Cách nào để "hãm" bệnh viện và bệnh nhân trục lợi BHYT?
VOV.VN - Bệnh viện thì cấp phát thuốc, khám chữa bệnh tràn lan. Còn bệnh nhân, cái gì được hưởng từ quỹ BHYT thì lĩnh cho bằng hết, dù không cần.
Hiện nay, tình trạng bệnh nhân vào bệnh viện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được bác sĩ kê đơn thuốc tràn lan, bệnh nhân một ngày khám nhiều lần… đang diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này đã gây thất thoát, lãng phí rất lớn cho quỹ BHYT, giảm cơ hội chăm sóc, khám chữa bệnh của những người khác.
Thái Nguyên là một trong những tỉnh hiếm hoi trong cả nước nhiều năm qua không bội chi quỹ BHYT. Tuy nhiên, tình trạng trục lợi quỹ BHYT không phải là không có ở tỉnh này. Ông Ngô Chí Dũng – Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc trục lợi BHYT không chỉ từ phía bệnh viện mà ở phía người dân cũng có một phần.
Bệnh viện và bệnh nhân cùng bắt tay trục lợi BHYT (ảnh minh họa, nguồn internet) |
Ông Dũng dẫn chứng: Đơn giản như việc ngày mai nhà trường cho cán bộ, giáo viên đi nghỉ mát, mấy cô giáo ra trạm xá xin ít thuốc để dự phòng. Đương nhiên trạm phải cấp, nhưng cấp ra thì có uống đâu. Khi về, họ không dùng đến cũng không trả lại thuốc đó. Rất lãng phí. “Chúng ta cần tuyên truyền để người dân và cả cán bộ y tế phải có ý thức tiết kiệm. Muốn như vậy thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ không riêng gì hệ thống BHXH” – ông Dũng nói.
Để kiểm soát được việc sử dụng quỹ BHYT, theo ông Dũng, Bộ Y tế cần sớm có barem, định mức chuẩn trong khám và điều trị bệnh và tiến tới khoán ca bệnh như các nước trên thế giới đã áp dụng.
Ví dụ, một bệnh nhân mổ ruột thừa chỉ giao 10 triệu. Bệnh viện, bác sĩ muốn làm gì thì làm trong 10 triệu ấy, để có ý thức tiết kiệm, Nếu tay nghề kém, nhiễm trùng thì bệnh viện phải bỏ tiền ra thì mới có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, việc quản lý dược cũng phải rất nghiêm minh. Nhiều nước quản lý thuốc rất chặt chẽ. Riêng kháng sinh không được phép bán ở ngoài. Khi vào bệnh viện, người ta phát quần áo, làm vệ sinh rất tốt, mổ vài ngày là ra viện.
“Còn ở Việt Nam rất vô lý, tôi thấy cần phải xem lại vấn đề dự phòng. Dân đến bệnh viện đông một phần vì lo cho sức khỏe và cũng một phần do dự phòng kém. Mỗi bệnh viện hàng ngày có cả nghìn lượt người khám bệnh. Dân đi khám bệnh, lấy nhiều loại thuốc về nhưng không uống” – ông Dũng nói.
Bệnh viện tự lo lương, áp lực đối với quỹ BHYT
Năm 2017, với việc thực hiện giá dịch vụ y tế có tính tiền lương, ước tính cả nước có khoảng 100 bệnh viện công đã tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên. Có thể hiểu “nôm na” rằng: Trước đây, Nhà nước trả lương cho bác sĩ, còn với cơ chế như hiện nay, bệnh nhân mới là người trả lương cho bác sĩ. Sau khi tính tiền lương vào giá đã giúp giảm chi từ ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền giảm đó được chuyển sang hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân và tăng chi cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Tuy nhiên, một thực tế là khi bệnh viện phải tự lo lương đã gây áp lực rất lớn, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng để kê đơn, khám chữa bệnh, rút ruột quỹ BHYT. Theo ông Lê Văn Phúc – Phó Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), tình trạng lạm dụng, sử dụng quỹ KCB BHYT không hợp lý vẫn đang diễn ra tại nhiều nơi, đơn cử như việc chỉ định quá mức các dịch vụ cận lâm sàng; kê thêm quá nhiều giường bệnh so với năng lực phục vụ của bệnh viện; quá nhiều số lần khám trên một bàn khám/ngày.. dẫn tới chất lượng KCB chưa đảm bảo.
Ngoài ra, theo Ban Dược và Vật tư y tế, giá thuốc thanh toán BHYT vẫn có sự chênh lệch với biên độ lớn giữa nhiều địa phương; nhiều loại thuốc có giá cao hơn so với các loại có tác dụng tương đương nhưng vẫn được nhiều cơ sở y tế sử dụng dẫn tới tổng chi phí thuốc cao.
Tại hội nghị quán triệt tình hình thực hiện chính sách BHYT năm 2017, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chỉ đạo BHXH các địa phương và cơ sở y tế phải triển khai thực hiện giám định BHYT điện tử qua hệ thống thông tin giám định BHYT theo đúng lộ trình đã đề ra.
Để hạn chế tình trạng trục lợi BHYT từ các bệnh viện, ông Lê Văn Phúc cho rằng, Bộ Y tế cần sớm ban hành qui trình chẩn đoán, điều trị bệnh, tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, phác đồ điều trị, bệnh cấp cứu theo từng chuyên khoa, chuyên ngành. Rà soát và điều chỉnh giá một số dịch vụ kỹ thuật cho phù hợp với thực tế; Kịp thời ban hành Thông tư thanh toán theo định suất, gói dịch vụ y tế cơ bản. Đồng thời, phải có các biện pháp xử phạt nặng hơn với các hành vi trục lợi quỹ./.