“Cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học”
VOV.VN - Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi chủ trì cuộc họp Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực diễn ra chiều 23/9.
Chiều 23/9, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Hội đồng. Vấn đề đảm bảo sách giáo khoa và quản lý sách tham khảo tiếp tục được các thành viên hội đồng thảo luận.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra một số câu hỏi liên quan đến sách giáo khoa và sách tham khảo với các thành viên Hội đồng trên cơ sở lắng nghe ý kiến của người dân. Đó là nội dung chương trình sách giáo khoa có đảm bảo để dạy học hay không; có cần bổ sung thêm sách tham khảo hay không; sách tham khảo có bị lợi dụng vì mục đích lạm dụng, vì lợi ích nhóm hay không…
Thảo luận về các nội dung này, đa số các ý kiến cho rằng, cần tách bạch, phân định rõ sách tham khảo và sách giáo khoa. Sách giáo khoa là bắt buộc, còn sách bổ trợ, sách tham khảo thì không được bắt học sinh mua. Giáo viên thì cần sách tham khảo để làm giàu thêm giáo án của mình, nhưng học sinh thì không cần thiết. Đặc biệt đối với cấp tiểu học thì không cần thiết phải có sách tham khảo, các cấp học khác có thể có, nhưng trên cơ sở để học sinh và giáo viên tự mua, tự tìm hiểu.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu ý kiến: “Dứt khoát bỏ sách tham khảo cấp 1 vì lằng nhằng, không cần thiết. Còn những cấp sau, chúng ta dùng hệ thống mạng thông tin đưa lên để học sinh học, tham khảo. Còn sách tham khảo là sách phổ biến ngoài xã hội có ở tất cả các hiệu sách và đấy là việc của giáo viên, việc của học sinh tự tìm hiểu tự trang bị cho mình”.
Nhiều ý kiến cũng khẳng định, có lợi ích nhóm trong việc phát hành sách bổ trợ, sách tham khảo. Việc các trường không phân định rõ đâu là sách giáo khoa, đâu là sách tham khảo để phụ huynh lựa chọn đã gây ra những bức xúc của phụ huynh học sinh trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: “Tài liệu tham khảo về hình thức thì rất hay, nghe có vẻ là học sinh phải học rộng ra nhưng thực chất là bị biến tướng, cho đến hiện nay là bị biến tướng và bị lợi ích nhóm ở đây. Vấn đề đặt ra là tôi xin đề nghị là cần có sự kiên quyết, mặc dù có đau, nhưng cứ như thế thì mới có thể sắp xếp được trật tự. Từ có trật tự rồi thì chúng ta sẽ yêu cầu những tiêu chí tiêu chuẩn bắt buộc, những sách nào được phép gọi là sách tham khảo. Như thế thì tôi thấy là Bộ không thể đứng ngoài chuyện này mà không thẩm định được”.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Bộ đã quy định rõ không được đưa sách tham khảo như là tài liệu bắt buộc đối với học sinh các cấp học: “Bộ kiên quyết chỉ đạo các Sở và các nhà trường không được ép học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo thậm chí cả sách bổ trợ và trong quy định chúng tôi cũng khẳng định rồi. Còn khi để xảy ra thì đơn vị, địa phương phải có trách nhiệm giải trình và xử lý việc này bởi quy định rồi, phân cấp”.
Phát biểu kết luận về nội dung sách giáo khoa, sách tham khảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sửa đổi, bổ sung quy định không chỉ cấm sách tham khảo trong trường học mà cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học.
“Chúng ta phải phân biệt rõ sách giáo khoa là đưa vào nhà trường, đưa đến học sinh, còn sách tham khảo thì không được đưa vào nhà trường. Những vấn đề về phân phối sách, sách tham khảo là đụng chạm đến lợi ích cục bộ của một số nhà xuất bản, công ty phát hành sách, đụng chạm đến lợi ích nhóm của một số cán bộ giáo dục và một số thầy giáo có chức có quyền trong trường. Không được lợi dụng cái này để làm kinh tế không chính đáng, đặc biệt quan trọng hơn, nếu sách tham khảo quản không chặt, lập lờ thì đi ngược lại mục đích giảm tải, phá vỡ mục đích tốt đẹp của đổi mới giáo dục”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đê nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rút kinh nghiệm về việc thiếu sách cục bộ và những vấn đề chưa tốt đối với sách tham khảo và sách bổ trợ; đồng thời cần nghiên cứu việc đưa sách tới tay học sinh./.