Cần đưa giáo dục bạo lực tình dục với trẻ em gái vào nhà trường
VOV.VN - Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, phải đưa nội dung giáo dục về bạo lực tình dục vào trong nhà trường để dạy cho trẻ em, nhất là trẻ em gái.
Hưởng ứng chiến dịch “Chấm dứt bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái” năm 2015 từ 9/11 – 11/12, chuỗi các sự kiện đang được diễn ra tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước.“Bạn không đơn độc – hãy lên tiếng khi bạn bị bạo lực tình dục”, “Hãy đưa bạo lực tình dục ra ánh sáng – đó có thể là con gái bạn” là những thông điệp đưa ra trong chiến dịch này.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, trong đó có bạo lực tình dục, hiện vẫn còn khá phổ biến trong mọi xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới.
Tại Việt Nam, việc đề cập vấn đề bạo lực tình dục trong hôn nhân được xem như một chủ đề không phù hợp. Các quan niệm về văn hóa truyền thống đã góp phần làm cho tình trạng bạo lực này gia tăng song lại vẫn ở trong bóng tối, ít được đề cập tới và vô hình trung phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục là nạn nhân của tình trạng này. Do đó, so với các dạng bạo lực khác, việc đánh giá thực trạng và xử lý bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái gặp nhiều khó khăn hơn.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm |
PV: Thưa Thứ trưởng, vì sao bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn bị xem nhẹ?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm sao để mọi người nhận thức một cách đầy đủ và được nâng cao trong cộng đồng.
Chúng ta vẫn quan niệm những chị em bị bạo hành, bị đánh đập, bị bóc lột, lạm dụng hay quấy rối tình dục mới là bạo lực. Cần hiểu rộng hơn, có nhiều hành vi được xếp vào bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Rõ ràng việc này cần phải quan tâm hơn, vì đã có rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Nghiêm trọng hơn nữa, nhiều phụ nữ, trẻ em gái không những bị bạo lực, xâm hại mà còn bị giết hại. Đó là những trường hợp rất đáng tiếc.
Do đó để phụ nữ và trẻ em gái có cuộc sống, nơi làm việc an toàn, bình yên, chúng ta cần phải quan tâm thúc đẩy những giải pháp, chương trình để xây dựng môi trường sống an toàn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
PV: Thách thức để giải quyết vấn đề này như thế nào trước quan niệm phong kiến đang còn tồn tại, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Đặc điểm của bạo lực giới, bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em bị tác động, chi phối bởi rất nhiều điều kiện. Có những yếu tố về điều kiện sống, môi trường xã hội, nhận thức; nhưng cũng có một phần từ yếu tố văn hóa, nhất là những phong tục tập quán còn lạc hậu. Hủ tục lạc hậu như tảo hôn, coi thường phụ nữ, bất bình đẳng giới, chưa chú trọng đến trẻ em gái. Đây là những thách thức cần phải giải quyết.
PV: Từ chiến dịch này, chúng ta sẽ có giải pháp, chế tài xử phạt hoặc nhận diện về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Trước hết, chúng ta phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật. Thứ hai, quy định thật đầy đủ những hành vi được xếp vào vi phạm bạo lực giới, bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cần có khung xử lý nghiêm, vì hiện nay do nhiều người nhận thức chưa đúng, còn coi thường, cho nên không biết mình vi phạm; người dân cũng không nắm được, coi đó là bình thường.
Bên cạnh đó, môi trường sống an toàn của người dân cần phải được đảm bảo, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hiện nay, tình trạng sống rải rác, thiếu sự kiểm soát, giám sát của cộng đồng; việc đi lại đêm hôm đối với chị em, điều kiện giao thông không được đảm bảo cũng là những nguy cơ cao xảy ra bạo lực tình dục.
PV: Tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em gái, đặc biệt là hiếp dâm, có xu hướng gia tăng. Theo Thứ trưởng, cần làm gì để ngăn chặn?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Theo tôi, chúng ta phải đưa nội dung này vào trong nhà trường để giảng dạy, giáo dục. Các chương trình có thể không chính khóa thì phải là ngoại khóa để dạy cho trẻ em, nhất là trẻ em gái. Bây giờ là cả trẻ em trai nữa.
Đối với các em nhỏ, cha mẹ không nên gửi gắm cho người lạ, thậm chí người thân. Bởi vì rất nhiều trường hợp các em bị người thân, họ hàng, bạn bè xâm hại khi mình tin cậy gửi gắm, nhiều khi nhà ở gần sang chơi.
Những kiến thức này cần phải trang bị cho các bậc cha mẹ. Trường hợp không có điều kiện trông nom con cái thì phải gửi vào chỗ nào đó để đảm bảo an toàn.
PV: Thủ tướng vừa phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, trong đó nhấn mạnh Tháng hành động vì bình đẳng giới. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác phòng, chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Chúng ta phải hành động mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, Chính phủ chọn tháng hành động từ 15/11 – 15/12 hàng năm để tập trung nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân; tuyên truyền, bổ biến luật pháp, chính sách....
Trong tháng cao điểm đó, chúng ta có mục tiêu là nhắc nhở, thúc đẩy cho các cấp chính quyền cho toàn dân quan tâm đến chương trình này. Đồng thời rút ra những mô hình, cách làm tốt để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và nhân rộng ra toàn quốc.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.
Theo các nghiên cứu của quốc tế và ở Việt Nam chỉ ra rằng:
- 35% phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu từng trải nghiệm một hình thức bạo lực về thể chất và tình dục trong cuộc đời của họ, có tới 7/10 phụ nữ phải đối mặt với tình trạng lạm dụng này ở một số nước.
- Ước tính có 30 triệu trẻ em gái dưới 15 tuổi vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hủ tục cắt bỏ cơ quan sinh dục và hơn 130 triệu trẻ em gái và phụ nữ đã từng trải qua hủ tục này trên toàn thế giới.
- Trên thế giới, hơn 700 triệu phụ nữ còn sống đã kết hôn khi còn nhỏ, 250 triệu người trong số đó đã kết hôn trước tuổi 15.
- Ở Việt Nam, nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ công bố năm 2010 cho thấy, 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời.