qua các vùng dịch trong thời gian công bố dịch.
“Theo báo cáo, có 19/39 chuyên gia đã quay lại Việt Nam làm việc. Đến thời điểm này, 19 người chưa có biểu hiện lâm sàng của bệnh. Họ cũng ý thức rất cao về nguy cơ dịch bệnh nên cũng tự kiểm tra sức khỏe cũng như tự cách ly”- ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 9 lao động người Trung Quốc quay trở lại làm việc tại công trình nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 đóng ở địa bàn xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức. Ngay sau khi nhận được thông tin lao động người Trung Quốc trở lại làm việc, lãnh đạo huyện Hiệp Đức yêu cầu chính quyền xã Quế Lưu khẩn trương làm việc với Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 4 tạm thời không để 9 lao động người Trung Quốc tiếp xúc với người dân địa phương.
Ông Nguyễn Như Công, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND huyện đã có công văn gửi Sở Y tế và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn việc theo dõi sức khỏe của 9 lao động người Trung Quốc, nếu có những triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut corona gây ra thì phải nhanh chóng áp dụng biện pháp cách ly triệt để theo quy định của cơ quan chuyên môn.
“Mình đã thống kê, phối hợp với Công ty và Sở Y tế hướng dẫn về nghiệp vụ. Tuyến huyện có chỉ đạo quản lý bên trong tường rào. Họ đã kiểm dịch tại cửa khẩu nhưng mình vẫn theo dõi”- ông Nguyễn Như Công cho biết.
Tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, chiều 4/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam tiến hành đo thân nhiệt 8 lao động nước ngoài, trong đó có lao động người Trung Quốc đang làm việc tại Công ty TNHH Domex Quảng Nam thuộc Cụm công nghiệp Hà Lam- Chợ Được. Qua 4 lần đo thân nhiệt, cả 8 người đều bình thường. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp có người nước ngoài phải báo cáo thường xuyên thông qua hệ thống phần mềm cập nhật với các cơ quan chức năng ở tỉnh để biết được diễn biến tình hình.
“Chúng tôi yêu cầu vừa có thể cách ly tại nơi làm việc của các đơn vị vừa có khu vực cách ly tập trung và xử lý khi có tình huống cao hơn là chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế như chỉ đạo của Bộ Y tế. Tỉnh cũng dự kiến sẽ có phương án diễn tập trong tình huống phát hiện dương tính ở những địa bàn trọng điểm, như ở thành phố Hội An, Tam Kỳ, hoặc tại 1 nhà máy”- ông Lê Trí Thanh cho biết./.
Giáo viên, học sinh đi qua vùng có dịch corona phải tự cách ly 14 ngày
Lai Châu chuyển 14 người âm tính với nCoV ra khỏi khu điều trị cách ly