Cách ly thêm 3 chuyên gia Trung Quốc của tuyến Cát Linh - Hà Đông
VOV.VN -Cùng với ông Đường Hồng, Giám đốc Dự án, 3 lãnh đạo khác của nhà thầu Trung Quốc đã sang Việt Nam tối qua (28/2) và đang được cách ly.
Ngày 29/2, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) thông tin, đến nay có 4 nhân sự lãnh đạo của nhà thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã sang Việt Nam, chuẩn bị tiếp tục làm việc.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang chờ các chuyên gia nhà thầu trở lại để chuẩn bị vận hành thử |
Trong đó, ngoài ông Đường Hồng - Giám đốc dự án đã sang trước đó, đến hết 9/3 sẽ cách ly đủ 14 ngày, 3 lãnh đạo khác của dự án vừa sang Việt Nam tối qua (28/2) và đang được cách ly đúng theo quy định của Bộ Y tế.
“Dự án đang cần huy động các chuyên gia của nhà thầu trở lại dự án để tiếp tục công việc, chuẩn bị thực hiện vận hành thử hệ thống. Song do quy định về phòng chống dịch cúm Covid-19, những nhân sự dùng hộ chiếu phổ thông chưa sang được Việt Nam. Đến nay mới có 4 nhân sự lãnh đạo, có hộ chiếu công vụ nên được cấp Visa nhập cảnh vào Việt Nam.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết khi nào vận hành chính thức. |
Ban Quản lý dự án đã phối hợp thông báo cho địa phương để thực hiện cách ly, phòng dịch trong vòng 14 ngày theo quy định chung. Hiện 4 nhân sự trên đang được cách ly, theo dõi tại một khách sạn tại địa bàn quận Hà Đông. Sau thời gian trên, nếu các nhân sự trên không cần phải cách ly tiếp sẽ tiếp tục trở lại làm việc”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.
Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin thêm, khi số lượng nhân sự của nhà thầu trở lại dự án đảm bảo cho công việc, sẽ vận hành thử hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông phục vụ đánh giá an toàn, nghiệm thu.
Tại buổi Giao ban công tác tháng 2 của Bộ GTVT ngày 28/2, ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt cho hay, ông Đường Hồng, Giám đốc Dự án có mặt tại Việt Nam và đang bị cách ly theo quy định.
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do Tổng thầu EPC là Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát (TVGS) thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh thực hiện. Nhân sự tham gia thực hiện Dự án đến từ nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Từ tháng 1/2020, Tổng thầu EPC và TVGS đã cho các nhân sự thực hiện Dự án về Trung Quốc để nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Trước đó, trong cuộc họp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra diễn ra chiều 30/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “phải ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc, trừ trường hợp công vụ”.
Liên quan đến việc triển khai dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải nỗ lực tối đa đẩy nhanh tiến độ dự án./.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, được xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc.
Ðường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông dài 13,5km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 891,9 triệu USD (sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay bổ sung năm 2017.
Dự án khởi công tháng 10/2011, ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Sau đó lùi tới tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 2/2017, tháng 10/2017, quý II/2018, cuối năm 2018, tháng 4/2019. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa hẹn ngày về đích, Bộ GTVT vẫn nói “phấn đấu” hoàn thành trong năm 2019.
Đến nay sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành tới 99% khối lượng và chỉ còn 1% các hạng mục phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể cán đích và đã 8 lần lỡ hẹn từ chạy thử đến khai thác thương mại các đoàn tàu với người dân Thủ đô.