Cần biện pháp mạnh lập lại trật tự an toàn giao thông
(VOV) - Tai nạn giao thông thực sự trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội và cần có biện pháp mạnh tay để giải quyết.
Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra làm chết nhiều người. Hầu hết các vụ tai nạn này có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, vô tình hoặc cố tình phớt lờ quy định tốc độ, dẫn đến không xử lý kịp thời khi xảy ra tình huống bất ngờ. Thực tế này đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh từ cơ quan chức năng để lập lại trật tự an toàn giao thông.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phát động Chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ và phát động giải thưởng “Vô lăng vàng” lần thứ nhất năm 2013 với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ quy định tốc độ đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, giảm tai nạn giao thông đường bộ có nguyên nhân từ vi phạm tốc độ, nhất là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Nhiều biện pháp "tổng lực"
Chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ diễn ra từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9/2013 tập trung vào 3 hoạt động chính: Tuyên truyền, hướng dẫn giao thông và kiểm soát tốc độ. Các khẩu hiệu: “Hãy tuân thủ tốc độ khi lái xe”, “Nhanh một phút chậm cả đời”, “Phía trước tay lái là cuộc sống” và 50.000 cuốn cẩm nang lái xe an toàn sẽ được tuyên truyền rộng rãi tới các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, đội ngũ những người lái xe và hành khách thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Hình ảnh cấp cứu nạn nhân vụ lật xe tại Quảng Nam đầu tháng 6/2013, khiến 3 người chết tại chỗ |
Đồng thời, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia sẽ mở diễn đàn để tiếp nhận các thông tin phản ánh của cơ quan, doanh nghiệp, người dân và lái xe về các vấn đề bất cập liên quan đến tốc độ. Cũng trong đợt cao điểm này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ thí điểm một số biện pháp tăng cường hướng dẫn giao thông mới.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: “Về công tác tổ chức giao thông, sẽ tổ chức rà soát toàn bộ biển báo về tốc độ, điều chỉnh cho phù hơp; thí điểm cắm biển khu đông dân cư và hạn chế tốc độ hai bên đường, tạo điều kiện người lái xe biết để chấp hành. Nghiên cứu ứng dụng thông tin cảnh báo về tốc độ qua khu dân cư đối với lái xe thông qua điện thoại di động. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để làm sao lái xe có thể bật chương trình này, để khi đến điểm đông dân cư sẽ được thông báo đoạn này chạy được bao nhiêu cây số/giờ, từ đó lái xe sẽ chạy đúng tốc độ quy định. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ để khắc phục những điểm đen, hay những khu vực nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn giao thông”.
Trong chiến dịch này, lực lượng cảnh sát giao thông đóng vai trò quan trọng. Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng, tăng cường phương tiện kỹ thuật, xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm tốc độ và các vi phạm khác trong chiến dịch. Thông qua công tác xử phạt kết hợp tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến tốc độ cho lái xe vi phạm.
Một trong những công cụ được các cơ quan chức năng sử dụng đó là thiết bị giám sát hành trình hay còn gọi là “hộp đen” lắp đặt trên các xe ô tô. Ông Đào Đức Anh, Giám đốc Công ty Bình Anh, một trong những đơn vị cung cấp thiết bị này cho biết: Thiết bị quản lý được 6 tiêu chí chính theo yêu cầu, đó là thông tin về xe và lái xe, hành trình xe, tốc độ vận hành của xe, số lần và thời gian dừng đỗ, số lần và thời gian đóng – mở cửa xe, thời gian lái xe.
Việc lắp đặt hộp đen trên xe được nhiều doanh nghiệp ủng hộ và áp dụng. Anh Trần Anh Phong, Công ty xe bus Bảo Yến Hà Nội cho biết: với kinh nghiệm hơn 7 năm điều khiển xe bus tuyến 57 từ khu đô thị Mỹ Đình 2 đến khu công nghiệp Phú Nghĩa, thì việc lắp thiết bị giám sát hành trình là rất cần thiết. Hiệu quả từ việc lắp thiết bị không chỉ đối với chủ phương tiện điều khiển xe mà ngay cả đối với nhà quản lý.
Mục đích cuối cùng của việc lắp hộp đen là để ngăn chặn việc vi phạm tốc độ của lái xe chứ không phải chú trọng phạt lái xe. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế ở địa phương cho thấy, không ít doanh nghiệp lắp hộp đen chỉ nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Ngược lại những doanh nghiệp muốn thông qua đó để giám sát hành trình lái xe của mình cũng không dễ và vẫn có thể bị lái xe qua mặt.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: do chưa có quy định sử dụng dữ liệu từ “hộp đen” để phạt hành chính nên với trường hợp xe vi phạm tốc độ ở mức độ nguy hiểm, bộ phận theo dõi sẽ thông báo cho lực lượng kiểm soát của địa phương nơi gần nhất để ngăn chặn tức thời. Còn với trường hợp lái xe tắt “hộp đen” hoặc không lắp “hộp đen”, lực lượng tuần tra, kiểm soát sẽ xử phạt theo Nghị định 71 của Chính phủ.
Từ 1/8 sẽ xử phạt doanh nghiệp không lắp “hộp đen”
Chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ là một trong những giải pháp cụ thể để triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động vận tải đường bộ. Thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tốc độ của lái xe. Cùng với đó, lực lượng chức năng sẽ sử dụng thông số từ thiết bị giám sát hành trình để cảnh báo, xử lý hành vi vi phạm tốc độ của các đơn vị vận tải, lái xe.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổng cục đường bộ đã sử dụng phần mềm tích hợp dữ liệu của 20.000 xe trong tổng số hơn 48.000 xe bắt buộc phải lắp đặt hộp đen. Đến ngày 15/7 sẽ tích hợp dữ liệu toàn bộ hơn 48.000 xe để theo dõi, thống kê các trường hợp vi phạm. Trước mắt sẽ tập trung xử lý vi phạm tốc độ. Từ ngày 15 – 30/7 là thời gian để doanh nghiệp rà soát, chỉnh sửa hộp đen. Từ ngày 1/8 sẽ áp dụng xử phạt theo nghị định 93 của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 6 tháng đầu năm nay, số vụ, số người bị thương do tai nạn giao thông giảm nhưng số người chết lại tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người chết do tai nạn giao thông tăng là vì số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tăng cao so với năm 2012.
Bên cạnh tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm giao thông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng phát động Giải thưởng “Vô lăng vàng” năm 2013, dành cho các lái xe, các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải trên cả nước có thành tích trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Theo đó, lái xe đoạt giải phải đạt các tiêu chí sau: Không để xảy ra tai nạn giao thông, không vi phạm luật giao thông trong năm xét thưởng; số km lái xe tối thiểu mỗi năm là 26.400 km; có nghĩa cử, hành động đăc biệt trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tham gia cứu nạn người bị tai nạn giao thông…/.