Cần cơ cấu lại hệ thống đăng kiểm xe cơ giới trước nguy cơ đứt gẫy
VOV.VN - Để sớm khắc phục những sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm cần phải tái cấu trúc hệ thống, tức là xây dựng lại cơ quan này trên nền đăng kiểm có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn.
Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 7/3, tại Hà Nội chỉ còn 7/31 trung tâm đăng kiểm với 19 dây chuyền còn hoạt động. Theo tính toán, mỗi dây chuyền kiểm định năng suất đạt khoảng 60 xe/ngày. Như vậy, với số dây chuyền hiện có, mỗi ngày Hà Nội chỉ kiểm định được 1.140 xe, một tháng kiểm định được 30.780 xe (đã trừ đi các ngày chủ nhật, trung tâm đăng kiểm nghỉ).
Trong khi đó, số xe đến hạn kiểm định trong tháng 3 tại Hà Nội là 75.682 xe, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người dân. Tình trạng ùn tắc sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn khi nhu cầu kiểm định xe ở Hà Nội trong tháng 4 còn lên đến 83.728 xe.
Nguy cơ đứt gẫy hệ thống đăng kiểm xe cơ giới là trông thấy
Theo đại diện lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc ùn tắc, quá tải đăng kiểm diễn ra trong tháng 3, tháng 4 là điều đã được dự đoán từ trước vì lượt xe đến kỳ kiểm định tăng cao trong khi nhân sự đăng kiểm viên đang thiếu hụt nghiêm trọng và hàng loạt các trung tâm đăng kiểm đã đóng cửa.
“Trong bối cảnh số trung tâm đăng kiểm vi phạm ngày càng gia tăng, khả năng phục hồi chậm, lực lượng đăng kiểm viên làm việc với tâm lý chán nản, căng thẳng lo ấu thì nguy cơ đứt gẫy hệ thống đăng kiểm xe cơ giới hiện nay là có thật thậm chí sụp đổ”, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia Khương Kim Tạo khẳng định và cho rằng, nếu điều này xảy ra, chắc chắn, không chỉ người sử dụng phương tiện thiệt thòi mà nền kinh tế cũng bị tổn thất không nhỏ.
Nêu quan điểm trong câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng khẳng định, nếu tình hình hoạt động của các trạm đăng kiểm tiếp tục diễn biến xấu hơn thì việc bị gián đoạn là điều khó tránh khỏi và sẽ để lại những hậu quả rất lớn đối với các hoạt động vận tải và nền kinh tế.
“Nếu như các phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách không được đáp ứng một cách kịp thời thì nhu cầu vận chuyển vật tư nguyên liệu cho các nhà máy, các khu công nghiệp bị gián đoạn. Rồi vận chuyển hàng hóa để xuất khẩu đi các nước từ khu công nghiệp đến các cảng, rồi đến nơi tiêu dùng sẽ gián đoạn. Đây là một tác động gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung”, ông Quyền phân tích.
Một loạt giải pháp trước mắt được đề xuất
Áp lực khó khăn là thực tế phải đối mặt, nhưng dù sao, sai phạm nếu có đều phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật để vừa lập lại trật tự và sự lành mạnh trong hoạt động đăng kiểm, cũng vừa để răn đe, cảnh tỉnh những ai còn muốn lợi dụng hoạt động đăng kiểm để trục lợi bất chính.
Sự quyết liệt này của lực lượng công an được dư luận đồng tình ủng hộ, tuy nhiên điều mà người dân mong muốn là Chính phủ, cơ quan chức năng cần có giải pháp để xử lý các tồn đọng, giải tỏa mọi khó khăn để người dân đỡ khổ. Bởi rõ ràng, hoạt động của cơ quan nhà nước là nhằm phục vụ người dân, tổ chức và không được phép đứt quãng, không được phép dừng lại vì bất cứ lý do nào.
“Cần thiết phải xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm, nhưng để xảy ra ùn tắc như thế này thì nỗi khổ lại là người dân phải gánh chịu. Nhà nước cần phải sớm có biện pháp để người dân đỡ vất vả. Chúng tôi không thể thành “nạn nhân” do những sai phạm của các cơ quan chức năng”, một người dân sau nhiều ngày vật vờ chờ đến lượt đăng kiểm xe đã phải lên thốt lên như vậy.
Trên thực tế, để giải quyết tình trạng căng thẳng cũng như duy trì hoạt động các trạm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam trong những ngày vừa qua, Cục cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tích cực vận động các đăng kiểm viên đã nghỉ việc quay trở lại phục vụ người dân, chỉ đạo cán bộ làm tăng ca ngày đêm…
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc Cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định, nhằm tháo gỡ khó khăn khi thiếu nhân sự nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng như một số cơ quan, đơn vị liên quan cũng đã đề xuất nghiên cứu một số giải pháp để ngăn quá tải như giảm số đăng kiểm viên mỗi dây chuyền, tuyển gấp nhân sự, cho giãn thời hạn đối với xe đến kỳ đăng kiểm hoặc công an không dừng phạt xe vừa quá hạn đăng kiểm…..Tuy nhiên tất cả những đề xuất mang tính giải pháp trước mắt này cần phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành để vừa đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp nhưng cũng phải phù hợp với các quy định của pháp luật
Cần sớm tái cấu trúc cơ quan đăng kiểm
Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng và trình Bộ Giao thông Vận tải dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ. Bộ GTVT cũng đang lấy ý kiến rộng rãi người dân cũng như các cơ quan, đơn vị.
Theo dự thảo, việc lập hồ sơ phương tiện, kiểm định (kể cả khi bổ sung, sửa đổi hồ sơ phương tiện) đối với xe cơ giới được thực hiện tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào trên cả nước. Đặc biệt trong dự thảo sửa đổi lần này một đề xuất được được dư luận đặc biệt quan tâm đó là quy định miễn đăng kiểm lần đầu cho ô tô mới. Cục Đăng kiểm Việt Nam đặt mục tiêu áp dụng quy định này từ ngày 1/7/2023.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đánh giá cao về những giải pháp kịp thời này. “Tôi nghĩ đây là một chủ trương đúng, một giải pháp phù hợp để giải quyết sự ách tắc trong hoạt động đăng kiểm”. Tuy nhiên theo ông Quyền, dự thảo sửa đổi Thông tư 16 mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ của vấn đề đang đặt ra hiện nay.
Nêu quan điểm về đề xuất miễn đăng kiểm lần đầu cho ô tô mới, ông Quyền cho rằng đây là chủ trương mang tính tích cực những cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đối với các loại xe ô tô vận tải hàng hóa hay xe khách thì câu chuyện là miễn nhưng vẫn phải kiểm tra một số nội dung. Bởi thực tế đối với xe khách có nhiều trường hợp khi đưa vào hoạt động kinh doanh thì các chủ xe sẽ lắp thêm các thiết bị như giám sát hành trình camera. Hay đối với xe vận tải hàng hóa thì thường có tình trạng cơi nới thêm thùng xe, rồi lắp thêm lốp lớn hơn so với thiết kế của xe, rồi độn nhíp…Chính vì vậy cần phải có sự giám sát và có sự điều chỉnh để đảm bảo sự an toàn khi lưu thông.
“Miễn kiểm định nhưng vẫn phải có sự giám sát nhất định, không thể buông lỏng công tác quản lý. Cơ quan đăng kiểm vẫn phải kiểm tra những nội dung cần thiết, và dán tem kiểm định”, ông Quyền nhấn mạnh.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu đề xuất trong dự thảo đối với xe mới, xe cơ giới được miễn thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu tiên nhưng vẫn cần đưa xe đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện lập hồ sơ phương tiện cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định. Đồng thời, Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai thực hiện liên thông dữ liệu từ sản xuất lắp ráp và nhập khẩu đến lưu hành.
“Đơn vị đăng kiểm chỉ thực hiện lập hồ sơ, nhập, ghi nhận thông tin phương tiện trong cơ sở dữ liệu đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định mà không thu giá dịch vụ kiểm định.Các dữ liệu về phương tiện sẽ phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước thống kê, hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát dữ liệu, kiểm soát tải trọng, quản lý vận tải và thu phí tự động không dừng...”. Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng những quy định này là cần thiết để đảm bảo trong công tác quản lý sau này.
Cũng theo ông Khương Kim Tạo, những đề xuất mà Cục đăng kiểm đưa ra mới đây là cần thiết và cũng có thể xem đây là thời điểm thích hợp để các cơ quan quản lý nhà nước mổ xẻ, thay đổi mô hình đăng kiểm hiện có, tiến tới bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn.
“Để đảm bảo về lâu dài cần tái cấu trúc lại hệ thống đăng kiểm, tức là xây dựng lại hệ thống trên nền đăng kiểm có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn. Ngay lập tức phải bổ nhiệm lại đội ngũ lãnh đạo, và trên cơ sở của lực lượng đăng kiểm viên hiện có, phải rà soát lại và bổ sung nhân sự mới”, TS Khương Kim Tạo thẳng thắn.
Chia sẻ với phóng viên VOV2, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng tiêu cực xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam là do thiếu giám sát, buông lỏng quản lý trong một thời gian khá dài. Vấn đề quy hoạch và tổ chức yếu kém, xã hội hoá một cách bừa bãi, đưa tư nhân vào quá nhiều gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lợi ích nhóm... từ đó dẫn đến những tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên với kinh nghiệm của một người có nhiều năm công tác trong ngành giao thông, ông Thủy cho rằng, nếu như có sự quyết liệt, tận dụng mọi thời gian tái trúc lại một cách nhanh nhất, sớm nhất, khoa học nhất của các đơn vị chức năng thì sự gián đoạn của hệ thống đăng kiểm là có những sẽ ngắn lại.
“Đứt gãy hay không là do chúng ta tổ chức lại như thế nào, chọn con người có tốt hay không. Và tôi cho rằng đây là nhiệm vụ, là lúc thể hiện tài năng của Bộ Giao thông vận tải, cơ quan đăng kiểm”, ông Thủy nêu quan điểm.
Bên cạnh việc tái cấu trúc lại hệ thống đăng kiểm, thậm nếu cần phải thay 100% nhân sự mới cũng phải làm như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thì nhiều chuyên gia cũng cho rằng ngành đăng kiểm cần xây dựng các văn bản chuyên môn gần sát với thực tiễn của xã hội để có sự thống nhất trong cả nước, đẩy mạnh số hóa liên thông với các ngành chức năng…..
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chính phủ cũng như Bộ Giao thông vận tải cần sớm chỉ đạo việc tổng kết việc thực hiện Nghị định 139 về xã hội hóa công tác đăng kiểm. Theo đó cần phải có những giải pháp để gia cố thêm nội dung nội hàm về công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động đăng kiểm theo hướng giao các Sở Giao thông vận tải trên địa bàn phải là cơ quan chủ công trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động đăng kiểm./.